Không ít những tay buôn chuyên săn tìm nhà cổ đến gạ gẫm, trong đó có cả người nước ngoài đến tham quan nghiên cứu tìm hiểu và ngã giá triệu đô, đề nghị mua lại toàn bộ khung ngôi nhà để mang về trưng bày.

TIN BÀI KHÁC


Nỗi lòng của chủ nhân ngôi nhà cổ

Đến làng Mẫn Xá, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh hỏi về ông Nguyễn Văn Trang ai cũng biết. Họ biết đến ông bởi ông là một lão nông chân đất đã thẳng thừng khước từ cả triệu USD để giữ lại cho con cháu và thế hệ về sau một ngôi nhà cổ mà theo ông đây là ngôi nhà cổ nhất xứ Kinh Bắc và được tổ tiên dòng họ Nguyễn Văn làm từ thời vua Minh Mạng.

Đi qua một đoạn đường ngoằn nghèo chỉ rộng khoảng 1m, mặt đường phủ rêu xanh trên nền gạch màu đỏ, hai bên là những dãy nhà san sát, chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông Nguyễn Văn Trang.
Ông Trang năm nay đã bước qua tuổi 71, tự nhận mình già trước tuổi nhưng đổi lại ông vẫn còn khỏe và trí nhớ rất minh mẫn. Với chất giọng khàn khàn ông từ từ kể cho chúng tôi nghe về gốc tích căn nhà và xen vào đó là nỗi lòng của một lão nông quyết giữ bằng được của hồi môn mà tổ tiên để lại.
Toàn cảnh ngôi nhà cổ của ông Trang

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Văn ở Mẫn Xá thì cụ tổ ông Trang là Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm 1753, đến đất này lập nghiệp và được coi là một bậc “phú gia địch quốc” (ý nói có tài sản sánh ngang quốc gia) tại đất Kinh Bắc xưa. Trong gia phả chép lại, ngôi nhà cổ này được dựng vào năm 1774, năm đó cụ Cẩn mới ở tuổi 21.Với nghề bốc thuốc và dạy học, dù mới 21 tuổi nhưng cụ đã có khối tài sản khổng lồ và cụ cũng vài lần phát chẩn cho dân nghèo. Ông Trang hiện là trưởng họ Nguyễn Văn và là cháu đời thứ 7 của cụ Cẩn, đang sống và gìn giữ ngôi nhà cổ.

Theo ông Trang hiện tại ngôi nhà vẫn giữ được rất nhiều nét độc đáo mà hiếm ngôi nhà nào có được: Ngôi nhà được làm theo lối kiến trúc cổ nhất mà ông từng biết đó là “xà cọc con tròng kẻ truyền”, với nhiều hình chạm trổ tinh xảo và những nét hoa văn quý hiếm.

Cả ngôi nhà được khớp lại bởi 8 vì, mỗi vì 5 cột, tổng cộng có 40 cột hoàn toàn bằng gỗ lim, cột lớn nhất có đường kính khoảng 35cm. Ngôi nhà được chia làm 7 gian, với diện tích khoảng 110m2, trong đó 3 gian giữa để bàn thờ tổ tiên và nơi tiếp khách…còn lại 4 gian chia cho hai bên để làm phòng ngủ. Gian buồng được thông với 3 gian giữa của ngôi nhà bằng của nách được thiết kế rất đẹp theo hình tò vò.

Phần trên của ngôi nhà được đục đẽo rất cầu kỳ, con Chòng (nơi để gác hoành) được những bàn tay khéo léo của người thợ ngày trước tạo thành hình đầu rồng, phượng… hướng ra phía trước, bên dưới là một lớp hoa văn được đục đẽo theo hình hoa lá núi rừng…

Hai núm tròn trên cánh cửa ra vào buồng ngủ được hiểu theo câu 3 vuông 7 tròn

Điều đặc biệt ở ngôi nhà cổ này là cái Dạ Tàn (tức là mái phía trước) được thiết kế rất thấp vì vậy khi bước vào nhà ai cũng phải cúi người, nếu không để ý rất dễ đụng đầu, đó được ngầm hiểu là động tác chào gia chủ. Bên trên cửa vào gian buồng có hai núm gỗ được khắc hình tròn, còn cửa chính của ngôi nhà là hình vuông.

