Việc nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ đã khiến Nga mất hàng chục tỷ đôla trong những khoản thu nhập tiềm năng từ các hợp đồng vũ khí.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Libya mới không có hợp đồng vũ khí nào với Nga.

Nga, nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, thường xuyên nói đến các tổn hại trị giá 4 tỷ USD trong các hợp đồng vũ khí với Libya. "Con số 4 tỷ chỉ là trên danh nghĩa, khoản thu nhập mất thực sự có thể lên tới hàng chục tỷ đôla", Mikhail Dmitriyev, Giám đốc Ban Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự liên bang Nga, cho biết.


"Chắc chắn có nhiều thiệt hại... Chúng tôi không có hợp đồng nào với ban lãnh đạo mới của Libya trong lĩnh vực quốc phòng", ông Dmitriyev nói chuyện với các phóng viên ở St Petersburg, phía bắc nước Nga. 

Thời gian qua, Kremlin đã bị một số nhà ngoại giao chỉ trích vì có lập trường không rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Libya: không ủng hộ cuộc cách mạng do phương Tây hậu thuẫn chống Gaddafi, tán thành các lệnh cấm vận chống lại ông này và thừa nhận hành động quân sự của phương Tây.  

Các công ty của Nga đã đầu tư hàng trăm triệu đôla vào khai thác dầu và khí đốt ở Libya, và Tập đoàn Đường sắt Nga đang xây dựng một tuyến đường sắt theo một hợp đồng 3 tỷ USD. 

Các hợp đồng vũ khí được ký kết dưới thời Gaddafi chiếm 12% trong xuất khẩu vũ khí năm 2010 của Nga, với tổng trị giá 10 tỷ USD. Một lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt từ tháng 2 khiến cho Nga thiệt hại 4 tỷ USD về các hợp đồng mới.  

Moscow đã bán cho Gaddafi nhiều súng và rocket được sử dụng chống lại lực lượng nổi dậy.

Nhưng Nga ủng hộ một nghị quyết ban đầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên Gaddafi và chính phủ của ông nhưng lại bỏ phiếu trắng một nghị quyết hồi tháng 3 cho phép can thiệp quân sự. 

Các hãng dầu lửa của Nga có rất nhiều lợi ích ở Libya, từ một hợp đồng đổi chác tài sản giữa ENI của Italia và tập đoàn Gazprom tới một mối quan hệ cung ứng dầu thô giữa Libya và một nhà máy lọc dầu lớn ở Địa Trung Hải, nơi hãng LUKOIL là một cổ đông. 

Đại sứ của ông Medvedev tại châu Phi, Mikhail Margelov, cho biết hôm 2/11 rằng Gazprom Neft và ENI đã phục hồi liên doanh của họ ở Libya và ông không thấy có lý do nào để các hợp đồng lớn khác bị xem xét lại. 

"Tôi không thấy có lý do nào để các nhà chức trách Libya xét lại những hợp đồng này. Chúng mang lại lợi nhuận cho cả chúng tôi và họ. Chúng tôi sẽ không mất bất kỳ một dự án nào về hạ tầng và dầu lửa, tôi chắc chắn điều đó". 

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Alexander Dyukov của Gazprom Neft nói với các phóng viên hôm 29/10 rằng, hợp đồng - trong đó Gazprom sẽ tiếp quản dự án Elephant ở Libya như một phần trong cuộc trao đổi lấy các tài sản khí đốt ở Nga - vẫn dễ bị điều kiện bất khả kháng.

Thanh Hảo (Theo Reuters)