- Nền công nghiệp điện hạt nhân ở “CHLB Đức đang có những bước đi dích dắc, phức tạp như sự phức tạp của nền chính trị ở đây”.

TIN LIÊN QUAN

Viết như vậy hai năm trước, mùa thu 2009, khi người viết bài này ngồi ở đất Đức có dịp theo dõi các động thái chính trường, thăm “hai nhà máy điện hạt nhân lớn nhất và cũ nhất” nước này là Biblis A và B, trao đổi với các nhà khoa học ở trung tâm hạt nhân nổi tiếng GSI…

Nhận xét đó đến hôm nay, ngay giữa mùa hè 2011, khi người viết bài này quay trở lại nước Đức, hình như vẫn chưa mất hết giá trị khi ngành điện hạt nhân Đức rơi vào một vận hạn mới, sau một tác động đầy bất ngờ từ bên ngoài, tai hoạ hạt nhân Fukushima gây bởi cơn động đất và sóng thần kinh hoàng lịch sử.

Gió chuyển làn… điện hạt nhân ấm lại

Nhà máy điện hạt nhân Biblis "lớn nhất và cũ nhất nước Đức" là đối tượng bị loại bỏ trong đợt đầu tiên ngay sau sự kiện Fukushima (Nhật Bản).

Hai năm trước, chính phủ nhiệm kỳ hai của bà Angela Merkel bắt đầu điều hành đất nước. Một liên minh trung hữu cầm quyền mới gồm ba đảng vốn “thân thiện” với điện hạt nhân gồm đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo, đảng Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria và đảng Dân chủ Tự do. Trong khi đó, trên đất nước đang còn hiệu lực một một đạo luật chống đối điện hạt nhân đưa ra từ năm 2002 bởi chính phủ tiền nhiệm của thủ tướng Gerhard Schroeder, theo đó, cho đến  2020 toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân sẽ đóng cửa và sẽ không xây dựng thêm một nhà máy mới nào nữa.

Trước nghịch lý này, một khả năng mới, tất nhiên, xuất hiện: đảo ngược đạo luật 2002 hoặc ít nhất mềm hoá và tiến đến vô hiệu hoá nó. Nền công nghiêp điện hạt nhân Đức, do đó, như được sưởi ấm lại.

Chính Thủ tướng Merkel công khai ý định ủng hộ kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân với lý do để đáp ứng nhu cầu gia tăng hàng năm điện năng nước Đức. Và còn một lý do không kém phần quan trọng nữa là việc sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ góp phần quan trọng đạt chỉ tiêu giảm khí hiệu ứng nhà kính mà cộng đồng châu Âu vừa đưa ra, một chủ trương mà chính thủ tướng Merkel đang phất cao ngọn cờ.

Có thể xem động thái trên là sự chuyển làn của ngọn gió hạt nhân Đức và ngành năng lượng hạt nhân nước này hy vọng có cơ may dần dần qua cơn bĩ cực.

Tuy vậy, trong một nền chính trị đa đảng, đa cực phức tạp ở nước này, những đợt sóng ngầm đang đón đợi trước mũi thuyền của chính phủ trung hữu và chực làm nghiêng ngã nó khi cơ hội đến.  

Thử thách đầu tiên mà chính phủ trung hữu gặp phải chính là cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5/2010 tại bang Baden – Württemberg. Ở đây, các đảng trong liên minh của Thủ tướng Merkel mất quyền lãnh đạo bang, mất luôn phiếu đại diện ở Thượng nghị viện sau 58 năm đứng vững ở bang này.

Thất bại này làm cho chính phủ Merkel không còn chiếm đa số ở thượng viện, đó là một rào cản đối với chủ trương quay trở lại điện hạt nhân, nếu một đạo luật bổ sung đưa ra thông qua chính thức ở thượng viện.

Nhưng ngày 6/9/2010, chính phủ Merkel vẫn đồng ý cho các các lò phản ứng cũ nhất được kéo dài hoạt động thêm trung bình 12 năm nữa. Cụ thể, theo Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Roettgen, các nhà máy điện hạt nhân cũ nhất sẽ tiếp tục hoạt động thêm 8 năm, các nhà máy mới hơn có thể hoạt động thêm 14 năm. Theo đó, dự tính lò phản ứng hạt nhân cuối cùng kéo dài phát điện đến khoảng những năm 2040. Quyết định đó chỉ đạt được sau cuộc thảo luận kéo dài 10 giờ liền giữa các nhà lãnh đạo cao cấp giữa nội bộ liên minh cầm quyền và việc có phải thông qua Thượng nghị viện hay không còn là vấn đề tranh cãi.