Đem sự khác biệt này hỏi vị chủ nhân của ngôi nhà chúng tôi nhận được câu trả lời: “Cái đó được cha ông ta ngày trước lý giải theo câu “3 vuông 7 tròn” tức là nàng dâu khi về nhà chồng phải tuân theo gia pháp, phong tục cách sống và nếp sinh hoạt nhà chồng, đồng thời phải sống sao cho tròn với bổn phận làm con, cái cửa đó là nơi đi lại thường xuyên của con dâu nên các cụ mình để đó như thầm nhắc nhở”.

Đến nay ngôi nhà đã trải qua 237 năm và đã có 7 đời người sinh sống trong ngôi nhà này mà những chiếc cột lim vẫn một màu đen bóng và chắc nịch như thách đố thời gian. Mặc cho vị chủ nhân đã vài lần tu sửa nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính, những chi tiết hoa văn dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Văn Trang đang giới thiệu tỷ mỉ về ngôi nhà của mình

Nhìn ngôi nhà của mình rồi ngước mắt về phía ngôi nhà cao tầng, Ông Trang chạnh lòng: Hai vợ chồng tôi năm nay cũng đã ngoài 70, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn giữ lại ngôi nhà của tổ tiên cho con cháu sau này và ông lo khi ông về với tiên tổ không biết hậu thế có dủ kiên nhẫn để tiếp bước.

Xuýt xoa một chút rồi ông nói tiếp, Mẫn Xá là ngôi làng còn giữ được nhiều nét đặc trưng một một làng cổ, từ đường làng, ngõ xóm, đến vật liệu để xây nhà tất cả hiện lên một phong cách cổ kính mà ít nơi còn có. Nhưng những nét cổ kính đó đang dần mất đi, với nghề đúc nhôm truyền thống đã làm cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khấm khá, môi trường thay đổi, không khí nồng nặc mùi phôi nhôm. Kinh tế đang phát triển ảnh hưởng đến bộ mặt của ngôi làng.

Bên cạnh những ngôi nhà cổ được lợp bằng ngói vẩy san sát nhau thì xen vào đó, vài ngôi nhà cao tầng “trễm trệ” lẻ loi vô tình phá đi không gian hoài cổ độc đáo mà nó vốn có.

"Tiền không làm cho tôi mờ mắt"

Biết ông đang sở hữu ngôi nhà cổ rất có giá trị (cả về văn hóa lẫn vật chất) nên không ít những tay buôn chuyên săn tìm nhà cổ đến gạ gẫm. Để có được cái gật đầu của ông họ sẵn sàng trả giá rất cao. Không chỉ có người trong nước mà ông còn được đón các đoàn từ nước ngoài đến tham quan nghiên cứu tìm hiểu.

Năm 2000, giáo sư Yamada Yukimasa - giảng viên Trường đại học Tokyo và giáo sư Trần Thị Quế Hà - giảng viên Trường ĐH Showa Nhật Bản đến Việt Nam, kết hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin làm cuộc khảo cứu về nhà ở dân gian truyền thống. Sau nhiều ngày rong ruổi tại Bắc Ninh, đoàn chuyên gia đã tìm được ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Trang và họ khẳng định ngôi nhà độc đáo và được xây dựng vào thời vua Minh Mạng.

