Các nhà khoa học Tây Ban Nha tìm ra sự liên quan giữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt với việc uống sữa từ thưở nhỏ. Vấn đề này được khẳng định từ kết quả nghiên cứu do một nhóm chuyên gia do bà Johanna Torfadottir đứng đầu và công bố trên Tạp chí  American Journal of Epidemiology.

Thường xuyên uống sữa khi còn nhỏ có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: Getty Images.

Тоrfadottir và những đồng nghiệp của bà thu thập các số liệu của trên 2,2 nghìn người đàn ông Tây Ban Nha sinh ra trong thời gian từ 1907 đến 1935 để tìm hiểu họ đã uống bao nhiêu sữa ở những giai đoạn khác nhau trong đời.

Họ nhận thấy rằng, vào năm 2009 có khoảng một nửa số người trong diện nghiên cứu bị ung thư tuyến tiền liệt. Trong số này 471 người khi bị phát hiện ung thư thì đã quá muộn hoặc đã mất do bệnh này.

Theo nghiên cứu, nhóm thứ nhất gồm trên 1800 người đàn ông thời niên thiếu ngày nào cũng uống sữa. Nhóm thứ hai có 462 người uống sữa dưới 1 lần mỗi ngày. Nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt trong nhóm thứ nhất cao hơn nhóm thứ hai tới 3,2 lần. Song các chuyên gia không phát hiện được mối quan hệ tương tự giữa nguy cơ bị các bệnh u ác tính khác với hiện tượng thường xuyên uống sữa.

Tháng 12 năm 2010, các nhà nghiên cứu Anh cũng công bố một công trình nghiên cứu về mối liên quan giữa ung thư tuyến tiền liệt với chiều dài của ngón tay những người đàn ông. Các tác giả kết luận, những người đàn ông có ngón tay trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn ít bị u ác tính hơn những người khác tới 3 lần.

Bảo Châu