Tờ The Sun - tờ báo lá cải hàng đầu tại Anh của ông trùm Rupert Murdoch - đã có một thứ "văn hóa" chi trả các khoản tiền hối lộ cho các quan chức chính phủ để mua được thông tin. Một quan chức cảnh sát cấp cao đã công bố thông tin này hôm đầu tuần khi Murdoch tuyên bố rằng ấn bản Sunday mới ra mắt đã bán được hơn 3 triệu bản chỉ trong ngày đầu tiên phát hành.

Ông trùm Murdoch đang đọc số báo cuối cùng của tờ News of the World. Trên trang bìa của tờ báo có dòng chứ lớn "Cảm ơn và Tạm biệt". Tờ báo đã bị đóng cửa vào tháng 7 năm ngoái.
Sue Akers - một Ủy viên hội đồng trợ lý Cảnh sát Trung tâm - đã nói rằng tờ báo này  thường đề cập một cách cởi mở về việc trả tiền cho các nguồn tin của họ và các khoản tiền đó được lãnh đạo cấp cao ủy quyền.

Bình luận của Akers được đưa ra vào đúng ngày mà công ty của Murdoch trả tiền cho giọng ca thiên thần Charlotte Church 600.000 bảng Anh (tương đương 951.000 USD) để dàn xếp vụ nghe lén điện thoại, xâm phạm vào đời tư của cô và gia đình cô.

Akers nói rằng các nhà báo của tờ The Sun đã "mua" thông tin của các quan chức cảnh sát, quân đội, y tế và cả quan chức trong chính phủ. Một quan chức từng nhận được tổng số 80.000 bảng Anh trong vài năm liền. Một nhà báo được cấp hơn 150.000 bảng Anh bằng tiền mặt để trả tiền cho các nguồn tin. Akers cho biết thêm, các khoản chi trả này là quá lớn so với những chi trả thông thường như mời các nguồn tin bữa ăn, hoặc uống nước.

Akers nói rằng "một mạng lưới các quan chức tham nhũng" đã cung cấp các câu chuyện cho tờ The Sun đều là những kẻ "ngồi lê đôi mách các chuyện tục tĩu".

"Gần như là có một thứ văn hóa chi trả tiền bất hợp pháp tại The Sun, và các hệ thống đã được tạo ra để dung túng cho các khoản tiền đó khi che dấu thông tin cá nhân của các quan chức nhận tiền" - Akers nói. Hiện nay, cô đang phụ trách điều tra vụ thâm nhập và nghe trộm điện thoại và hối lộ cảnh sát.

Những lời lẽ thẳng thắn của Akers nhằm thẳng vào vấn đề đạo đức và chuyển hướng từ các hoạt động báo chí sang vấn đề sắp bùng lên về quan hệ tham nhũng với giới cảnh sát.

Akers không nói rõ khi nào hoặc trong trường hợp nào thì các khoản chi khổng lồ trên đã chấm dứt, nhưng Murdoch khăng khăng nói rằng các cách hoạt động này đã hoàn toàn thay đổi tại The Sun.

"Như tôi đã nói rất rõ, chúng tôi đã thề làm tất cả mọi việc mà chúng tôi có thể để có bỏ lại phía sau mọi sai lầm trước kia nhằm trở lại đúng hướng trong tương lai" - ông nói trong một email.

"Tiến triển đang trên đà thực hiện. Những gì mà Sue Akers nói là những việc đã xảy ra trong quá khứ và không còn tồn tại ở The Sun".

Akers đưa ra cáo buộc này chỉ một ngày sau khi Murdoch khởi động tờ The Sun on Sunday, một ấn phẩm thay thế cho tờ News of the World ngập trong bê bối trước đó. Ông nói thêm, ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, ấn phẩm này đã bán hết veo 3,25 triệu bản - còn nhiều hơn cả tờ News of the World trước khi đóng cửa.

Cảnh sát hiện đang tiến hành điều tra song song ba vụ án liên quan tới bê bối nghe lén, trong đó, các phóng viên của tờ News of the World thường thâm nhập vào các thư toại của những người nổi tiếng nhằm moi móc các thông tin đời tư và biến chúng trở thành tin sốt dẻo trên mặt báo.

Murdoch đã phải đóng cửa tờ báo lá cải 168 tuổi vào tháng 7 vừa qua trong một làn sóng tẩy chay của công chúng và vụ bê bối đã dẫn đến các vụ điều tra đối với đạo đức truyền thông.

