Áp lực lên quân đội Syria đang tăng cao trong bối cảnh làn sóng nổi dậy có vũ trang ngày càng trở nên mạnh mẽ và số quân đào ngũ ngày càng nhiều.

TIN BÀI KHÁC:


Quân đội Syria Tự do tuyên bố đã thu nạp hàng nghìn chiến binh vào hàng ngũ. 

Shashank Joshi thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh đã có bài phân tích về những thách thức mà quân đội Syria, nền tảng quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad, đang phải đối mặt. 

Năm ngoái, cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã ra lệnh cho quân đội của ông dùng vũ lực trấn áp làn sóng phản đối chế độ. Bộ phận phía đông của quân đội đã sớm "bốc hơi", và trong vòng 8 tháng, phần còn lại cũng dần tan rã, để lại vài đơn vị ít ỏi trung thành.

30 năm trước, Tổng thống Hafez al-Assad của Syria đã ra lệnh cho lực lượng tinh nhuệ của ông san phẳng thành phố Hama để đáp trả một phong trào Hồi giáo nổi dậy đang trào dâng. Chỉ một lữ đoàn đào tẩu. Thomas Friedman - trong cuốn sách mang tên Từ Beirut tới Jerusalem - đã gọi chiến dịch tàn ác này là "những quy tắc Hama". 

Người tiền nhiệm của Hafez, và cũng là con trai ông, Tổng thống Bashar al-Assad, giờ đây đang hoạt động theo "Những quy tắc Homs" - chẳng phải những luật lệ ở Libya hồi năm ngoái cũng không phải Hamas cách đây một thế hệ. 

Có thể thấy được rằng lực lượng an ninh của ông Assad rất kiên cường. Một chế độ được xây dựng xung quanh giáo phái Alawite đã kết nạp vào hàng ngũ sĩ quan những người đồng đạo, những người cùng bộ tộc và các thành viên gia đình. Sư đoàn Cơ giới số 4 - mới đây chật vật giành quyền kiểm soát các ngoại ô Damascus - được tuyển toàn bộ từ giáo phái đó. Tương tự với Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và lực lượng không quân. Shabiha, lực lượng dân quân người Alawite, cũng là một đội quân hỗ trợ hữu ích. 

Dự đoán về sự sụp đổ

Cùng lúc đó, không một quân đội nào bị kéo căng cả về cường độ lẫn thời gian như thế mà không hứng chịu các vấn đề về nhuệ khí và lòng trung thành. Xu hướng đào tẩu là không thể tránh khỏi. 

Tư lệnh lực lượng quân sự đối lập, đại tá Riad al-Assad, đóng tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố ông đang chỉ huy 40.000 binh lính trong Quân đội Syria Tự do (FSA) của mình.

Tướng Mustafa al-Sheikh, nhân vật cấp cao nhất trong quân đội Syria đào ngũ tính đến thời điểm này, cho rằng tính sẵn sàng chiến đấu của chế độ đã giảm xuống còn "40% về vũ khí và 32% về nhân sự". Ông lập luận rằng, có một sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng, và các sĩ quan người Sunni đã rời bỏ hàng ngũ hoặc bị loại bỏ, và nhiều thành phần lớn trong quân đội đang bí mật liên lạc với FSA để đào ngũ. 

Tướng Sheikh, người đã tự đứng ra thành lập Hội đồng Cách mạng Tối cao để thay thế FSA, còn mạnh bạo dự đoán rằng "quân đội Syria sẽ sụp đổ trong tháng 2". 

Ít có khả năng dự đoán này trở thành sự thật. Đó chủ yếu là một nỗ lực nhằm huy động sự ủng hộ của quốc tế và kích động thêm nhiều người nữa đào ngũ.

Cùng lúc đó, lực lượng của ông Assad từ lâu đã vượt qua điểm mà họ có thể hy vọng về một cuộc tấn công quyết định, chốt hạ như kiểu của Assad cha ở Hama năm 1982. 

