- Hôm 7/11, Thủ tướng Italy tuyên bố ông có kế hoạch tại vị cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2013 và lặp lại rằng Italy phải ngay lập tức thông qua việc tu bổ nền kinh tế. Tuy nhiên, trên tạp chí Time, tác giả Jebreal viết: Mọi việc đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi khó có lựa chọn nào khác là từ chức.
Thủ tướng Berlusconi trong cuộc họp G20 tại Cannes, Pháp. Ảnh: Getty Image
Đồng hồ đếm ngược chỉ thời gian còn lại cho sự nghiệp chính trị của ông Berlusconi đã hoạt động. Kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2006, khối nợ của Italy thêm chồng chất, từ mức ban đầu là 106% của GDP lên mức 120% GDP như hiện nay. Thói quen bao che, dung túng người nhà và bầu cử không minh bạch đã trở thành quy tắc cho nạn tham nhũng và quan liêu không thể kiểm soát nổi trong chính phủ.

Ai cũng có thể nhìn từ trường hợp của Il Quirinale (dinh Tổng thống) để nhận ra Italy đã mất phương hướng về mặt tài chính. Nơi đây tiêu tốn gấp 4 lần cung điện Buckingham và nhân sự nhiều gấp 5 lần so với Điện Elysée của Pháp. Tỉ lệ thất nghiệp lơ lửng trên mức 8%, tuy nhiên mọi bộ trưởng trong chính phủ những ngày này vẫn thích sử dụng thêm nhiều trợ lý, xe cộ bóng loáng và trợ cấp dồi dào - chỉ sau 2 năm phục vụ. 

Khu vực tư nhân bị suy yếu bởi các quy định chính phủ ban hành, các luật lao động cứng nhắc, hệ thống pháp lý không hiệu quả nản lòng các khoản đầu tư lâu dài, và một nền kinh tế bị thống trị bởi các công ty lớn và độc quyền với các mối quan hệ mật thiết với chính phủ. Điều đó giải thích cho việc Italy phải chịu cảnh chảy máu chất xám ồ ạt.

Cũng không có gì bất ngờ khi các cử tri Italy đối mặt với các biện pháp thắt chặt chi tiêu - như giảm trợ cấp - đều giận dữ khi các chính trị gia không tự thu hẹp lại các khoản chi tiêu của mình, nhưng lại cắt giảm lợi nhuận của tầng lớp trung lưu. Nhưng chi tiêu quá đà mới chỉ là một phần trong cả vấn đề lớn hơn thế.

Ở góc độ khác, Italy có văn hóa "trốn thuế", chính ông Berlusconi là người từng tuyên bố rằng các cá nhân có khi trốn thuế cao hơn mức 30%. Các chủ doanh nghiệp giàu có ở Italy đã tìm thấy vô vàn lỗ hổng trong các bộ luật về thuế, từ việc chuyển các quỹ ở nước ngoài thành các khoản thu nhập được phân loại chẳng hạn như là tiền cổ tức (áp thuế ưu đãi 12%) thay vì là lương (bị áp thuế 41,5%).

Bên cạnh hàng loạt động cơ của các nhóm lợi ích để duy trì tình thế hiện thời, Berlusconi nương nhờ vào liên minh mong manh với Umberto Bossi và Đảng Liên minh phương Bắc để đảm bảo rằng chính phủ không phải trải qua các thay đổi khó khăn nào. Quả thực, các phiên tòa liên quan tới các vụ việc và bê bối tình dục của Thủ tướng trong 5 năm qua đã chuyển hướng các mối quan tâm của ông từ việc điều hành có trách nhiệm sang né tránh nhà tù và tiếp tục duy trì quyền lực.

Trong khi đó, các cải cách quan trọng nhằm ngăn chặn sự sụp đổ về tài chính của Italy lại bị cản trở. Các giải pháp khác đã được đề xuất, như là kế hoạch của Pellegrino Capaldo về một loại thuế chỉ dành cho các công dân giàu có nhất Italy. Việc này có thể giúp giảm nợ công tới 30%. Nhưng các chia rẽ trong chính phủ và quyền lợi chính trị lại khiến cho mọi dự luật thất bại. Các cải tổ về cấu trúc có thể cần tới sự hy sinh lớn lao về mặt tài chính và chính trị, và không có đảng phái nào ở Rome sẵn sàng nhận lấy rủi ro này.

Nói rộng hơn, các thị trường tài chính đều ưa sự ổn định, việc chuyển đổi sang một chính quyền mới đều dẫn tới suy thoái. Tuy nhiên, Italy đang phải đối mặt với tình thế trái ngược trong những ngày này, khi đất nước chật vật để duy trì khả năng thanh toán bởi vì tỉ lệ lãi suất trên các khoản nợ của họ đang trở nên khó xác định được. Khi nhà kinh tế học người Mỹ Alan Krueger gần đây dự đoán rằng tỉ lệ lãi suất trên các khoản nợ của Italy có thể giảm xuống 2 điểm nếu như Berlusconie từ chức, ông nhấn mạnh vào khía cạnh: năng lực lãnh đạo của ngài Thủ tướng đang tiêu tốn vào tiền thuế của người dân Italy trong tương lai.

Việc chính phủ có thể bán cổ phần chiến lược trong Eni (công ty dầu khí đa quốc gia) và Enel (một trong những ngành phục vụ công cộng lớn nhất châu Âu) cho các chính phủ nước ngoài, chứ không cắt giảm chi tiêu và/hoặc tăng thuế, càng nhấn mạnh thêm vào tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Italy.

Đồng hồ đang điểm thời khắc của chính quyền Berlusconi. Ngay cả khi Thủ tướng muốn thực thi các cải cách thực sự hướng vào việc giảm các gánh nặng tài chính của Italy, ông cũng không còn vốn liếng chính trị để thực hiện điều đó nữa. Người dân Italy cảm thấy bị phản bội và sẵn sàng chào đón một sự thay đổi giúp khôi phục lại niềm tin của họ trong các tiến trình chính trị.

Để tiến hành thay đổi thực sự tại Italy, chính quyền hiện tại nên chuyển tiếp theo cách mà Hy Lạp đang làm, nhằm vào các cải cách kinh tế then chốt, dù cho phải đối mặt với việc không được lòng dân. Không để mắt tới những nhóm lợi ích khổng lồ và tiệt trừ tận gốc rễ nạn tham nhũng ở mọi cấp độ, chính phủ sẽ phải hành động vì lợi ích của thế hệ kế tiếp, chứ không chỉ là một cuộc bầu cử kế tiếp.

  • Thu Lượng (Theo Time)

Về tác giả: Jebreal là một nhà báo, nhà tiểu thuyết và biên kịch người Italy gốc Palestine. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.