Sức ép và nỗ lực ngoại giao vẫn đang được dùng với Iran trong khi cả Iran và phương Tây đều tính tới khả năng một cuộc chiến sẽ bùng phát. 

Các thanh tra cấp cao của LHQ đã tới Iran hôm 20/2 để thúc đẩy sự minh bạch về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Trong khi đó, một số nước châu Âu đã ngừng mua dầu của Iran như một phần trong việc gây sức ép với Tehran "cứng đầu" của phương Tây.

Iran đã phủ nhận cáo buộc của phương Tây về việc bí mật tìm kiếm các cách chế tạo vũ khí hạt nhân và một lần nữa thề sẽ không từ bỏ hạt nhân trong vài tuần tới. Tuy nhiên, nước này cũng tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán với các cường quốc vô điều kiện.

Phái đoàn gồm 5 thành viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) do trưởng thanh tra IAEA Herman Nackaerts dẫn đầu, dự định sẽ họp bàn hai ngày nhằm nhận được câu trả lời của Iran về các thông tin tình báo rằng chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của nước này chỉ là bình phong trong việc tìm kiếm cách chế tạo bom nguyên tử.

Phát biểu khi rời Vienna, ông Nackaerts nói, ông muốn có "kết quả vững chắc" từ cuộc hội đàm. Phái đoàn của ông được kỳ vọng sẽ tìm kiếm, chất vấn các nhà khoa học Iran và tới căn cứ quân sự Parchin - nơi được cho là dùng để thử nghiệm chất nổ có liên quan tới đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ali Akbar Salehi đã làm cụt những phán đoán về việc IAEA sẽ được tiếp cận nhiều địa điểm hơn khi nói rằng quan chức IAEA sẽ không được phép tới bất cứ một địa điểm hạt nhân nào. "Không. Công việc của họ mới bắt đầu", ông Salehi cho biết.

Giới ngoại giao vẫn còn hoài nghi về việc liệu các cuộc hội đàm có mang tới bước đột phá nào không. "Tôi tin rằng hầu hết mọi người đều khá hoài nghi về kết quả vì Iran đã có một cơ hội ở lần gặp cuối và không nắm bắt lấy nó", một quan chức cấp cao của phương Tây nói, đề cập tới chuyến đi cuối cùng của phái đoàn IAEA tới Tehran vào cuối tháng 1 vừa qua.

Nói về việc tuần trước Iran tuyên bố sẽ công khai những tiến bộ hạt nhân mới, quan chức trên nhận định: "Họ phát đi những tín hiệu sai lầm rằng Iran sẵn sàng hợp tác...Chúng tôi sẽ chờ và chứng kiến điều gì sẽ diễn ra sau cuộc gặp nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị cho việc Iran có thể tiến thử một vài bước...có vẻ như hợp tác nhưng thực sự không có hợp tác cần thiết".

Kết quả cuộc họp giữa các thanh tra và quan chức Iran sẽ các ảnh hưởng tới vấn đề ngoại giao vì nó có thể làm bế tắc thêm sâu sắc và làm trầm trọng thêm những mối lo về chiến tranh hoặc tạo ra cơ hội để giảm căng thẳng.

Trong một dấu hiệu cho thấy Iran lo rằng Mỹ hoặc Israel sẽ dùng tới giải pháp cuối cùng là không kích nước này, hôm qua, Tehran đã tiến hành tập trận 4 ngày nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân, truyền thông Iran cho hay. "Cuộc diễn tập nhằm tập huấn phối hợp giữa lực lượng vệ binh cách mạng với quân đội thường trực và các đơn vị phòng không nhằm thiết lập một lá chắn phòng vệ đối với các trung tâm mang tính sống còn của Iran, đặc biệt là các cơ sở hạt nhân", hãng thông tấn ILNA cho biết.

Tháng trước, EU đã nổi khùng với Iran khi quyết định tẩy chay dầu Iran từ ngày 1/7. Hôm qua, Ủy ban châu Âu cho biết, Bỉ, Cộng hòa Séc và Hà Lan đã quyết định ngừng mua dầu của Iran trong khi Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy cũng ngừng mua dầu.

Đáp trả lệnh trừng phạt dầu, Iran - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới đã đe dọa đóng cửa eo Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng thứ 3 trên thế giới và Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng nếu Iran làm như vậy, Mỹ sẽ dùng vũ lực để mở cửa eo biển này.

Căng thẳng liên quan tới các hoạt động hạt nhân Iran đã khiến sức ép đối với giá dầu tăng lên.

Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn hòa bình song từ chối ngừng làm giàu uranium, chương trình vốn có thể dùng vào mục đích dân sự lẫn quân sự. Trong khi đó, nước này chuyển một phần quan trọng của chương trình hạt nhân xuống các boongke ở các khu vực núi non hẻo lánh nhằm tránh các cuộc không kích, tiếp tục hạn chế IAEA tiếp cận, điều này đã làm dấy lên những nghi ngờ.

Mỹ và Israel không loại trừ việc dùng vũ lực chống Iran nếu ngoại giao và trừng phạt không kiềm chế được quốc gia này. Hiện giờ, đang có thảo luận công khai ở Israel về việc có nên tấn công Iran hay không để ngừng chương trình làm giàu uranium vốn dùng để chế tạo vũ khí.

  • Hoài Linh (Theo AP, BBC, Guardian)