Rất nhiều trong số 208 loài được phát hiện năm 2010 tại tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đã trở nên “quen mặt” trên bàn ăn, theo thông tin của WFF.

Theo bản báo cáo của Tổ chức Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, có 208 loài sinh vật mới được phát hiện tại lưu vực sông Mê Kông trong năm 2010, bao gồm 1 loài chim, 2 loài động vật có vú, 7 loài lưỡng cư, 25 loài cá, 28 loài bò sát và 145 loài thực vật. Những loài này được phát hiện ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Thằn lằn Leiolepis ngovantrii

Trong số có 28 loài bò sát mới, có một loài thằn lằn ở Việt Nam có khả năng sinh sản vô tính, không cần giao phối với con đực (thằn lằn Leiolepis ngovantrii). Ngoài ra, 5 loài cây ăn thịt mới cũng được phát hiện ở Thái Lan và Campuchia. Một số loài cây ăn thịt có thể bắt được những loài chuột nhỏ, thằn lằn, thậm chí cả chim.

Đáng chú nhất trong số 10 loài sinh vật mới được miêu tả chi tiết trong báo cáo của WWF là loài khỉ mũi hếch (Rhinopithecus strykeri). Được phát hiện tại khu vực vùng núi hẻo lánh ở bang Kachin (Myanmar), loài khỉ này được người dân địa phương miêu tả thường cúi đầu xuống đầu gối để tránh nước mưa chảy vào mũi.

“Mặc dù những loài được phát hiện năm 2010 là mới với khoa học, rất nhiều trong số này đã trở nên “quen mặt” trên bàn ăn, phải đấu tranh để sinh tồn trong môi trường sống ngày càng thu hẹp và có nguy cơ tuyệt chủng”, tiến sĩ Stuart Chapman, giám đốc bảo tồn của WWF tại khu vực sông Mê Kông,  cho biết.

Sự tuyệt chủng của loài tê giác Java ở Việt Nam là ví dụ điển hình cho thấy sự đa dạng sinh thái ở khu vực sông Mê Kông đang suy giảm. Các khu bảo tồn động vật hoang dã tại khu vực này đang đứng trước sức ép từ phát triển không bền vững và biến đổi khí hậu.

Báo cáo này của WFF được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) sắp được tổ chức tại Myanmar nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực này coi trọng lợi ích của đa dạng sinh học.

“Chính phủ các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông cần quan tâm tới vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học và có một chiến lược đầu tư lâu dài và bền vững”, ông Chapman kêu gọi.

Hà Hương

Việt Nam có thêm loài động vật mới
(VietNamNet) - Cá thể chồn bạc má được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) là loài mới.
 
Động vật kỳ lạ nhất thế giới ở VN
Dơi 'quỷ', nhái bay ma cà rồng và rắn mắt ngọc của Việt Nam có tên trong danh sách những loài động vật kỳ lạ nhất mới được phát hiện năm 2011 do Tạp chí National Geographic vừa công bố.
 
Việt Nam vĩnh viễn mất tê giác một sừng
Loài tê giác một sừng (tê giác Java) đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Thông tin này được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) khẳng định vừa mới đây.