Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ lượng năng lượng lớn nhất thế giới, là một trong những nước dẫn đầu về lượng khí thải nhà kính.

Bức tranh toàn cảnh về ngành năng lượng đang đổi thay và phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trông như thế nào? Phóng viên ảnh Toby Smith đã mất 2 năm để được phép tiếp cận với thế giới năng lượng tại đây, để cung cấp cho phương Tây những hình ảnh ít được biết đến.

Ngành công nghiệp luyện kim hùng mạnh

Lò luyện thép khổng lồ này tại một nhà máy của Tập đoàn thép Baogang ở Baotou, khu Nội Mông là hình ảnh đại diện cho các vấn đề khí thải gây ô nhiễm tại Trung Quốc – nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, một trong những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Ảnh: NatGeo.
Trong thập niên vừa qua, ngành công nghiệp thép của nước này đã tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc – 17%/năm. Không dừng lại ở đó, ngành công nghiệp này đang ngày càng gia tăng hiệu suất nhờ áp dụng các công nghệ tái sử dụng nguồn nhiệt tản ra trong quá trình sản xuất và tái sử dụng nhiên liệu để sản xuất điện.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không ngần ngại dùng “bàn tay sắt” để thúc đẩy hiệu suất trong ngành công nghiệp này, trong đó có chính sách buộc đóng cửa các nhà máy nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Kế hoạch 5 năm cho giai đoạn 2011-2015 của nước này là tăng trưởng ở mức chậm từ 5-6%/năm.

Các mỏ than khổng lồ

Xe tải chuyên chở than từ một mỏ lộ thiên ở Ordos thuộc Nội Mông – khu vực sản xuất than hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: NatGeo.
Smith nhớ lại hình ảnh khi vừa tiếp cận một khu phức hợp năng lượng mà anh được phép vào chụp ảnh: “Tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt các công trình hạ tầng, hầm mỏ, đường xe lửa, cao tốc và công trường đang được hối hả thi công”.

Tuy vậy, đôi khi Trung Quốc cũng phải chật vật xoay xở để theo kịp nhịp phát triển năng lượng của chính mình. Một trong những trở ngại là xung đột giữa những cư dân du mục địa phương và các nhà xây dựng chiến lược phát triển năng lượng. Người Mông Cổ bản địa hiện chỉ chiếm khoảng 21% tổng dân số trong khu vực trước kia là quê hương của họ. Năm ngoái họ đã tham gia biểu tình dẫn đến cái chết của một người bản địa do anh này cố ngăn cản một tài xế xe chở than. Tài xế xe tải sau đó đã bị xử tử hình do bị cáo buộc đã tông và kéo nạn nhân đi một quãng đến gần 100m.

Năng lượng sinh khối

Các cột ống cao vút tại một nhà máy lọc dầu và khí ở Boxing, tỉnh Shandong. Một phần năng lượng để vận hành hệ thống này được một nhà máy năng lượng sinh khối gần đó cung cấp.
Được hoàn thành năm 2010, nhà máy sinh khối công suất 15 megawatt này sử dụng nguồn nhiên liệu là các chất thải nông nghiệp (chủ yếu là phế thải của cây bông) để sản xuất điện phục vụ cho các nhà máy giấy, nhà máy hóa chất và hệ thống điện địa phương. Mặc dù phương pháp sản xuất điện này vẫn sản sinh ra cacbon trong quá trình đốt nhiên liệu, tuy nhiên chính phủ nước này  xếp loại khí thải này là cacbon trung tính do nguồn nguyên liệu đầu vào là có thể tái chế được.

Năng lượng và nguồn nước

Một nhà máy xử lý than ở Ordos (Nội Mông).
Các trạm năng lượng siêu tới hạn đòi hỏi loại than có chất lượng tốt để duy trì nhiệt độ và áp suất để hệ thống hoạt động hiệu quả nhất. Vì thế, than được mang đi rửa trước khi sử dụng. Và vấn đề là lượng nước sạch dùng để rửa than cũng như vấn nạn ô nhiễm mà hoạt động này gây ra ở một đất nước nới có đến 300 triệu cư dân vùng nông thôn thiếu nguồn nước uống an toàn.

Quốc gia này đang hướng đến nguồn than chất lượng cao nhập khẩu từ các nước, đứng đầu là Indonesia, tiếp đến là Úc, Việt Nam, Mông Cổ và Nga.

Trung tâm sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới

Đập Tam Hiệp.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới, với số lượng nhà máy thủy điện nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.

