Royal Dutch Shell, tập đoàn dầu khí của Anh đang mong muốn mở rộng việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các tập đoàn dầu khí lớn khác như BP hay ConocoPhillips lần lượt rút ra khỏi Việt Nam.

Ông Lê Thanh, giám đốc quản lý của Shell tại Việt Nam nhận định, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất châu Á, với nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế là rất lớn.

“Là một quốc gia có dân số trẻ với gần 80 triệu người, chúng tôi nhận thấy Việt Nam rất có tiềm năng phát triển trong tương lai và Shell có thể thu được nhiều lợi ích từ quốc gia này.”, ông Thanh phát biểu trên tạp chí Financial Times của Anh.

Ông Thanh cũng tiết lộ, hiện Shell đã có một số mục tiêu tại Việt Nam, bao gồm việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy khí hóa lỏng đầu tiên và đấu thầu những giấy phép thăm dò dầu mới.

Ông Thanh cho biết thêm rằng Shell đã bàn bạc để mua lại 25%-30% cổ phần của Petec, công ty chuyên nhập khẩu và phân phối nhiên liệu trực thuộc sự điều hành của Petro Việt Nam,. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã đưa ra quyết định từ chối thương vụ này vào tháng 7 vừa qua.

Nếu thương vụ này thành công, Shell sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong thị phần bán lẻ nhiêu liệu tại Việt Nam.

Hầu hết các nhà phân phối dầu ở Việt Nam những năm qua đều thua lỗ. Nguyên nhân do chính phủ tiếp tục chính sách kìm giá xăng dầu để hỗ trợ xã hội. Ông Thanh cho rằng mô hình này sẽ vấn được duy trì trong vài năm tới. Tuy nhiên trong khoảng 10 – 15 nữa, xăng dầu ở Việt Nam sẽ phải vận hành theo giá thị trường thế giới.

Hơn 10 năm sau dự án khoan khoan dầu cuối cùng của Shell tại Việt Nam, cùng với việc bỏ ra hàng trăm triệu USD mà không đem lại thành công, tập đoàn này hiện đang xem xét việc đấu thầu giấy phép thăm dò mới và đang chờ đợi sự đồng ý của Petro Việt Nam.

Ước tính, trữ lượng dầu của Việt Nam vào khoảng 4,4 tỷ thùng, tương đương với trữ lượng dầu mỏ của Australia, Ai Cập và Indonesia. Theo số liệu thống kê của BP, năm ngoái, Việt Nam sản xuất 370.000 thùng mỗi ngày, chiếm 0,5% thị phần toàn cầu.
Các đối thủ của Shell là BP và ConocoPhillips trong năm qua đều đã quyết định bán tài sản của mình tại Việt Nam theo kế hoạch tái cơ cấu đầu tư toàn cầu của mình.

Quốc Dũng (lược dịch theo Financial Times)