Đây là một động thái quan trọng trong bối cảnh người Hồi giáo đang chiếm ưu thế trong quốc hội Ai Cập.

Sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, nhóm Anh em Hồi giáo đang được hợp thức hóa và người Hồi giáo đang chiếm ưu thế trong cơ quan lập pháp của Ai Cập.
Tehran đã sẵn sàng nối lại quan hệ ngoại giao với Ai Cập chỉ trong vòng một ngày. Truyền thông Ai Cập đã trích lời quan chức ngoại giao Iran tại Ai Cập đưa ra hôm qua.

"Iran đã sẵn sàng nối lại quan hệ ngoại giao chỉ cần trong một ngày ngay khi Ai Cập đồng ý" - ông Mojtaba Aman, đại diện của Iran phát biểu.

Tehran hiểu rằng Ai Cập có rất nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết vào lúc này và họ sẽ cần "một khoảng thời gian" để đưa ra quyết định cuối cùng.

Quan hệ giữa hai quốc gia đã bị cắt đứt sau khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel hồi năm 1978. Kể từ đó, quan hệ ngoại giao giữa hai nước chủ yếu được kết nối thông qua các văn phòng đại diện đặc biệt bảo vệ quyền lợi công dân của họ.

Sau cuộc cách mạng tại Ai Cập vào tháng 2/2011, Tehran kiên trì theo đuổi việc nối lại quan hệ ngoại giao toàn diện, và các nỗ lực của họ đặc biệt được chú trọng kể từ khi nhóm Anh em Hồi giáo được hợp pháp hóa tại Ai Cập và chiến thắng của những người Hồi giáo trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Ai Cập - gồm cả Thượng và Hạ viện vào tháng Giêng vừa qua.

Đại diện của Iran hứa hẹn rằng sau khi nối lại quan hệ ngoại giao, "Iran sẽ ngay lập tức hỗ trợ kinh tế cho Ai Cập để Cairo có thể đương đầu với các sức ép từ phía Hoa Kỳ".

"Iran mong muốn giúp đỡ Ai Cập không chỉ nhằm đối phó với các đe dọa từ Mỹ, mà chủ yếu là vì tinh thần anh em giữa người Iran và người Ai Cập" - ông Aman nói.

Iran còn sẵn sàng giúp dodữ Ai Cập theo cách khác. Chừng nào quan hệ ngoại giao đôi bên được nối lại, Iran sẵn sàng gửi tới Ai Cập 5000 du khách mỗi ngày, và Iran sẽ không quan tâm gì tới "các vấn đề về an ninh".

"Iran đã quen với việc đi du lịch trong các điều kiện khó khăn và dễ dàng đi lại ở những nơi như Iraq" - ông Aman giải thích.

  • Lê Thu (theo RIA)