"Phao cứu đắm" Nga

Nhân tố quan trọng nhất là sự lan rộng và tăng cao của làn sóng nổi dậy trong vài tháng trở lại đây. Những người từng tham gia biểu tình hòa bình giờ đây cho rằng cầm vũ khí đứng lên là lựa chọn duy nhất để tồn tại. 

Một cột mốc quan trọng là sự bùng nổ bạo lực trong tháng này ở thành phố thứ 2 của Syria, Aleppo. Quân đội ngày càng bị kéo căng trên khắp các mặt trận, điều mà năm ngoái họ chẳng hề phải bận tâm. Họ mất nhiều ngày mới giành quyền kiểm soát các vùng ngoại ô xung quanh thủ đô Damascus, và thị trấn Zabadani - cách Damascus khoảng 32km về phía tây bắc - đã hoàn toàn rơi vào tay quân nổi dậy hồi tháng 1. 

Sự tận tụy của các đơn vị trung thành ngày càng ít đi và nghịch lý là càng chiến đấu thì càng có nhiều người đào tẩu, nhưng không chiến đấu thì có nguy cơ bị mất lãnh địa và từ đó các nhóm vũ trang khác nhau của phe đối lập có thể tập hợp và củng cố sức mạnh.  

Lực lượng an ninh của Tổng thống Assad vẫn có trong tay nhiều lợi thế. 

Bài học Libya cho thấy, sự kiểm soát lãnh địa của phe chống đối có thể dễ dàng bị đảo ngược. Thực tế, Zabadani đang rơi trở lại vào tay quân chính phủ. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ bên ngoài vào Damascus nhanh hơn so với bất cứ điều gì có thể đến được với FSA từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút hay Qatar. 

Nga đã gửi hàng tấn đạn dược, và dây cứu đắm này được cho là sẽ tiếp tục để ngỏ. 

Có tin cho hay, tướng Qassem Suleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), đóng vai trò như một "cố vấn và nhà chiến lược chính của chế độ". Báo The Guardian đưa tin, ông Suleimani "vừa đảm nhiệm một vị trí trong phòng chiến tranh" cùng với Tổng thống Assad và nhóm cầm quyền. 

Lo sợ của người thiểu số

Cũng có sự viện trợ về ngoại giao. Các chính phủ có thể bảo vệ nhau hoặc chia rẽ dựa trên nhận thức. Việc Nga phủ quyết bản nghị quyết lên án Syria của Liên Hợp Quốc tuần trước đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các quan chức cấp cao đang dao động lòng trung thành trong chính phủ Syria. Có lý khi các quan chức và các nhóm cho đến nay vẫn tỏ ra trung lập để điều chỉnh quan điểm của mình sao cho phù hợp với cam kết của Nga. 

Một tia hy vọng là ngay cả nếu Tổng thống Assad bị hạ bệ, một sự chuyển giao kiểu Yemen sẽ giúp cho "những người can đảm" của chế độ được ở nguyên vị trí. Một số cộng đồng thiểu số coi Assad như người bảo lãnh cho sự an toàn của họ có rất nhiều lý do thuyết phục để mạo hiểm kết cục này.
Một điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ từ Damascus năm 2006 nhận thấy "nỗi sợ hãi lớn trong cộng đồng Alawite về sự báo thù nếu như đa số người Sunni giành lại được quyền lực". 

"Các quy tắc Homs" của Assad có nghĩa là ông không có chiến lược mà chỉ có thủ đoạn: đánh bom bừa bãi nhằm vào phe đối lập còn non trẻ, làm sâu sắc thêm lòng trung thành giáo phái để buộc các cộng đồng thiểu số phải chọn phe, và tiếp cận những người đỡ đầu ở nước ngoài bằng một lợi ích trong sự tồn tại của mình. 

Thật khó để thấy điều này có thể làm được bất cứ điều gì ngoại trừ đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa của phe đối lập, khuyến khích sự giúp đỡ lớn hơn cho quân nổi dậy từ những người thất vọng ở bên ngoài, và gây rất nhiều khó khăn cho bất kỳ một thỏa thuận dân chủ, đa nguyên nào nổi lên từ đống đổ nát. 

Thanh Hảo (Theo BBC)