Với thông tin này thì Seoul có thể hy vọng cho những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng phải chuẩn bị cho những gì xấu nhất có thể xảy ra.

Hình ảnh sĩ quan quân đội CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Corbis
Theo một báo cáo mới được công bố, CHDCND Triều Tiên không chỉ đơn thuần tự tin về uy lực quân sự của mình mà trên thực tế, họ có lực lượng quân đội hùng hậu và vũ khí ưu thế đủ để làm khó Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Học viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc tại Seoul, chỉ trừ khi nền kinh tế sụp đổ thì Triều Tiên mới không thể chu cấp cho đội quân hùng hậu với 1,2 triệu người và chương trình vũ khí hạt nhân.

Với con số này, quân đội Triều Tiên được xếp vào hàng thứ 4 trên thế giới tính theo quân số.

Nhóm nghiên cứu độc lập cũng cho biết thêm: Triều Tiên cũng có một lượng lớn xe tăng, các tàu chiến và pháo binh.

"Thực thế phũ phàng là dựa trên các số liệu cập nhật năm 2011, sẽ không hoàn toàn sai khi nói rằng quân đội Triều Tiên mạnh hơn so với quân đội Hàn Quốc" - học viện nghiên cứu trên cho biết.

Học viện nghiên cứu trên cũng cho rằng, cách tốt nhất cho Seoul để ngăn chặn được một cuộc tấn công phủ đầu đó là phải đảm bảo luôn sẵn sàng đáp trả mọi động thái quá khích bằng một lực lượng tức thời và áp đảo.

Báo cáo này khiến nhiều người có cái nhìn tỉnh táo hơn sau khi người dân Triều Tiên tiến hành lễ tiễn đưa cố Chủ tịch Kim Jong-il về nơi an nghỉ cuối cùng trong tuyết và nước mắt, rồi sau đó chào đón con út của ông lên làm lãnh đạo mới của đất nước.

Về phía Hàn Quốc, Seoul có thể không có quân số binh sĩ hùng hậu như Bình Nhưỡng nhưng họ không đơn độc trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, Washington đang xúc tiến thành lập các liên minh quân sự với Seoul và Tokyo trong khu vực Đông Bắc Á nhằm đối trọng với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Trong tuần qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã có cuộc hội đàm với các nước láng giềng quanh Triều Tiên. Hôm thứ Tư, ông đã có cuộc nói chuyện với đại diện của Trung Quốc - đối tác của Triều Tiên - để giúp đảm bảo ổn định trên bán đảo này.

"Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều mong muốn duy trì hòa bình và ổn định" - ông Campbell nói tại Bắc Kinh trước khi lên đường sang Seoul. "Chúng tôi kêu gọi các bên xử lý tình huống một cách cẩn trọng và tránh mọi sự khiêu khích".

Trong khi các bên hy vọng những xu hướng khả quan thì cả Seoul và Washington đều phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra: các lãnh đạo quân đội các bên đều đồng ý thiết lập các cuộc tập trận chung mà trước đó Bình Nhưỡng từng coi đó là những động thái chuẩn bị xâm lược.

  • Lê Thu (theo GP)