Kể từ khi chương trình không gian của Trung Quốc được thông qua vào năm 1992, họ đã phát triển với tốc độ chóng mặt.

Nguồn ảnh: Corbis

Vào ngày 29/10, tại một nơi xa xôi trong sa mạc Gobi, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thiên Cung 1 vào bầu trời đêm. Với sự dõi theo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các chức sắc khác, tên lửa đẩy Trường Chinh đã phát nổ ngay sau 9 giờ tối; chỉ 10 phút sau đó, tàu Thiên cung 1 đã tách khỏi tên lửa, triển khai các tấm pin năng lượng mặt trời và tiếp tục đi vào quỹ đạo.

Về mặt công nghệ, tàu Thiên Cung 1 không phải là một bước tiến quan trọng. So với phòng Skylap của NASA (Mỹ) vận hành năm 1973, hoặc trạm vũ trụ đầu tiên của Nga vận hành năm 1971, phòng thí nghiệm không gian của Trung Quốc chỉ có một khoang nhỏ có thể chứa ba phi hành gia trong thời gian ngắn. Nhưng Trung Quốc không hề bỏ phí: kể từ khi chương trình không gian của họ được thông qua vào năm 1992, họ đã tăng tốc phát triển chóng mặt.

Trung Quốc đã đưa người vào không gian vào năm 2003, trở thành một trong ba quốc gia có khả năng đưa người vào không gian (trước đó là Nga và Mỹ). Năm ngoái, lần đầu tiên họ đã phóng nhiều vệ tinh hơn cả Mỹ và đây cũng là quốc gia duy nhất tự xây dựng trạm không gian cho mình.

Sau năm 2020, Trung Quốc hy vọng sẽ đưa người lên mặt trăng. "Họ đang cố gắng để có mặt trong bảng xếp hạng của các siêu cường" - Michael Sheenan thuộc Đại học Swansea, chuyên nghiên cứu về chính trị không gian quốc tế, nói. "Việc phóng tàu vũ trụ Thiên Cung chính là một bước trong tiến trình đó".

Những gì mà chương trình không gian của Trung Quốc còn thiếu về mặt công nghệ và kinh nghiệm, họ sẽ bù lại bằng các nguồn lực tài chính và ý chí chính trị. "Trong các nền dân chủ khác, rất khó để có thể thực hiện các chương trình không gian" - Joan Johnson-Freese, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nói. Chương trình không gian của Trung Quốc có liên hệ mật thiết tới chính phủ của họ - người có khả năng thúc đẩy các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Điều này cũng giúp ích cho vị thế của Trung Quốc. Trung Quốc từng bị cô lập, không được gia nhập vào Trạm Không gian Quốc tế (ISS) mà chủ yếu là do Mỹ. Trạm này bao gồm các thành viên như Canada, Nhật Bản, Nga và Mỹ và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). (Trung Quốc cũng hợp tác với các bên như Nga và ESA trong một số dự án). "Nhằm cô lập Trung Quốc, chúng tôi đã đưa ra động cơ khiến cho họ thúc đẩy chương trình một cách nhanh chóng như vậy" -   Johnson-Freese nói. Theo cô, với chính sách này, Mỹ có thể sẽ bị "gậy ông đập lưng ông".

Trung Quốc đã công bố rộng rãi rằng chương trình không gian của họ có mục đích hòa bình, nhưng Johnson-Freese nói: "chương trình của họ do phía quân đội quản lý" chứ không giống như NASA là một cơ quan dân sự.

Trung Quốc chịu rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế sau khi quốc gia này bắn phá một trong các vệ tinh của họ trong quỹ đạo năm 2007 dù cho họ vẫn kiên trì rằng đây chỉ là một thử nghiệm. Nhiều người cho rằng động thái này của Trung Quốc nhằm chứng tỏ công nghệ chống vệ tinh mạnh mẽ của họ.

Johnson-Freese cho rằng, phải đến 95% công nghệ không gian của Trung Quốc có tính năng "kép" - tức là vừa có thể phục vụ mục đích dân sự, vừa cho cả quân sự. "Nếu như có một vệ tinh trong quỹ đạo, rất khó để nói rằng liệu họ đang chụp ảnh luân canh hay là đang nhắm vào mục tiêu" - Johnson-Freese nói. "Có thể hiểu tại sao điều đó lại đang khiến mọi người lo ngại".

Sáng sớm ngày 3/11 vừa qua, hàng triệu người Trung Quốc xem truyền hình trực tiếp phóng tàu vũ trụ không người lái có tên Thần Châu 8 lắp ghép cùng với Thiên Cung 1, nhằm triển khai một trạm không gian lớn hơn. Với điều này, Trung Quốc lại cán một mốc mới, trở thành quốc gia thứ ba sau Nga và Mỹ phát triển công nghệ ghép nối không gian độc lập. Phiên bản mới của tàu Thần Châu sẽ có người lái. Phi hành gia này sẽ trực tiếp thực hiện việc ghép nối với Thiên Cung 1. Trung Quốc cũng lên kế hoạch phóng Thiên Cung 2 và Thiên Cung 3 vào quỹ đạo trong vài năm tới. 

Cơ quan truyền thông của Trung Quốc đưa tin rằng các phi hành gia này đang được huấn luyện, trong đó có 2 phụ nữ. Trong tương lai gần, Trung Quốc cũng có kế hoạch đặt chân lên mặt trăng, và trong tương lai xa hơn, họ đang tính đến việc thiết lập trụ sở trên mặt trăng.

Trong khi đó, NASA lại đang ở giữa thời gian chuyển đổi. Kể từ khi các tàu con thoi của họ ngừng hoạt động vào tháng Bảy, cơ quan vũ trụ của Mỹ không còn cách nào để đưa người lên trạm ISS. Họ đang đầu tư vào dịch vụ vận tải không gian tư nhân, nhưng các kế hoạch này vẫn chưa sẵn sàng trong những năm tới đây; giờ đây việc đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên không gian sẽ do tàu Soyuz của Nga thực hiện với mức phí 56 triệu USD mỗi người.

Trung Quốc hy vọng sẽ mở trạm không gian riêng vào năm 2020 khi ISS đóng cửa. "Hai mươi năm sau kể từ lúc này, chúng tôi không muốn Trung Quốc đưa người lên trạm không gian của họ trong khi Mỹ vẫn đang tập hợp lại" - Johnson-Freese nói. "Nhận thức là điều rất quan trọng, bởi vì nhận thức sẽ trở thành hiện thực".

NASA không có kế hoạch nào trở lại mặt trăng; mục tiêu "hoành tráng" của họ bao gồm việc tiếp cận tới các tiểu hành tinh, và cuối cùng là tới sao Hỏa. Nhưng để duy trì được vị thế siêu cường trong không gian, họ không thể chỉ đứng nhìn. Nếu như mọi việc diễn ra như đúng kế hoạch, phi hành gia thứ hai đặt chân lên mặt trăng sẽ mang quốc tịch Trung Quốc.

  • Thu Lượng (Theo Macleans)