Các thành phố đông đúc chật chội đang nhanh chóng trở thành "ống nghiệm" cho các nhà khoa học nghiên cứu về tác động của nạn tắc nghẽn giao thông đối với não bộ con người.

TIN BÀI KHÁC: 

"Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến não bộ", một nhà khoa học ở Los Angeles nói.

Trong bối cảnh giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở các thành phố lớn trên thế giới, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, khí thải từ những chiếc xe hơi và xe tải - đặc biệt là các phân tử carbon nhỏ tí xíu đã được chứng minh liên quan đến bệnh tim, ung thư và các bệnh hô hấp - cũng có thể làm tổn thương các tế bào não và các khớp thần kinh chủ chốt cho việc tiếp thu kiến thức và trí nhớ.

Các nghiên cứu mới về y tế cộng đồng cùng rất nhiều thí nghiệm cho thấy, ở tất cả các giai đoạn của cuộc đời, khói xe các loại gây tổn hại vừa phải đến năng lực tinh thần, trí tuệ và sự ổn định cảm xúc.

"Ngày càng có nhiều nhà khoa học cố gắng tìm ra liệu có hay không và tại sao tiếp xúc với khói xe gây tổn hại tới não con người", trích lời nhà dịch tễ học Jiu-Chiuan Chen ở trường Đại học Southern California (USC). Chen hiện đang phân tích những ảnh hưởng của ô nhiễm giao thông lên não bộ ở 7.500 phụ nữ thuộc 22 bang ở Mỹ.

Đến nay, phần lớn bằng chứng đều mang tính gián tiếp nhưng rất đáng lo ngại, theo các nhà nghiên cứu. Và không ai chắc chắn về những hậu quả đối với phần sinh học hoặc hành vi của não bộ.

"Đây thực sự là điều đáng lo", nhà hóa học thần kinh Annette Kirshner tại Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ ở Khu Research Triangle Park, Bắc Carolina, nhận xét. "Chúng ta phải tiếp tục khuyến cáo".

Chắc chắn là những chiếc xe hơi ngày nay thải khói độc hại chỉ bằng 1/10 so với những chiếc ôtô năm 1970. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người tham gia giao thông và họ thường xuyên chịu đựng cảnh kẹt xe.

Không ai biết rõ liệu những người đi lại thường xuyên và hít thở khói xe nồng nặc có chịu bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào đối với não bộ hay không. Các nhà nghiên cứu chỉ tìm hiểu tác động tiềm ẩn ở nơi mọi người sinh sống và nơi các mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao nhất. Thậm chí nếu có bất kỳ ảnh hưởng mạn tính nào về nhận thức ở các lái xe thì nó cũng quá nhỏ để mà định lượng một cách xác thực và có thể bị áp đảo trước các yếu tố sức khỏe khác như căng thẳng, ăn uống và luyện tập vốn có ảnh hưởng tới não bộ, theo các chuyên gia.

Các nhà nghiên cứu ở Hà Lan mới đây đã phát hiện qua các nghiên cứu rằng hít thở các loại khói trên đường chỉ trong 30 phút có thể làm gia tăng hoạt động điện ở những trung khu não bộ chịu trách nhiệm về hành vi, tính cách và ra quyết định, những thay đổi liên quan tới căng thẳng.

Theo các nhóm nghiên cứu tách biệt ở các trường Đại học Columbia và Đại học Harvard, hít thở không khí ở một thành phố có các mức độ khí thải cao trong 90 ngày có thể làm thay đổi cách thức các gene bật hoặc tắt ở người cao tuổi; nó cũng có thể để lại một dấu phân tử trên hệ gene của một trẻ sơ sinh đến hết đời.

Các nhóm nghiên cứu riêng rẽ ở New York, Boston, Bắc Kinh, và Krakow (Ba Lan) kết luận: Trẻ nhỏ ở các khu vực có mức độ khí thải cao, nhìn chung, đạt điểm kém hơn ở các bài kiểm tra trí thông minh và dễ bị phiền muộn, lo lắng và các vấn đề chú ý so với trẻ em lớn lên ở vùng không khí trong lành hơn.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Boston phát hiện những người cao tuổi tiếp xúc lâu ngày với khí thải ôtô ở mức độ cao hơn thường gặp phải các vấn đề về trí nhớ và tranh luận. Khí thải độc hại cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer và đẩy nhanh các tác động của bệnh Parkinson. 

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng tới não bộ", nhà dịch tễ học y khoa Heather Volk tại Trường Y Keck của USC khẳng định. "Chúng ta có thể bắt đầu nhận ra rằng các tác động còn lớn hơn so với chúng ta từng biết".

