Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng Trung Quốc và phương Tây đang tham gia vào một "cuộc chiến văn hóa", và phải bảo đảm sự toàn vẹn của văn hóa Trung Quốc trước "các thế lực quốc tế thù địch đang tăng cường âm mưu chiến lược nhằm tây hóa và chia rẽ Trung Quốc".

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

Các bình luận này xuất hiện trong một bài xã luận của tờ báo "Tìm kiếm sự Thật" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo xuất hiện sau các cuộc thảo luận về "an ninh văn hóa" trong hội nghị tháng 10 của Ủy ban Trung ương Đảng. Mặc dù trong bài báo không có thêm nhiều điểm mới, nhưng trong bài báo có chữ ký của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Dấu hiệu này cho thấy khẩu hiệu trên sẽ còn được nhắc đến nhiều trong thời gian tới.

Lý do chính xác cho việc đích thân lãnh đạo Trung Quốc ký vào bài báo vẫn chưa rõ ràng, nhưng dường như việc đó nhằm chỉ ra các lo ngại về cuộc khủng hoảng giá trị trong xã hội Trung Quốc, và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Trung Quốc trong việc phát triển sức mạnh mềm của đất nước bằng cách xây dựng các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế.

Cả vị trí của ấn phẩm - một tạp chí tư tưởng xã hội chủ nghĩa do Mao Trạch Đông xây dựng - và lối diễn đạt này trong bài luận được cho là tổng kết nội bộ của các thành viên trong đảng chứ không phải chỉ dành cho độc giả bên ngoài. Đây chủ yếu là một khẩu hiệu đặt ra cho lãnh đạo đảng dùng để chỉ dẫn thử nghiệm chính sách cho các đảng viên nói chung.

Bài tiểu luận đi kèm với bài xã luận nhằm bảo vệ cho đạo đức trong xã hội hiện đại của Trung Quốc, đây là một chủ đề nóng tại quốc gia này. Rất nhiều công dân Trung Quốc cho rằng - việc thiếu đi cả văn hóa truyền thống và chủ nghĩa Mao đã khiến cho Trung Quốc trở thành quốc gia không có giá trị cốt lõi, lo ngại từ bài học đạo đức rút ra các trường hợp vô cảm như vụ bé gái 2 tuổi bị xe cán nhiều lần mà người qua đường không hề cứu giúp.

Tuy nhiên, việc kêu gọi củng cố văn hóa Trung Quốc có thể bao gồm cả lĩnh vực phim ảnh. Trước đây, từng có chuyện khán giả bị buộc phải xem trường ca anh hùng về Khổng Tử thay vì xem bộ phim Avatar của điện ảnh Mỹ.

Cũng trong mục đích củng cố lại an ninh văn hóa, Trung Quốc đang ra sức tạo dựng một ngành công nghiệp văn hóa mạnh mẽ. Những nỗ lực của họ có thể kể đến như bộ phim mới đây có tên "Flowers of War" (tạm dịch "Hoa thời chiến) có sự tham gia diễn xuất của Christian Bale. Bộ phim nhằm giúp khán giả nước ngoài có thể hiểu thêm về quan điểm của Trung Quốc về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.

Tờ Diplomat cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể không thành công trong việc biến văn hóa thành một sản phẩm đại trà và kiểm soát tốt về mặt chất lượng, nhưng họ sẽ giành được ảnh hưởng lớn ở "miền nam toàn cầu" khi mà càng nhiều quốc gia đang phát triển tìm kiếm cơ hội để gia nhập vào thế giới các quốc gia phát triển nhanh như BRICS.

Chỉ trong vài thập kỷ, Trung Quốc đã kéo khoảng 600 triệu người dân ra khỏi đói nghèo. Thành công đó của Trung Quốc đã gây sự chú ý rất lớn của các chính trị gia trong thế giới đang phát triển - những người mong muốn sao chép mô hình tự chủ và phát triển nhanh của Trung Quốc. Điều này giúp Trung Quốc có khả năng xây dựng ảnh hưởng hữu cơ trong các khu vực đó mà không cần sao chép các "bom tấn" của Hollywood.

  • Lê Thu (theo Diplomat)