Năm 1988, các tàu chiến Mỹ đụng độ với quân đội Iran ở Vùng Vịnh. Và giờ đây, khi một cuộc khẩu chiến đang leo thang, liệu có nguy cơ lịch sử sẽ lặp lại? 

Iran đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Eo biển Hormuz.

Chiến dịch Praying Mantis năm xưa giờ đây chỉ nhỉnh hơn một chú thích trong lịch sử Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc đụng độ giữa các tàu chiến và máy bay Mỹ với lực lượng Iran ở Vùng Vịnh hồi tháng 4/1988 có thể là một phép thử đối với cuộc đụng độ hải quân lớn hơn tiềm tàng mà có thể đang đe dọa khi căng thẳng trong khu vực tăng cao. 

Trở lại hồi cuối thập niên 1980, Iran và Iraq đang trong chiến tranh. Cuộc xung đột này lan khắp Vùng Vịnh, với việc phía Iran nhằm vào các tàu thuyền của các nước mà họ tin là đang hậu thuẫn Iraq. 

Vào tháng 3/1987, Tổng thống Ronald Reagan đã đồng ý treo cờ lại cho một số tàu chở dầu Kuwait. Hoạt động dưới màu cờ của Mỹ, chúng có thể được bảo vệ bởi các tàu chiến Mỹ. Một vài tuần sau đó, một trong những chiếc tàu đó đã bị trúng một quả thủy lôi Iran. Một loạt các cuộc chạm trán đã xảy ra, lên đến đỉnh điểm vào tháng 4/1988 khi một tàu chiến Mỹ - USS Samuel B Roberts - cũng bị một thủy lôi Iran tấn công và bị hư hỏng nặng. 

Chính vụ việc này đã dẫn tới Chiến dịch Praying Mantis. Tham gia có các lực lượng đặc nhiệm, máy bay và tàu chiến Mỹ, với mục đích là để dạy cho Iran một bài học. 

Hai giàn khoan dầu ngoài khơi được sử dụng để phối hợp các chiến dịch của Iran bị phá hủy còn hai trong số các tàu chiến của nước này bị chìm, một tàu khác bị hư hại nghiêm trọng.

Hồi kết đã rõ - các lực lượng hải quân truyền thống của Iran không cân xứng với cường quốc biển Mỹ trong một cuộc chiến trực diện. 

Simon Henderson, một chuyên gia về Vùng Vịnh tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho rằng, nếu xảy ra một cuộc đụng độ hải quân khác thì "tôi nghi ngờ rằng Iran sẽ đảm bảo chắc chắn rằng các tàu hải quân lớn hơn của nước này an toàn trong cảng.

"Tất nhiên, khi đó, câu hỏi được đặt ra là liệu các tàu này có thực sự an toàn ở đó?", ông nói thêm. 

Rất nhiều thứ đã thay đổi về thuật ngữ hải quân kể từ những năm 1980. Michael Connell, một nhà phân tích về Iran tại Trung tâm Các phân tích Hải quân, không nghĩ các cuộc đụng độ hồi thập niên 1980 là một dấu hiệu cần thiết cho thấy cuộc xung đột có thể xảy ra ngày nay như thế nào.

"Tôi không nghĩ chúng là một chỉ dấu báo trước chính xác vì hai lý do", ông giải thích. "Thứ nhất, các năng lực của Iran, đặc biệt là năng lực bất đối xứng, đã được cải thiện nhiều kể từ những năm 1980. Thứ hai, xung đột trong thời kỳ các cuộc chiến tàu chở dầu hạn chế về quy mô. Ít có khả năng một cuộc xung đột hải quân ngày nay giữa Iran và Mỹ/liên minh sẽ tiếp tục bị giới hạn". 

Chiến tranh "bất đối xứng" là một thuật ngữ mà chúng ta sử dụng rất nhiều ngày nay. Về cơ bản, nó nhắc đến cách thức một bên yếu hơn có thể cố gắng để ngăn chặn kẻ địch mạnh hơn nhiều bằng cách áp dụng nhiều chiến thuật và hệ thống vũ khí nhằm tạo ra một lựa chọn cho trận chiến máy bay-đánh-máy bay hoặc tàu-đánh-tàu đơn giản. 

Iran - và đặc biệt là các đơn vị hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng - đã nỗ lực xây dựng một hải quân mới dựa chủ yếu vào lực lượng tàu tuần tra nhỏ, nhanh nhạy và tàu tốc độ, được yểm trợ bởi dàn máy bay có thể thả bom mìn. Những vũ khí này được yểm hộ bởi các rocket, hỏa pháo và tên lửa chống tàu từ trên bờ. 

Vậy, kiểu mẫu mới của lực lượng bất đối xứng Iran nguy hiểm tới mức nào?

"Thật khó để nói rõ, bởi vì các khả năng của họ chưa từng qua thử thách. Họ đã đạt được tất cả "các thành phần" thích hợp cho một lực lượng bất đối xứng và họ tập luyện, tập trận thường xuyên", Connell đánh giá.

"Nói tóm lại, tôi không nghĩ chúng ta có thể hoàn toàn coi nhẹ các năng lực của họ. Hải quân Mỹ nên lo lắng", ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo Connell, quan trọng là phải biết rằng phía Iran sẽ có thể áp dụng đồng thời tất cả các chiến thuật trong một hàng rào phòng thủ nhiều tầng lớp. 

"Các tàu của Mỹ hoặc liên quân sẽ phải đối phó với lực lượng đông đảo các máy bay cỡ nhỏ, thủy lôi, và các tàu ngầm mini, tất cả cùng lúc trong một không gian hoạt động hạn chế".

"Để loại bỏ các thủy lôi, trước hết Mỹ phải loại bỏ tất cả các mối đe dọa khác, một tiến trình khó khăn và tiêu hao sinh lực có thể dẫn tới thương vong cho phía Mỹ".

"Trong một cuộc xung đột trực tiếp, Hải quân Mỹ và liên quân rút cục sẽ chiến thắng. Nhưng điều đó cần thời gian. Giá dầu lửa sẽ tăng vọt và phía Iran có thể ghi được một hoặc hai đòn may mắn". 

Phân tích gia Simon Henderson tỏ ra hoài nghi hơn về các năng lực hải quân của Iran.

"Những chiến thuật này có thể được đánh giá quá mức", ông nói. "Hải quân Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tiếp theo với Iran trong nhiều năm - và không có ý định bỏ lỡ nó".

Ông Henderson cũng không cho rằng đó có thể là một cuộc xung đột kéo dài. "Nếu xảy ra một cuộc đụng độ, Mỹ nhiều khả năng sẽ tấn công tàn phá quá mức, vì thế cơ hội cho các cuộc xung đột rời rạc tiếp đó sẽ rất nhỏ", ông nói thêm.

Tóm lại, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra không tin rằng Iran, bất chấp tất cả những từ ngữ đe dọa mạnh mẽ, sẽ tìm cách đóng cửa Eo biển Hormuz trong những hoàn cảnh hiện nay. Điều đó, theo Michael Connell, "sẽ không khác gì tự tử về kinh tế".

Tuy nhiên, trong khi cuộc khẩu chiến leo thang, nguy cơ về một cuộc đụng độ trên biển vẫn rất thực.

Thanh Hảo (Theo BBC)