Dòng người kẹt cứng trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)

Nghiên cứu các dữ liệu sinh, Tiến sĩ Volk và các đồng nghiệp của bà thấy rằng đứa trẻ nào có mẹ sống trong vòng bán kính 305m từ một con đường chính ở Los Angeles, San Francisco hoặc Sacramento có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao gấp 2 lần, không phụ thuộc vào các mức độ giáo dục, sắc tộc và giới tính cũng như về tuổi của mẹ, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các yếu tố khác. Các kết quả này đã được công bố trong năm nay trên tạp chí  Environmental Health Perspectives.

"Dự trên dữ liệu của chúng tôi, có vẻ như ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tự kỷ", Tiến sĩ Volk nói. Tuy nhiên, ngoài ra vẫn còn nhiều sự ảnh hưởng có thể khác về gene và môi trường nên "còn quá sớm để khuyến cáo", bà cho biết.

Các loại khí thải có thể lan rất xa từ các tuyến đường. Khói từ một số xa lộ lớn ở Los Angeles vươn tới 2,4km theo hướng gió. Và các kiểu thời tiết ở địa phương đã khiến cho ô nhiễm ở thành phố này lên tới mật độ dày đặc nhất, không chỉ vào những giờ cao điểm thông thường mà cả lúc trước bình minh, khoảng thời gian mọi người thường ở nhà, theo các nhà nghiên cứu. 

Các nhà khoa học tin rằng, các bước đơn giản để khơi thông dòng di chuyển trên đường là một yếu tố có thể làm giảm được một số các vấn đề sức khỏe cộng đồng nào đó. Ở New Jersey, số ca sinh non ở các khu xung quanh đường cao tốc đã giảm 10,8% sau khi áp dụng hệ thống E-ZPass, biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông và giảm khí thải, theo các báo cáo được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong năm nay và năm 2009.  Nhà kinh tế học Janet Currie ở trường Đại học Princeton và các đồng nghiệp của bà ở Đại học Columbia đã tiến hành phân tích số liệu tử vong trong thập niên kết thúc vào năm 2003. 

Sau khi các nhà quản lý giao thông ở New York bố trí lại các đoạn đường ở Quảng trường Thời đại để giảm tắc nghẽn thời gian gần đây, các mức độ ô nhiễm không khí ở vùng phụ cận đã giảm 63%.

Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu về cơ chế sinh học cơ bản của các tác động thần kinh độc hại từ khí thải ôtô, đặc biệt là từ những tiếp xúc cả đời và trước khi sinh. "Thật khó để giải quyết được mọi thứ về khí thải ôtô và phân loại các ảnh hưởng của giao thông từ tất cả các khả năng khác", Tiến sĩ Currie, người nghiên cứu mối quan hệ giữa giao thông và sức khỏe trẻ nhỏ, đánh giá.

Các nhà nghiên cứu ở Los Angeles, thành phố tắc nghẽn nhất nước Mỹ, đang nghiên cứu chuột trong phòng thí nghiệm được nuôi trong điều kiện không khí lấy từ một xa lộ gần kề. Họ phát hiện rằng các phần tử mà chuột hít vào - mỗi phần tử nhỏ hơn 1/1000 độ rộng của một sợi tóc người - bằng cách nào đó đã ảnh hưởng tới não bộ, gây kích động và làm biến đổi hóa học thần kinh trong các neuron liên quan đến tiếp thu kiến thức và trí nhớ. 

Để nghiên cứu tác động của khí thải trên các bà mẹ tương lai, Frederica Perera tại Trung tâm Sức khỏe Môi trường Trẻ em thuộc Đại học Columbia đã bắt đầu năm 1998 nhằm trang bị các máy đo không khí cá nhân cho hàng trăm phụ nữ mang thai để định lượng hóa chất trong không khí mà họ hít thở. Khi những đứa trẻ chào đời, Tiến sĩ Perera và các đồng nghiệp kiểm tra một số em và phát hiện ra một dấu hiệu sinh hóa đặc biệt trong ADN của một nửa trong số đó, kết quả của tiếp xúc các mức độ cao của hydrocarbon thơm đa vòng trong khí thải trước khi sinh. 

Nhóm nghiên cứu kết luận vào năm 2009 rằng, khi lên 3, những trẻ phơi nhiễm các mức độ khí thải cao trước khi chào đời sẽ phát triển các năng lực tinh thần chậm hơn. Lên 5, chỉ số IQ của các em đạt thấp hơn trung bình 4 điểm trên các bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn so với những trẻ tiếp xúc ít hơn. Theo chuyên gia, những khác biệt này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng về phát triển giáo dục sau này.

Theo kết luận của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Environmental Health Perspectives, lên 7 tuổi, trẻ em dễ biểu hiện các triệu chứng lo lắng, phiền muộn và các vấn đề về chú ý. 

"Sự tiếp xúc của người mẹ - những gì mà cô hít thở vào trong phổi - có thể ảnh hưởng đến hành vi sau này của đứa trẻ", Tiến sĩ Perera nói. "Nhau thai không phải là rào chắn hoàn hảo như chúng ta vẫn nghĩ".

Thanh Hảo (Theo WSJ)