Gió đảo chiều… điện hạt nhân gặp hạn mới

Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel và cổng Brandenburg phân chia Đông Tây thành phố Berlin thời chiến tranh lạnh, bà đang chèo lái con thuyền điện hạt nhân theo một vòng quỹ đạo hình chữ U.

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc có những đắc điểm hay đặc thù riêng. Ở đất nước giàu có và công nghiệp phát triển đứng đầu châu Âu này, các tầng lớp dân chúng đều đòi hỏi rất cao về một môi trường sống trong lành và luôn nhạy cảm với vấn đề an toàn hạt nhân và an toàn phóng xạ, do đó, từ sau thảm hoạ Chernobyl, dư luận đã nghiêng về phía phản đối điện hạt nhân. Mặt khác, nước Đức từ nhiều năm nay đã tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, họ có tiềm lực lớn nhất châu Âu khả dĩ chống chọi trước tình thế bất khả kháng nếu phải từ bỏ điện hạt nhân.

Các đảng phái đối lập có vai trò nhất định tác động đến các yếu tố tâm lý dân chúng nói trên. Điều này giải thích hiện tượng nhiều cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp ở các thành phố lớn và thu hút đến hàng trăm ngàn người tham gia, đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân thật “quá đát”, chống xây dựng các “nghĩa địa” chôn cất chất thải phóng xạ… và ủng hộ khuynh hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Trong bối cảnh ấy, sự cố xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm hoạ động đất và sóng thần ở Nhật bản trở thành giọt nước tràn ly đối với nền công nghiệp điện hạt nhân nước Đức. Nó tác động tức thời đến sinh mệnh chính trị của chính phủ cầm quyền, là một trong những yếu tố dẫn đến thắng lợi lớn của đảng Xanh với lập trường chống hạt nhân trong các cuộc bầu cử địa phương.

Đến bước đường này, chính phủ Merkel dù có bảo lưu quan điểm của mình đi nữa cũng đủ khôn ngoan để phản ứng linh hoạt và nhanh chóng trước tình thế mới.

Ngay sau ngày 11/3/2011 đen tối, chính phủ Merkel ra lệnh đóng cửa trong thời hạn sớm nhất 7 nhà máy điện hạt nhân tuổi đời đã quá 32 năm. Tiếp theo, cuổi tháng 5/2011, đưa ra kế hoạch bất ngờ và đầy chấn động: nước Đức rút khỏi điện hạt nhân kể từ năm 2022. Và kế hoạch đó được Hạ nghị viện, sau đó đến Thượng nghị viện, ngày 8/7/2011 với đa số áp đảo biểu quyết thông qua đạo luật: Lò phản ứng cuối cùng sẽ ngừng hoạt động chậm nhất cuối năm 2021.

Như vậy, trong tổng số 17 lò năng lượng đang tồn tại, ngoài 7 lò vừa mới được lệnh đóng cửa hẳn vài tháng trước và 1 lò thứ tám sau nhiều trục trặc chắc cũng không tái khởi động nữa, 9 lò còn lại sẽ lần lượt chấm dứt hoạt động trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2021 khi đạt tuổi thọ quy định 32 năm.

Tháng 9/2010 chính phủ trung hữu của Angela Merkel huỷ bỏ lệnh loại trừ điện hạt nhân năm 2020 theo đạo luật từ 2002, tháng 7/2011 cũng chính phủ này lại ban hành lệnh chấm dứt hoạt động các nhà máy này trước cuối năm 2021. Rõ ràng, ngọn gió lại đảo chiều. Chính sách hạt nhân của chính phủ A. Merkel trong vài năm nay đi theo một lộ trình mà báo chí Đức gọi là hình chữ U. Và kết cục là số phận nền công nghiệp hạt nhân của nước này quay về vận hạn cũ định đoạt bởi đạo luật 2002 có từ thời thủ tướng trước Gerhard Schröder.

Con đường đi dích dắc và long vòng đó là hệ luỵ trực tiếp từ một số sự cố hạt nhân tồi tệ xảy ra trên thế giới, nhưng cũng không thể không là hậu quả của một chính trường đa đảng, đa cực phức tạp và sự mâu thuẫn sâu xa quyền lợi giữa các khuynh hướng khác nhau trong và cả giữa các siêu tập đoàn công nghiệp ở nước Đức.

Và cũng chính với bối cảnh phức tạp trên cùng những những ẩn số khác chưa lường định hết tiềm tàng trong bản thân các nguồn điện năng thay thế điện hạt nhân, liệu bản án mới nhất ngày 8/7/2011 của Thượng nghị viện Đức có thực sự đặt dấu chấm hết kỷ nguyên năng lượng nguyên tử ở nước này trong tương lai?

Trần Thanh Minh