Cái chết của nhà lãnh đạo đầy quyền lực Kim Jong-il đã đặt ra những câu hỏi hóc búa không chỉ về chính sách mà còn về mặt lễ tân, khiến các cường quốc lớn bị chia rẽ về việc liệu có nên chia buồn và chia buồn như thế nào. 



Mỹ và những quốc gia phương Tây khác đã cố ý tránh dùng từ "chia buồn" và thay vào đó là gửi điện tới "người dân Triều Tiên" sau khi nhà lãnh đạo nước này qua đời.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật, 2 nước có quan hệ căng thẳng và trực tiếp nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên - quốc gia được vũ trang hạt nhân, đã có những cách thể hiện khác nhau với thông tin ông Kim Jong-il qua đời.

Tại Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật là Osamu Fujimura hôm 21/12 nói, nước này sẽ không chia buồn với Triều Tiên do vấn đề bắt cóc vẫn chưa được giải quyết.

Hàn Quốc, hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, cho biết, sẽ cho phép các nhóm tư nhân chia buồn. Đây là nỗ lực mới nhất của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy ổn định bất chấp những lo ngại về người kế nhiệm trẻ Kim Jong-un.

Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên, đã rất nhanh chóng thể thể hiện sự thương tiếc và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tới đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh để viếng ông Kim Jong-il. Một số quốc gia khác cho biết đã gửi điện chia buồn chính thức đến Triều Tiên, trong đó có Nga, Iran và Ấn Độ.

Trong một tuyên bố sau một ngày cân nhắc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi lãnh đạo mới của Triều Tiên tiếp tục "con đường hòa bình" song bà vẫn chú trọng tới người dân nước này hơn là lãnh đạo của nó. "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về cuộc sống của người dân Triều Tiên, chúng tôi luôn nghĩ và cầu nguyện cho họ trong những thời kỳ khó khăn".

Giải thích cho tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Victoria Nuland nói, nó giống như một tín hiệu về sự kỳ vọng của Mỹ với chính quyền mới ở Triều Tiên. "Liên quan tới từ chia buồn, tôi cho rằng Mỹ thấy nó không thích hợp trong trường hợp này".

Từng có một tiền lệ lịch sử. Khi ông Kim Nhật Thành - cha của Kim Jong-il và là người sáng lập Triều Tiên, qua đời năm 1994, Tổng thống khi đó là Bill Clinton đã "đại diện cho người dân Mỹ, gửi lời chia buồn sâu sắc tới người dân Triều Tiên".

Ông Clinton, khi đó đang trong chuyến thăm Italia, đã phát biểu "cảm kích sâu sắc" đối với ông Kim Nhật Thành về việc ủng hộ các cuộc hội đàm với Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Bill Clinton đã bị đảng đối thủ Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ. Thượng nghị sĩ Bob Dole sau đó đã buộc tội Nhà Trắng quên đi cái chết của 35.000 người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến Triều Tiên.

Jack Pritchard, cựu thương thuyết gia với Triều Tiên, hiện đứng đầu Viện Kinh tế Triều Tiên nói, bản tuyên bố của bà Hillary được soạn thảo rất cẩn thận và có thể thoải mái suy luận, giới lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể coi nó là thông điệp chia buồn nếu muốn như vậy.

Scott Snyder, một ủy viên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại nói, có nguy cơ rằng giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ so sánh giữa thông báo của năm 1994 và 2011. "Tình huống hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng không chia buồn là thích hợp song cùng lúc", Snyder nói.

Các bức điện chính thức là rất quan trọng với giới lãnh đạo Triều Tiên, vốn đang phát triển sự sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, các chính phủ ngoại quốc không bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do Triều Tiên đã tuyên bố, giới lãnh đạo quốc tế sẽ không tham gia tang lễ ông Kim vào ngày 28/12.

Peter Beck, ủy viên Hội đồng quan hệ đối ngoại nói, việc Bình Nhưỡng quyết không mời người ngoài dự tang lễ cho thấy chính quyền nước này sẽ tập trung vào chính mình thay vì dò xét thông điệp từ nước ngoài. "Họ sẽ không quan tâm tới thế giới vào lúc này, mà họ sẽ tập trung nhiều vào tình hình trong nước".

  • Hoài Linh (Theo Japan Today)