Chiến thắng của Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 4/3 vừa qua đã dấy lên hàng loạt bình luận của các chính trị gia và chuyên gia trên thế giới về những gì cần thực thi đối với quan hệ giữa Nga với phương Tây và cả phần còn lại của thế giới.

Các bình luận này thể hiện nhiều quan điểm khác nhau, từ thận trọng lạc quan cho tới rất tiêu cực. "Đối với phương Tây thì chiến thắng của Putin không hoàn toàn khiến họ khó chịu. Đúng hơn là việc đó có cả mặt tốt và mặt xấu, về một số khía cạnh thì tốt. Chiến thắng này đảm bảo cho nước Nga ổn định và tương đối dễ dự đoán trong vòng 6 năm tới" - ngài Malcolm Rifkind - một nghị sĩ đảng Bảo thủ và là cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Anh viết trên tờ Nhật báo Điện tín, cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa phe ủng hộ - chống Putin.

Vladimir Putin
Tuy nhiên, quan điểm có vẻ thực dụng này lại được các nhân vật hoạt động chính trị độc lập như Thượng nghị sĩ John Mc.Cain biện hộ. Còn McCain coi ông Putin của nước Nga là một sức mạnh khác biệt. Không ngạc nhiên khi lần này, ông McCain đã chúc mừng đồng thời  nói kháy ông Putin trên Twitter: "Vlad. thân mến, người dân Nga cũng đang khóc".

Các quan điểm trái chiều và một cuộc chiến ngôn từ nhằm vào ông Putin và mối quan hệ của ông với thế giới bên ngoài không có gì đáng ngạc nhiên. Có một cuộc tranh luận khác đang diễn ra về những viễn cảnh đang chờ đợi chính sách ngoại giao của Nga sau khi bầu cử tổng thống. Trong khi câu hỏi vẫn đang lơ lửng trên không trung thì có một số điểm có thể làm rõ ngay lúc này. Và người đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là bất kỳ ai khác, mà chính là ông Putin.

Bài báo của ông Putin trước kỳ bầu cử có tiêu đề "Nước Nga và thế giới đang biến chuyển" đăng trên tờ Moscow News đã dội một gáo nước lạnh lên những người nào nghĩ rằng ông Putin sẽ có quan điểm mềm mỏng về một số vấn đề quốc tế then chốt trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 tới đây. Hệ quả là, một số nhà phân tích tin rằng sau khi Putin trở lại một cách ngoạn mục, họ sẽ lại nhìn thấy một nhân vật vẫn cứng rắn và không thỏa hiệp như vậy trên chính trường quốc tế như hai nhiệm kỳ trước đó của ông - từ năm 2000-2008.

Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng họ có thể sẽ đối mặt với một Vladimir Putin phiên bản thật sự khác. Cuối cùng thì quan điểm nào sẽ thuyết phục hơn? Liệu mọi người có thể đồng tình với những ai nói rằng chính sách đối ngoại của Nga sẽ thay đổi sau bầu cử? Hay là như ý kiến còn lại, liệu mọi người sẽ vẫn thấy một Putin cũ như hồi năm 2000-2008?

Hiển nhiên, Putin sẽ phải đưa ra một quyết định chẳng dễ dàng gì về những chừng mực mà ông sẽ phải sửa đổi hoặc chỉnh sửa chính sách của người tiền nhiệm. Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev đã ghi lại dấu ấn bằng các cải thiện trong mối quan hệ Nga-Mỹ, bao gồm một hiệp ước giảm vũ khí hạt nhân ấn tượng trong năm 2010 giữa những nước từng là "cựu thù" trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, trong các phát biểu gần đây, Vladimir Putin không hề đả động gì tới cái được gọi là "tái thiết" quan hệ song phương Nga-Mỹ. Và việc này có lý do của nó. Đáng tiếc là, lúc này việc tái thiết quan hệ đôi bên đã bị nguội lạnh đi và không phải là lỗi của Nga. Một điều còn quan trọng hơn cho Putin đó là lo ngại trước nhất của ông về việc Mỹ định xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu, mà theo phía Nga thì kế hoạch này nhằm làm suy yếu kho hạt nhân của họ và gây xáo trộn cân bằng sức mạnh giữa các bên.

"Giờ đây người Mỹ đang bị ám ảnh bởi ý nghĩ mang lại cho họ cảm giác hoàn toàn bất khả xâm phạm" - ông Putin viết trong bài báo, và nói thêm rằng việc đưa các kế hoạch đó vào đời sống thực sẽ dẫn đến "sự tổn thương thực sự cho những người khác".

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Medvedev có thể đã bệnh vực cho chính sách đối ngoại ít cứng rắn hơn. Trong bài phỏng vấn đăng năm 2010, ông nói với giới truyền thông phương Tây rằng Nga nên biểu lộ một khuôn mặt cười, thay vì nhe nanh ra đe dọa người khác. Tuy nhiên, những chỉ trích của ông Putin đối với Mỹ đã cho thấy các chính sách trên sẽ được giám sát chặt chẽ và thông qua cuộc sát hạch khó khăn hơn nữa.

