Một cuộc tổng đình công đang diễn ra ở Hy Lạp, làm ngưng trệ các chuyến bay, tạm dừng hầu hết các dịch vụ công và đóng cửa các văn phòng cùng cửa hiệu. 

TIN BÀI KHÁC:


Các sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa và các nhân viên bảo vệ bờ biển tham gia biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ Hy Lạp hôm 1/10. (Ảnh: AP)

Cuộc đình công kéo dài 48 giờ diễn ra khi Quốc hội Hy Lạp đang chuẩn bị bỏ phiếu cho loạt biện pháp khắc khổ mới nhất, trong đó có tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và việc làm. Hiện Hy Lạp đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách giữa lúc có nhiều lo ngại rằng nước này có nguy cơ vỡ nợ và tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng Euro. 

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện các chính sách cắt giảm khắt khe nhằm đổi lấy hai đợt cứu trợ.  

Các cuộc biểu tình ở Hy Lạp tăng mạnh trong vài tuần qua. Đã có nhiều cuộc đình công chớp nhoáng ở các lĩnh vực kinh tế, với rác thải không được thu gom và nhiều bộ ngành tê liệt vì chính nhân viên của họ.

Cuộc đình công trong hôm nay và ngày mai (19 và 20/10) đã được huy động bởi hai nghiệp đoàn lớn đại diện cho người lao động ở cả khu vực công và tư. 

Phát đi một thông điệp

Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, văn phòng và cửa hiệu đều đóng cửa, với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và chủ cửa hàng lần đầu tiên hưởng ứng cuộc đình công.

Các nhân viên kiểm soát không lưu đang tiến hành một cuộc bãi công 12 giờ, khiến cho khoảng 150 chuyến bay cả quốc tế lẫn nội địa bị hủy. Các loại tàu, xe buýt, taxi và xe tải cũng sẽ không hoạt động. 

Rác thải chất đầy trên đường ở Thessaloniki ngày 18/10 vì các nhân viên thu gom rác bãi công. (Ảnh: Getty)


Một cuộc đình công trong những ngày gần đây của các nhân viên thu gom rác thải đã khiến cho rác chất bừa bãi trên các con phố.  

"Chúng tôi sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ và hệ thống chính trị", Costas Tsikrikas, Chủ tịch nghiệp đoàn Adedy của người lao động khối công, nói. "Chúng tôi tin rằng số người tham gia sẽ rất lớn".

Những người đình công dự kiến sẽ tập trung để biểu tình vào lúc 8h (giờ GMT) ở Athens và Thessaloniki.

Cảnh sát đã được huy động tới chốt giữ bên ngoài tòa Quốc hội ở Athens, nơi đã chứng kiến các cuộc đụng độ hồi tháng 6 với những người biểu tình đòi chấm dứt các biện pháp khắc khổ.  

Hàng trăm công nhân bến cảng đã tập trung tại cảng chính Piraeus, trong khi hàng trăm bảo vệ nhà tù kéo tới phản đối bên ngoài Bộ Tư pháp. 

Hết sạch tiền

Các nhà lập pháp Hy Lạp sẽ bỏ phiếu cho hai dự luật trong hôm nay và ngày mai. Trong số đó có các biện pháp tăng thuế, cắt giảm lương và đình chỉ các hợp đồng lao động tập thể. Họ cũng sẽ cho nghỉ việc 30.000 công chức do tiền lương giảm  và áp dụng một hệ thống lương dịch vụ dân sự mới. 

Đảng Pasok của Thủ tướng George Papandreou chiếm đa số trong Quốc hội song một số người dọa sẽ bỏ phiếu chống lại các biện pháp khắc khổ mới. 

Hôm qua (18/10), ông Papandreou kêu gọi các nghị sĩ trong đảng hãy ủng hộ. "Chúng ta phải kiên trì trong cuộc chiến này như những người dân, như một chính phủ, như một nhóm trong Quốc hội để toàn đất nước vượt qua", ông nói. 

Hy Lạp đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng và một nền kinh tế trì trệ, với nợ chính phủ chiếm tới 162% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

EU và IMF đã can thiệp bằng hai gói cứu trợ nhưng gói thứ hai vẫn chưa được hoàn tất.  

Trong khi đó, Hy Lạp cho biết nước này cần được giải ngân 11 tỷ USD từ gói cứu trợ lần đầu vốn được nhất trí từ năm ngoái, nếu không nước này sẽ hết sạch tiền để chi trả các khoản trong tháng 11.  

Lo ngại các vấn đề ở Hy Lạp có thể lan rộng sang nhiều nước khác thuộc khu vực đồng Euro vốn cũng đang ngập trong nợ nần như Tây Ban Nha và Italia, các nhà lãnh đạo EU gặp nhau cuối tuần này đang nỗ lực đưa ra một kế hoạch mà có thể bảo vệ được khu vực khỏi sự sụp đổ của Hy Lạp. 

Thanh Hảo (Theo BBC)