(VEF.VN) – Bộ Công thương kêu hệ thống phân phối xăng dầu sắp võ vì lỗ quá lâu rồi và cho rằng không nên giảm giá xăng như vừa rồi. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính rất không hài lòng trước giải trình lỗ, lãi của Petrolimex.

Cuộc hội thảo về điều hành cơ chế giá xăng dầu sáng nay 20/9 do Bộ trưởng bộ Tài chính chủ trì đã "nổ" ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng về lãi lỗ hay sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ chế kinh doanh xăng dầu chứa đựng quá nhiều mẫu thuẫn, bất đồng ngay cả về quan điểm giữa doanh nghiệp, giữa lãnh đạo bộ tài chính và lãnh đạo bộ công thương và giữa các chuyên gia kinh tế.

Bộ trưởng "tù mù" trước chuyện lỗ của Petrolimex

Cao trào của cuộc tranh luận này là câu chuyện giảm giá xăng dầu vừa qua, đặc biệt là chuyện lãi lỗ của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Phải nói rằng, có 2 cách nhìn khá trái ngược nhau giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương ở vấn đề này.

Thông tin chính thức từ ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, 8 tháng đầu năm, Petrolimex đã lỗ 1.800 tỷ. Nếu cơ chế tiếp tục như hiện nay thì tới tháng 9 thì còn lỗ tới 2.000 tỷ đồng. Nếu tính cả bù lãi suất thì mức lỗ là hơn 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để vị TGĐ Petrolimex "chốt" lại trước cuộc họp về các con số này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ gần như hỏi dồn, hỏi vặn vị TGĐ này.

Ông Huệ có ít nhất 3-4 lần ngắt lời diễn giải về cơ chế xăng dầu của ông Bùi Ngọc Bảo và tỏ ra rất sốt ruột khi ông Bảo cắt nghĩa chi tiết cụ thể về sự chi phối của các chi phí định mức hiện nay.

Bộ trưởng Tài chính liên tục nhấn mạnh: "Từ đầu năm đến nay, Petrolimex lỗ như thế nào mà sao IPO lại công bố lãi? Đề nghị anh Bảo nói rõ lỗ xăng bao nhiêu, lỗ dầu bao nhiêu. Tôi muốn biết lỗ, lãi thực tế của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào bảng giá cơ sở của Nhà nước, không phụ thuộc vào các qui định về định mức chi phí trong kết cấu giá đầu vào của Nhà nước. Doanh nghiệp phải hạch toán cụ thể lãi, lỗ từng mặt hàng."

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo thì khăng khăng: "Kinh doanh hàng chục năm nay, chúng tôi không tách riêng lời lỗ từng mặt hàng như vậy. Vì đầu vào phân bổ chi phí chung nên không thể tính lỗ ra từng mặt hàng được. Còn khi trình mức trích xả Quỹ là chúng tôi căn cứ vào sản lượng theo qui định. Sản lượng thì tính được".

Tuy nhiên, các lý giải của DN này đều không được bộ trưởng Tài chính tỏ ý chấp nhận. Bộ trưởng Huệ cho rằng "nói thế thì Petrolimex xem lại quản trị doanh nghiệp của mình".

Ông Huệ cho rằng, DN phải hạch toán được riêng từng mặt hàng, nếu không thì căn cứ vào đâu để xin trích mức Quỹ bình ổn giá. DN kêu lỗ lắm rồi mà tại sao Nhà nước không cho dùng quỹ bình ổn. Nhưng cho như thế nào thì phải có thông tin xác thực thì mới quyết định.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: "DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN dầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân".

Đồng chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Bộ Công Thương rất sốt ruột với sự trình bày dài dòng của vị TGĐ Petrolimex và cũng không đồng tình với cách hỏi vặn "không đúng thực tế ngành xăng dầu" của bộ trưởng Huệ.

Ông Tú bổ sung: "Lỗ thực tế là khác, cao hơn nhiều so với chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ. Các kết cấu trong bảng giá này đã cũ rỗi, lạc hậu từ 20 năm nay rồi. Hiện nay, chi phí hoa hồng đã chỉ còn có 150 đồng/lít (định mức là 600 đồng), hệ thống sắp vỡ rồi!"

Bộ trưởng Tài chính chịu trách nhiệm về giảm giá xăng

Liên quan chuyện giảm giá xăng dầu mới đây, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), Tổ phó Tổ điều hành giá xăng dầu bày tỏ: "Vừa rồi, nhận quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng, tôi tự hỏi là Bộ Tài chính làm sao vậy? Đang lỗ mà lại cho giảm thì không thể hiểu nổi. Giá cơ sở  là do Bộ Tài chính đưa ra, DN tính theo Bộ cho thấy lỗ mà sao lại giảm. Tôi chẳng hiểu điều hành giá kiểu gì? Xem lại pháp lệnh giá, chẳng hiểu Bộ tài chính căn cứ theo điều nào mà lại cho giảm."

"Ngay sau đó, một số cây xăng ở miền Tây không bán nữa. Hiện xăng dầu cực khan hiếm. Tình hình này từ giờ cuối năm, nếu với giá này, sẽ vỡ hệ thống phân phối", ông An cho hay.

Rồi ông An lại lắc đầu than bức xúc: "Lỗi do con người không do văn bản. Dẫn lại sự tréo ngoe về điều hành giá của bộ Tài chính, ông An than phiền: "Ngày 8/7/2011, Bộ Công thương đề nghị giảm giá, Bộ tài chính không giảm giá. Lúc đó, DN đang lãi 200-300 đồng/lít. Việc lấy mốc 30 ngày hiện đang rất lung tung".

Trước số liệu này, bộ trưởng Huệ nói thẳng: "Tại thời điểm đó, theo số liệu cập nhật của hải quan cho thấy, riêng Petrolimex có lãi tới 780 đồng, có chênh lệch dương, đó là chưa kể ngoài chênh lệch 300 đồng/lít định mức. Tôi đã gọi anh Bảo lên có giảm được không, anh Bảo nói giảm được."

"Từ khi có quyết định giảm giá, tôi chưa thấy DN nào bảo là không duy trì được. Giảm giá là quyết định đúng. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân về việc này.", ông Huệ nhấn mạnh.

Ông nói tiếp: "DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN đầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân".

Thậm chí, vị bộ trưởng này còn nói gay gắt: Doanh nghiệp nào không nhập được, không tham gia cuộc chơi này thì Bộ Tài chính chấp nhận cho rút. Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Con số công bố lỗ lãi như thế, chúng tôi sẽ đi kiểm tra. Nhà nước chỉ bù lỗ do khách quan chứ không bù cho những lỗ do yếu kém của DN gây nên.

Theo ông Huệ, chưa thể thả thị trường xăng dầu hoàn toàn như Nghị định 84 từ ngay tới cuối năm. Đặc biệt, việc thị trường hóa này phải tái cấu trúc môi trường cạnh tranh, sòng phẳng, không thể để vị thế như 60% thị phần Petrolimex và cộng với Petro Saigon và PVoil là 90%.

Nếu cho DN tự định giá ngay thì ngày mai sẽ ra sao? Ông Huệ nói.

Phạm Huyền