Mức độ chỉ trích mà Putin dành cho Mỹ tương đối nặng nề. Vị Thủ tướng sắp mạn nhiệm để trở lại làm Tổng thống đề cập tới Mỹ và NATO trong mối liên quan tới các vấn đề quốc tế trọng yếu, và với một thái độ khá ngờ vực. Putin thậm chí còn chỉ trích Washington và NATO về vấn đề Afghanistan (Nga từng giúp quân đội NATO về mặt vận chuyển và cung cấp các lộ trình khi triển khai quân tại Afghanistan). Nói về Afghanistan, Putin đề cập tới các vấn đề từ tính chiến đấu cho tới buôn lậu thuốc phiện vốn không hề thuyên giảm đi chút nào. "Bất chấp các kế hoạch rút quân, người Mỹ vẫn đang xây dựng các cơ sở quân sự tại đây và các quốc gia lân cận. Điều này rõ ràng chúng ta không thể chấp nhận được" - ông Putin nói.

Quan điểm của ông Putin - có thể trở nên phổ biến ở trong và ngoài nước Nga - rằng Mỹ và NATO đang xuất khẩu một kiểu dân chủ dựa trên sức mạnh của bom và tên lửa. Đây gần như là sự ám chỉ tới kịch bản tại Libya.

Phải chăng điều này cũng có nghĩa là sẽ chẳng có hy vọng nào cho phương Tây rằng Nga cùng với Trung Quốc sẽ ủng hộ Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết cho phép hành động quân sự tại Syria? Câu trả lời đã rõ. Không chỉ phản đối một nghị quyết như vậy, Moscow còn cảnh báo NATO đừng có thành lập các liên minh để tiến hành can thiệp quân sự mà không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an.

Điều tương tự ám chỉ tới Iran cũng được ông Putin chỉ ra trong một cách thẳng thắn. Ông cảnh báo các quốc gia phương Tây đang lo sợ rằng Tehran có thể đang theo đuổi vũ khí hạt nhân, và họ tìm cách lên kế hoạch quân sự nhằm chống lại Cộng hòa Hồi giáo này. "Rõ ràng là mối đe dọa về tấn công quân sự lên quốc gia này đã khiến Nga phải báo động. Nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ thật sự là thảm họa. Không thể nào hình dung nổi quy mô thật sự của chúng" - ông Putin nói. Như vậy, có vẻ rằng ông Putin chắc chắn không muốn Mỹ tấn công quân sự Iran. Các quốc gia phương tây cũng quá vội vàng "vơ lấy cây gậy cấm vận hoặc thậm chí là hành động quân sự. Tôi nhắc lại rằng, đây không phải là thế kỷ 19 - hay kể cả là thế kỷ 20" - ông Putin nói thêm.

Nhưng điều này có thể khiến nhiều người ở phương Tây ì xèo rằng: "Nhìn xem, ông Putin đang định bảo vệ ai thế?". Chưa hết, Tổng thống vừa đắc cử của Nga còn cảnh báo cả việc gây sức ép quá nhiều lên CHDCND Triều Tiên, và nói rằng tình trạng hạt nhân của quốc gia này là "không thể chấp nhận được với nước Nga" nhưng "những nỗ lực để kiểm tra xem tân lãnh đạo của họ mạnh hay yếu cũng không thể chấp nhận được", bởi vì điều này có thể chỉ là phản tác dụng.

Như vậy, những thông điệp chính của ông Putin muốn gửi tới thế giới có thể hiểu là: nước Nga sẽ tiếp tục có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các vấn đề quốc tế then chốt, với tư cách là một thành viên vô song trên chính trường thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Nga sẽ tự cô lập mình khỏi thế giới bên ngoài. "Nước Nga là một phần của thế giới... Chúng tôi không thể và cũng không muốn tự cô lập mình" - Putin viết.

Và với tầm nhìn chiến lược toàn cầu như vậy, cho dù ai đó yêu thích hay căm ghét Putin, thì thế giới quan của ông vào lúc này khá là hợp lẽ.

Lê Thu (theo RT)

Putin mời cựu đối thủ vào nội các mới
Thủ tướng Nga nói rằng ông hoan nghênh cựu đối thủ, tỷ phú Mikhail Prokhorov gia nhập nội các mới của ông.
 
Vì sao lại là Putin?
Ông là người đã vực nước Nga dậy từ "vũng bùn" kinh tế, chính trị, xã hội. Ông cũng là người có thể sẽ tạo ra sự cân bằng trong cán cân quyền lực với "siêu cường" Mỹ, phá vỡ thế đơn cực hiện nay.
 
Nước mắt và chiến thắng của Putin
Giành hơn 64% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống "minh bạch nhất thế giới", Thủ tướng Vladimir Putin sẽ trở thành Tổng thống kế tiếp của Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới.