Các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ vừa phát hiện thấy rằng mặt trăng Dione của sao Thổ có một bầu khí quyển mỏng chứa ôxy.

TIN LIÊN QUAN

Những dữ liệu do tàu thăm dò Cassini gửi về mới đây cho thấy mặt trăng Dione của sao Thổ có một bầu khí quyển. Cho dù bầu khí quyển của mặt trăng Dione rất mỏng, nhưng thành phần của nó chủ yếu là ôxy – một trong những điều kiện cần thiết để sự sống tồn tại.

Hình ảnh Mặt trăng Dione do tàu thăm dò Cassini ghi lại.

Với đường kính khoảng 1.123 km, Dione là mặt trăng lớn thứ 15 trong Hệ mặt trời.  Các nhà khoa học phỏng đoán rằng hành tinh này được cấu tạo chủ yếu bởi nước ở dạng đóng băng ở bề mặt và đá ở phần lõi.

Tuy nhiên, mặt trăng Dione không đủ lớn để giữa được một bầu khí quyền dày như Trái đất. Hành tinh của chúng ta và các thành tinh lớn khác có lực hấp dẫn rất mạnh, giúp ngăn các phân tử trong khi quyển thoát vào trong vũ trụ. Trong khi đó, Dione sở hữu lực hấp dẫn yếu, nên các phân tử khí trong bầu khí quyển này bị bay vào vũ trụ.

Sao Thổ và mặt trăng Dione cũng nằm được bao quanh bởi một vành gồm các phân tử mang điện tích lớn, giống như vành đai Van Allen bao quanh Trái đất của chúng ta. Khi các hạt phân tử điện tích lớn bắn phá xuống bề mặt của Dione, chúng phá vỡ liên kết của các phân tử nước băng và giải phóng các phân tử khí tạo thành bầu khí quyển.

Bởi vì bầu khí quyển mỏng của mặt trăng Dione được phát hiện qua từ trường của sao Thổ, nên các nhà khoa học không biết chính xác thành phần cấu tạo nên bầu khí quyển của hành tinh này. Nhưng họ phỏng đoán thành phần chủ yếu trong bầu khí quyển của Dione là ôxy vì nó được tạo ra từ nước đóng băng.

Tiến sĩ Sven Simon, đến từ đại học Cologne (Đức) và là thành viên nhóm nghiên cứu, hy vọng những dữ liệu hiện tại và trong lần thám hiểm Dione lần tới của tàu thăm dò Cassini vào ngày 12/12 sẽ cung cấp thêm thông tin về thành phần hóa chất trong bầu khí quyển của mặt trăng này.

“Tàu thăm dò Cassini sẽ trở lại mặt trăng Dione vào ngày 12/12 tới. Hiện tại, chúng ta đã biết hành tinh này có một bầu khí quyền và chúng ta có thể điều chỉnh các thiết bị dò phân tử và máy quang phổ trên tàu thăm dò để tìm hiểu kỹ hơn về thành phần trong bầu khí quyển của Dione”, tiến sĩ Sven Simon cho biết.

Hà Hương