Anh ta trông có vẻ sững sờ, đôi mắt mở to nhưng không nhìn thấy gì phía trước. Có lẽ, sau tất cả, đó là nhận thức muộn màng của Saif al-Islam, 39 tuổi, con trai và là người từng được cho là sẽ kế vị đại tá Muammar Gaddafi, khi anh ta ngồi trong phòng giam ở miền tây Libya.
TIN BÀI KHÁC:


Saif al-Islam Gaddafi hiện đang bị giam giữ ở Zintan. (Ảnh: Reuters)

Không còn là một nhân vật nổi trội trên chính trường Libya, Saif giờ đây có thể nhìn lại quãng thời gian đầu tháng 2, khi Libya chuẩn bị lao vào một cuộc nội chiến, và anh ta chịu áp lực từ những phụ tá thân cận là phải từ bỏ cha đẻ của mình.

Một người từng là trợ tá cấp cao của Saif kể với báo TIME rằng họ tin chính anh ta, chứ không phải ai khác, có thể cứu Libya khỏi một cuộc chiến thảm khốc và hàng nghìn cái chết. Thay vào đó, vai trò cuối cùng của Saif lại là một bị cáo hay chửi rủa tại một phiên tòa mà nhiều khả năng sẽ kết thúc bằng bản án tử hình hoặc tù chung thân.

Saif lẽ ra đã có thể tránh được những kết cục ấy - và thậm chí còn có thể thay đổi tiến trình lịch sử Libya. Youssef Sawani, người đến tận tháng 2 vẫn là giám đốc điều hành quỹ tài trợ đầy quyền lực của Saif, nhớ lại: "Tôi đã đề nghị với anh ta trước cuộc cách mạng là phải tách mình hoàn toàn khỏi chế độ. Anh ta có thể tách ra".

Sawani cho biết, hôm 6/2, vài ngày trước khi làn sóng nổi dậy nổ ra, ông đã tới nhà Saif. "Tôi gợi ý rằng nếu anh ta thất vọng thì có thể ra đi, trở thành một người bất đồng và rời khỏi đất nước, đặt trách nhiệm vào vai của chế độ".

Sawani tin rằng, Saif có đủ khả năng để thuyết phục cha mình đi tị nạn - mang lại cho mình sự biết ơn của người Libya và có một vai trò chủ chốt ở đất nước mới. "Người Libya trông cậy vào Saif", Sawaini đánh giá. "Anh ta được chấp nhận bởi đông đảo các học giả, các nhà hoạt động và cả phe đối lập".

Quan điểm đó bị nhiều nhân vật khác ở Libya phản đối, trong đó có cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril, người cũng giống như Sawani được Saif tin dùng để giám sát các chương trình cải tổ. "Saif đã làm cho chúng tôi thất vọng", Jibril nói. "Một Saif thực sự còn xấu xa hơn cả cha anh ta".

Vào đầu tháng 2, Saif rất bực tức về chuyện phong trào Mùa Xuân Ảrập lan tới Libya. Các lực lượng nổi dậy buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ bỏ quyền lực trong khi các nhà hoạt động ở Libya đang dự kiến huy động biểu tình rộng khắp ở Benghazi và các thành phố lân cận. Saif dao động trong nhiều ngày về cách thức phản ứng. Cuối cùng, theo Sawani, Saif không thể hiểu được rằng chế độ cầm quyền 42 năm của đại tá Muammar Gaddafi sẽ phải chịu số phận bi đát.

Thay vào đó, vào tháng 3, vài ngày trước khi NATO bắt đầu chiến dịch không kích - Saif nói rằng anh ta tin cha mình sẽ chấm dứt được cuộc nổi dậy và tái thiết lập quyền kiểm soát, ngay cả khi liên quân đánh bom Libya.

Saif, theo Sawani, cảm thấy anh ta không thể phản bội gia đình mình. Vào ngày 16/2, một ngày trước khi cuộc cách mạng ở Libya bắt đầu, Sawani tới thăm Saif và nói ông sẽ từ chức. Saif rất thất vọng, anh ta nói: "Đó là thời điểm anh ta cần thêm sự giúp đỡ và hỗ trợ".

Vào ngày 20/2, Saif xuất hiện trên truyền hình, thề sẽ đập tan quân nổi dậy. Theo Sawani, một người bạn của Saif đã gặp anh ta ngay trước bài phát biểu, và cả hai nhất trí Saif sẽ trấn an người Libya rằng chính quyền sẽ "thúc đẩy các yêu sách của họ". Thay vào đó, theo Sawani, Saif đã nói những điều ngược lại. Ai cũng sốc". Và số phận của Saif đã được định đoạt.

Mặc dù đã lẩn trốn ở vùng sa mạc Sahara rộng lớn của Libya hồi cuối tháng 10, khi các chiến binh bắt giữ và giết chết bố anh ta, đến ngày 19/10, Saif đã bị bắt ở một thị trấn sa mạc cách thủ đô Tripoli khoảng 645km về phía nam. Công bắt giữ anh ta thuộc về các chiến binh đến từ Zintan và họ đã đưa anh ta về thành phố của mình như một chiến tích và một quân bài để mặc cả ảnh hưởng trong chế độ mới.

Mặc dù Saif bị Tòa án Tội phạm quốc tế ở The Hague truy nã vì các tội ác chống nhân loại, phần lớn người Libya muốn Saif phải hầu tòa ở đất nước họ.

Thanh Hảo (Theo TIME)