Một cuộc điều tra trước đó của cảnh sát đã không thể tìm thấy bằng chứng về vụ nghe lén giữa một nhà báo và một điều tra viên tư nhân, cả hai người này đều đã bị vào tù năm 2007 vì đã nghe trộm các cuộc gọi của hoàng gia.

Hãng News Corp. của ông trùm Murdoch giờ hiểu rằng hoạt động này đã lan ra quá nhanh so với tưởng tượng của họ.

Các lãnh đạo cấp cao của bộ phận báo chí Anh của ông Murdoch bao gồm cả biên tập viên Rebekah Brooks và Andy Coulson (thuộc tờ News of the World) luôn khẳng định rằng họ không hề biết gì về việc nghe lén điện thoại ở tờ báo, thậm chí ngay cả khi điều tra viên độc lập Glenn Mulcaire từng bị bắt năm 2007 vì nghe lén điện thoại của nhân viên trong hoàng gia nhân danh tờ báo.

Nhưng một email từ Tom Crone - sau này là luật sư cho News of the World - đã cho biết rằng cả Coulson - người sau này trở thành giám đốc phụ trách truyền thông của Thủ tướng Anh David Cameron - và Brooks đều biết rằng: năm 2006, cảnh sát đã có danh sách khoảng 100 người có thể nằm trong tầm ngắm của Mulcaire.

Mộ cựu cảnh sát cấp cao Brian Paddick cũng nói với cơ quan điều tra rằng Mulcaire có thông tin về danh tính của các nhân vật đã được thế chỗ trong chương trình bảo vệ nhân chứng vì an toàn của họ.

Paddick nói rằng: "Những thứ này mà rơi vào tay của Mulcaire và có thể là tờ News of the World thì thật sự đáng lo ngại".

Bộ phận báo chí Anh của ông Murdoch là Thông tin Quốc tế đã chi ra vài triệu USD để bù chi phí thiệt hại và pháp lý cho hàng chục nạn nhân bị nghe lén điện thoại, bao gồm cả các ngôi sao nổi tiếng như Jude Law và các nạn nhân hình sự như gia đình Milly Dowler - một em bé 13 tuổi bị giết hại và các thư thoại của em bị chặn từ năm 2002.

Vụ dàn xếp với ngôi sao trẻ hát opera Church hôm thứ Hai vừa qua cũng nhằm xí xóa việc cô tuyên bố rằng 33 bài báo trên tờ News of the World là sản phẩm của việc các nhà báo nghe lén thư thoại của gia đình cô. Cho dù Church đã thắng về mặt pháp lý, nhưng những năm tháng mà tờ báo này thâm nhập vào gia đình cô và việc theo đuổi các vụ kiện tục đã khiến cô cảm thấy khủng khiếp.

"Khi các vụ kiện tụng kết thúc, điều mà tôi phát hiện ra đã khiến tôi phát ốm và cảm thấy ghê tởm. Chẳng có gì là giới hạn với những người đã đeo đuổi tôi và gia đình, chỉ vì kiếm tiền cho một hãng tin tức đa quốc gia" - Church nói bên ngoài phiên tòa tại London.

Cảnh sát Anh và các luật sư của News Corp. đang lùng sục trên hàng triệu email để tìm bằng chứng về những việc làm sai trái của The Sun cũng như News of the World và hơn chục các nhà báo hiện thời hoặc từng làm nhà báo của hai tờ trên đã bị bắt vì bị cáo buộc nghe lén điện thoại hoặc hối lộ quan chức nhà nước.

Sau vụ bê bối, một số lãnh đạo trong bộ máy của ông Murdoch đã từ chức. Hai quan chức cảnh sát hàng đầu của Anh đã bị cáo buộc là không làm hết mình để điều tra tới tận cùng những sai trái này.

Các "tài sản" trong tay của ông Murdoch bao gồm cả tờ Times và Sunday Times, cùng với 39% cổ phần trong hãng truyền hình vệ tinh BSkyB.

Cựu Phó thủ tướng John Prescott từng bị tờ News of the World nghe lén đã cáo buộc ông Murdoch đã làm tha hóa quyền lực trong nền chính trị Anh.

"Tôi từng nghĩ rằng thật là sai lầm khi các chính trị gia ở cấp cao nhất lại có quan hệ mật thiết với ông Murdoch, bởi vì Murdoch luôn đòi hỏi một cái giá. Tôi nghĩ rằng điều này đã gây ra sự tha hóa quyền lực -- không phải theo cách hiểu về tiền nong, mà là về quyền lực". 

  • Lê Thu (Theo Huffington Post)