Theo lịch âm, năm 2012 là năm Con Rồng - đánh dấu một năm của chuyển giao, bất ổn và thay đổi.

TIN BÀI KHÁC:


Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới năm 2012.

Các nền kinh tế châu Á chắc chắn sẽ đối mặt với một sự bất ổn lớn cũng như các luồng gió ngược năm 2012; với thực trạng khu vực đồng Euro đã trượt vào khủng hoảng cuối năm 2011, trong khi đà hồi phục kinh tế Mỹ - mặc dù có khả quan trong vài tháng trở lại đây - vẫn rất khiêm tốn.

Năm con Rồng cũng sẽ là một năm gắn với những biến động về chính trị, với các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Pháp, cùng với sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc.

Vào mùa thu năm 2012, Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu ra Ủy ban Trung ương mới và các thành viên của Ban Thường trực Bộ Chính trị. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ rời nhiệm để dọn đường cho một thế hệ lãnh đạo kế tiếp, từ đó bầu ra Chủ tịch và Thủ tướng mới vào tháng 3/2013.

Bất chấp những biến động về chính trị và kinh tế mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt, châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới năm 2012, với tốc độ tăng lên mức 5,3% từ con số 4,5% năm 2011.

Có 3 yếu tố củng cố cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương.

Trước nhất, sự phục hồi kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục trong năm 2012.

Thứ hai, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - được cho là sẽ có cú đáp êm trong năm 2012, với mức tăng trưởng 7,8% chứ không giảm tốc nhanh như một số người lo ngại. Nhu cầu nội địa dự kiến làm tăng sức mạnh cho đà tăng trưởng kinh tế, với các dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tăng 17,3% trong tháng 11 so với năm qua và đầu tư bất động sản trong tháng 11 tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện một chương trình nhằm xây dựng 36 triệu đơn vị nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập thấp trong giai đoạn 2011-2015, với việc xây dựng 10 triệu đơn vị đầu tiên đã được bắt đầu từ năm 2011.

Tăng trưởng liên tục về nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu từ phần còn lại của châu Á sẽ giúp giảm bớt tác động từ nhu cầu xuất khẩu yếu hơn của khu vực đồng Euro vốn đang chịu khủng hoảng nặng nề.

Thứ ba, nền kinh tế Nhật được cho là sẽ đạt được sự hồi phục vừa phải trong năm 2012, do sản xuất công nghiệp trở lại bình thường cùng tác động của kích thích kinh tế, khi chương trình tái thiết sau thảm họa tăng tốc.

Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản dự kiến tăng lên 9,5% trong năm 2012, sau khi trải qua một sự tụt giảm 2,8% trong năm 2011. Sự phục hồi tăng trưởng này của Nhật Bản sẽ tạo ra yếu tố giảm nhẹ quan trọng thứ 3 đối với tác động của cuộc khủng hoảng Eurozone.

Các liên kết yếu

Bất chấp sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu như Singapore, Malaysia và đặc khu hành chính Hongkong được cho là sẽ có mức tăng trưởng kinh tế vừa phải do nhu cầu yếu hơn từ Eurozone.

Ấn Độ cũng sẽ nếm trải đà phát triển kinh tế vừa phải do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2010, khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đang vật lộn với các áp lực lạm phát triền miên.

Tuy nhiên, ở các nơi khác, sức ép lạm phát đang dịu bớt, với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam nằm trong số các nước đã chứng kiến lạm phát giảm trong những tháng gần đây.

Viễn cảnh năm 2012, đối với các ngân hàng trung ương châu Á nổi trội nhất, là theo đuổi các lập trường chính sách tiền tệ mang tính điều chỉnh hơn nữa - nhưng thận trọng - khi áp lực lạm phát giảm đi, tạo ra sự hỗ trợ hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế.

Các yếu tố nguy cơ

Mối nguy lớn nhất đối với triển vọng châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục xuất phát từ khu vực đồng Euro. Nếu các nỗ lực nhằm bình ổn nền kinh tế của các chính phủ sử dụng đồng tiền chung này thất bại thì khu vực có thể bước vào một cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa.

Bất kể một diễn biến nào như vậy cũng tiềm tàng gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu với các cú sốc nghiêm trọng lan tới các nền kinh tế châu Á do thương mại toàn cầu suy giảm.

Mối nguy thứ 2 đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nếu nền kinh tế Trung Quốc hứng chịu một cú đáp khó, với tăng trưởng GDP giảm dưới 5%.

Mặc dù viễn cảnh về một cú đáp như vậy của Trung Quốc là rất nhỏ, những bất cân bằng và những điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc đã gia tăng trong 2 năm qua. Điểm yếu chủ chốt xuất phát từ sự mở rộng 50% tín dụng ngân hàng trong năm 2009-2010 và tăng trưởng nhanh đi kèm trong vay mượn công ở địa phương, vốn được cho là dẫn tới sự gia tăng đáng kể các khoản nợ xấu của ngành ngân hàng về trung hạn.

Do vậy, mặc dù sẽ có triển vọng phục hồi nhanh trong năm 2012 nhưng  kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ và bất ổn trong năm con Rồng.

Thanh Hảo (Theo BBC)