(VEF.VN) - Đó là kiến nghị mà Kiểm toán Nhà nước đề xuất với Chính phủ và Quốc hội từ kết quả kiểm toán năm 2010 về niên độ năm 2009 được công bố sáng 30/8. Trong số đó, kiến nghị tăng thu gần 5.000 tỷ đồng, giảm chi gần 2.500 tỷ, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng và một số xử lý khác.

Cũng theo kết quả kiểm toán năm 2009, 25/27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn có lãi, bảo toàn và phát triển vốn với tổng lợi nhuận trước thuế là 48.461 tỷ đồng. Chỉ có Tổng công ty Lắp máy VN lỗ 103 tỷ đồng, TCT Sông Hồng lỗ hơn 20 tỷ đồng và TCT Bưu chính VN lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nhận định tại một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mặc dù tình hình tài chính tại công ty mẹ tốt, song các đơn vị thành viên chưa đồng đều, có đơn vị hoạt động hiệu quả, có đơn vị thua lỗ lớn, quản lý chi phí, giá thành còn hạn chế, hệ số huy động vốn cao, còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro. Vì vậy, "chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của nhà nước, 'đe doạ' đến bảo toàn vốn", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhận định.

Về kiến nghị xử lý các cá nhân có trách nhiệm, sai phạm ở từng tập đoàn, tổng công ty, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết Kiểm toán NN chỉ đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm sai phạm để xử lý theo quy định. Còn việc kiểm điểm, xử lý là thuộc trách nhiệm của tập đoàn và tổng công ty.

Về chi thường xuyên cho địa phương, có tới 31/32 tỉnh, thành phố được kiểm toán chi thường xuyên vượt dự toán, trong đó có 9 tỉnh, thành vượt 30%. Ngoài các nguyên nhân khách quan, theo Kiểm toán Nhà nước thì còn do công tác lập dự toán chưa sát thực tế, quản lý điều hành ngân sách chưa chặt chẽ, tiết kiệm, ghi thu, ghi chi chưa kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt còn do sử dụng nguồn tăng thu mua ô tô, quản lý tài sản thiếu chặt chẽ để xảy ra sai phạm, gây lãng phí ngân sách, chưa đăng ký tài sản theo quy định và cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm hoặc chưa thu hồi.

Một số bộ, ngành còn số dư nợ phải thu lớn, kéo dài: bộ Xây dựng 56,2 tỉ đồng; ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam 4,7 tỉ đồng; các khoản tạm ứng đã lâu chưa được quan tâm thu hồi: bộ Văn hoá thông tin và du lịch; bộ Y tế, bộ Lao động thương binh và xã hội; nợ phải thu khó đòi chưa có biện pháp xử lý, quản lý các khoản nợ chưa chặt chẽ.

Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết hiện đơn vị này đang tiến hành kiểm toán Tập đoàn Điện lực và Quỹ bình ổn xăng dầu. Sắp tới sẽ công bố kết quả kiểm toán theo đúng quy định.

Chung Linh