Tấm bia đá màu xanh với rất nhiều chữ Hán, Nôm

Nghiên cứu kỹ ngôi nhà cũng như gia phả dòng họ Nguyễn Văn, họ đề nghị mua lại toàn bộ khung ngôi nhà để mang về trưng bày với giá gần 1 triệu USD. Ngoài ra họ còn ngỏ ý sẽ dựng cho ông ngôi nhà y hệt như vậy trên nền đất cũ, mà chỉ lấy cái khung nhà cổ mang đi. Ông Trang đưa ra quyết định là không bán. Quyết định kiên quyết của ông khiến họ hàng ông còn phải họp nhiều lần nữa nhưng với sự dứt khoát của ông Trang, ngôi nhà vẫn không được bán.

Vào năm 2002, ông lại đón đoàn chuyên gia của Malaysia đến thăm, nghiên cứu,sau khi hỏi mua biết ông không bán dù có trả rất nhiều tiền, họ quay sang xin mẫu ngôi nhà của ông. Mọi người trong đoàn tiến hành đo đạc và lấy hình ảnh những chi tiết hoa văn quý của ngôi nhà. Sau đó họ mua gỗ về và thuê thợ dưới làng Đồng Kỵ làm y nguyên như vậy. Khi làm xong để chắc chắn họ đã dựng thử ngôi nhà lên và mời ông Trang xuống kiểm tra xem còn chỗ nào thiếu và chưa giống không. Xong xuôi đâu đó họ thuê ôtô chở về Hải Phòng và mang về nước.

Năm 2005, đoàn Nhật Bản lại quay trở lại nhà ông và lần này họ mang theo một cái máy nhỏ, khi đến họ đặt máy lên nóc nhà và thử cái gì đó, khi hỏi người phiên dịch thì ông mới được biết là họ đo sức chịu động đất của ngôi nhà và khẳng định rất tốt.

Ngôi nhà được thiết kế với nhiều hoa văn tinh tế

Theo ông Trang thì những năm trước người của nhà nước cũng đôi lần đến đặt vấn đề mua lại ngôi nhà của ông để đem về dựng ở Hà Nội, đi kèm với đó là lời hứa sẽ dựng một ngôi nhà y hệt như vậy cho ông, cũng bằng gỗ lim và những chitiết hoa văn như vậy. Nhưng ông lại cho rằng "đây là cái nhà mà tổ tiên của mình để lại, đã qua bao nhiêu đời dù khó khăn thì ông cha cũng không bán cớ sao nay mình lại bán", nghĩ vậy nên ông không nhận lời và lấy cớ đây là ngôi nhà của dòng họ, ông chỉ là người được trao quyền trông nom chứ không có quyền bán để từ chối khéo.

Dưới cái bàn thờ tổ tiên nhà ông vẫn còn lưu giữ được hai phiến đá, một phiến đá xanh, một phiến đá trắng. Trên đó viết rất nhiều chữ Hán, Nôm mà chính ông cũng không hiểu mà theo những chuyên gia về tìm hiểu thì phiến đá đó được viết vào tháng 8 mùa thu năm Minh Mạng.

Dù đã cố gắng tìm nhưng những đoàn chuyên gia đều không tìm ra chữ khắc trên khung nhà. Nên tuổi của ngôi nhà vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, có người nói ngôi nhà này được làm vào thời Lý dựa trên những nét hoa văn trên khung nhà nhưng cũng có ý kiến cho rằng, được làm từ thời vua Minh Mạng dựa theo gia phảvà những gì còn ghi lại trên hai phiến đá.

Còn theo ông Trang, ông cũng không biết chính xác ngôi nhà làm từ khi nào màchỉ biết nó được dựng vào năm 1774 mà trước đó cụ Nguyễn Văn Cẩn cũng mua lại nhà của người khác.

Nhưng theo ông Trang thì dù sao đi chăng nữa thì dây vẫn là ngôi nhà quý đốivới ông và dòng họ Nguyễn Văn ở Mẫn Xá nên dù có ai trả ông bao nhiêu tiền cũng không bán và ông không bị đồng tiền làm mờ mắt.

(Theo Bưu điện Việt Nam)