Đập Tam Hiệp - công trình thủy điện nổi tiếng nhất của Trung Quốc hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới với công suất 20,5 gigawatt. Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng thêm 7 đập thủy điện tầm cỡ tương đương đập Tam Hiệp trong những năm sắp tới, với tham vọng đạt tổng công suất 140 gigawatt. Đây là nổ lực nhằm hạn chế lượng khí thải carbon trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của quốc gia này. Đến năm 2020, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu sử dụng thủy năng và các nguyên liệu không hóa thạch khác để cung cấp cho ít nhất 15% nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhiều dự án thủy án thủy điện đồ sộ cũng kéo theo nhiều ảnh hưởng xấu cho môi trường. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia môi trường quy tội cho các dự án thủy điện ở tỉnh Tứ Xuyên chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ động đất nghiêm trọng tại đây do việc xây dựng các nhà máy thủy điện khổng lồ này đã phá hoại kết cấu địa chất ở khu vực này.

Năng lượng gió và năng lượng hạt nhân

Tuy là loại năng lượng sạch nhưng ngành năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nguyên nhân là ở đây người ta dùng bình ắc quy chì-axit để trữ loại năng lượng này. Chẳng hạn riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ ngành năng lượng mặt trời hàng năm thải ra môi trường trên 2,4 triệu tấn chì.
Công suất sản xuất điện năng từ gió của Trung Quốc đạt hơn 25.100 megawatts và lĩnh vực sản xuất điện năng từ gió trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế chính của quốc gia. Với lợi thế bờ biển dài và diện tích đất dồi dào, tạo nên cho quốc gia này triển vọng lớn về nguồn tài nguyên năng lượng từ gió.

Ủy ban Năng lượng Gió Toàn cầu cho rằng với quy mô và mức độ phát triển năng lượng gió của Trung quốc sẽ không thể có quốc gia nào sánh kịp. Có hơn 80 nông trang sản xuất năng lượng từ gió hoạt động tại Trung Quốc.

Dự kiến Trung Quốc sẽ có 100 Gigawatt (GW) năng lượng gió vào năm 2020. Điều này có nghĩa năng lượng gió đã lớn mạnh hơn năng lượng nguyên tử, mặc dù việc xây dựng các nhà máy năng lượng nguyên tử vẫn đang phát triển mạnh.

Vào cuối năm ngoái Trung Quốc đã có 9,1 GW trữ lượng năng lượng hạt nhân và hiện đang xây dựng thêm 24 lò phản ứng với thêm 25,4 GW nữa. Ít nhất 5 lò phản ứng nữa đã được lên kế hoạch nhưng chưa được khởi công.

Trong kế hoạch 5 năm mới (2011- 2015), quốc gia có tốc đột tăng trưởng nhanh chóng mặt đang rất khát năng lượng này tuyên bố sẽ phát triển năng lượng hạt nhân và xây dựng các nhà máy với công suất 40 triệu kw.

Năng lượng mặt trời


Để giảm dần sự phụ thuộc vào than đá và dầu hỏa, trong năm nay Trung Quốc sẽ xây dựng 2 nhà máy năng lượng mặt trời qui mô lớn ở hai tỉnh cao nguyên phía Tây là Thanh Hải và Vân Nam. Dự án ở Thanh Hải với vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ NDT (khoảng 146 triệu USD), khi hoàn tất, có thể trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới.  Theo Hiệp hội Năng lượng tái sinh Trung Quốc, tiềm năng phát triển năng lượng Mặt trời của nước này là rất lớn. Hằng năm, hơn 2/3 diện tích đất liền của Trung Quốc đón nhận hơn 2.200 giờ nắng chói, nhiều hơn các nước và khu vực có cùng vĩ độ như Nhật Bản và châu Âu. Với lợi thế này, tiềm năng dự trữ năng lượng Mặt trời của nước này ước tính tương đương 1.700 tỉ tấn than.

Khí đốt thiên nhiên

Giàn khoan 981 được Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng năng lực khai thác ở biển Đông.
Sinopec (China Petroleum) là công ty lọc dầu lớn nhất châu Á cung cấp tới 80% nhiên liệu cho thị trường Trung Quốc. Do nhu cầu năng lượng tăng vọt, Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm, tranh giành các nguồn dầu mỏ và khí đốt trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, bất chấp rủi ro và gây căng thẳng với các quốc gia láng giềng. Các hoạt động khoan của công ty CNOOC tại biển Đông Trung Hoa thường xuyên “chọc giận” Nhật Bản, tranh chấp quần đảo Trường Sa ở biển Nam Trung Hoa với Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines…

Cao Nguyên