- Theo thống kê sơ bộ từ nhiều trường THPT, đến hạn chót nhận hồ sơ dự thi đại học (ngày 16/4), các thí sinh năm nay vẫn “đổ xô” vào các trường kinh tế, kỹ thuật. Còn các ngành xã hội “thất sủng”, chỉ lèo tèo vài thí sinh đăng kí.


Theo thống kê trên Dantri, tại các trường THPT, lượng hồ sơ tập trung vào nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế. Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) thu nhận hơn 1.000 hồ sơ dự thi, có đến 45% dự thi vào các ngành kinh tế ở các trường như: ĐH Sài Gòn, ĐH Ngân hàng, ĐH Tài chính – Martketing. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) cũng có tỷ lệ dự thi vào khối ngành kinh tế chiếm 40%. Tương tự, ở trường Marie Curie (Q.3) học sinh vẫn chuộng khối A với nhóm ngành kinh tế. Trong số hơn 2000 hồ sơ đăng ký dự thi thì nhiều nhất là ngành Quản trị kinh doanh, kế đến là Tài chính ngân hàng, Kế toán.

Còn tại điểm thu nhận hồ sơ Cơ quan đại diện Bộ GD- ĐT tại TPHCM, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cho hay đã nhận được hơn 14.000 hồ sơ. Thống kê ban đầu cho thấy đông nhất là khối A, kế đến là khối D, trong đó các nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế.


Thí sinh đăng ký hồ sơ dự thi

Tại Hà Nội, các trường top trên như ĐH Kinh tế quốc dân, Bách Khoa HN, Công đoàn,... hút thí sinh. Trường THPT Đống Đa (Hà Nội), thầy Đỗ Mạnh Thành, phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ trên Tienphong: “Trường đã nhận được 1.690 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, các trường “hút” thí sinh nhiều là ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công đoàn.”

Thầy Thành cho biết, trong số hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi có 219 thí sinh đăng ký vào ĐH Công đoàn, ĐH Bách khoa Hà Nội: 111 hồ sơ; CĐ Sư phạm Hà Nội thí sinh đăng ký cũng đông.

Theo cán bộ thu hồ sơ của trường THPT Đống Đa (Hà Nội) Ngành tài chính- ngân hàng năm nào cũng đông thí sinh đăng ký dự thi, khối trường ngành kĩ thuật lúc nào cũng ít hơn. Năm ngoái, thí sinh đăng ký nhiều vào Học viện Ngân hàng nhưng năm nay thì chuyển sang trường ĐH Bách Khoa, Công đoàn nhiều hơn”.

Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường (TPHT Thăng Long) cho biết trong tổng số 2.281 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ thì các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương Mại, Học viện Ngân hàng... hút thí sinh.

Khối C: Có trường chỉ 5 hồ sơ
Trong khi khối Kinh tế “được mùa”, các ngành khối C lại trong tình cảnh “thất thu”.

Ghi nhận ở TP.HCM, điển hình như THPT Marie Curie có đến 2.427 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Nếu như khối D chiếm ưu thế với gần 600 hồ sơ, khối A 337 hồ sơ, thậm chí khối thi mới A1 cũng có đến 265 hồ sơ thì khối C chịu lép khi chỉ có 23 hồ sơ đăng ký.

Còn ở Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) với gần 1.000 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi thì chỉ có 5 hồ sơ thi vào khối C. Một giáo viên phụ trách tuyển sinh của trường này cũng chia sẻ thêm rằng có học sinh đạt giải quốc gia môn Sử hẳn hoi cũng từ chối dự thi khối C mà chọn dự thi bằng khối D để có nhiều cơ hội chọn lựa hơn.

Tương tự, các trường như THPT Quang Trung (Củ Chi), có 304 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 21 em đăng ký dự thi khối C; trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) chưa được 20 hồ sơ thi khối C trong tổng số gần 2000 hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ.

Thống kê tại Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) cho thấy khối A dẫn đầu với khoảng 45% trong tổng số hồ sơ, khối D khoảng 33% trong khi khối C chỉ có khoảng 10 hồ sơ. Toàn trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng chỉ có 10 hồ sơ đăng ký thi khối C.

Điều “đáng buồn” là theo khảo sát trên báo Lao động ở lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp và sư phạm vẫn rất ít HS chọn thi vào, chỉ có chưa đầy 60 bộ hồ sơ vào các trường sư phạm và tình hình “thê thảm” hơn đối với trường ĐH Nông lâm, chỉ có 5 hồ sơ...

Lý giải vì sao học sinh không đăng ký vào khối C, thầy Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng tình hình khối C ngày càng “thất thế” gắn liền với số lượng trường đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Thực tế là số trường ĐH, CĐ tuyển khối C lại không nhiều. Mặc dù nếu giỏi thì học khối C vẫn có việc làm lương rất cao, ví dụ các ngành như luật sư, báo chí... nhưng đầu vào các ngành này lại khá cao.

Theo tờ Sài Gòn Giải Phóng, trước thực trạng ngày càng ít thí sinh quan tâm đến các ngành khoa học xã hội, nhiều trường đã phải tìm cách cải thiện tình hình bằng cách linh động hơn trong việc thi, xét tuyển.

Cụ thể, mùa tuyển sinh ĐH- CĐ 2012, lượng các trường đào tạo khối ngành khoa học xã hội nhưng thi tuyển đầu vào khối A, thậm chí khối A1 bên cạnh khối thi truyền thống khá nhiều.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thông báo, với ngành Báo chí và ngành Ngôn ngữ học tuyển sinh thêm khối A; ngành Tâm lý học tuyển sinh thêm khối B. Nhiều ngành thuộc khối xã hội trường cũng đã tuyển bổ sung khối A từ mùa tuyển sinh trước như Chính trị học, Khoa học quản lý, Lưu trữ học, Nhân học, Thông tin học, Triết học, Xã hội học... Riêng sinh viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng được nhà trường ưu tiên trong đào tạo và được sự hỗ trợ thêm của cơ quan đại học Pháp ngữ; được xét cấp học bổng như sinh viên học chương trình đào tạo chất lượng cao và có cơ hội chuyển tiếp lên các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Pháp của trường.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tuyển sinh khối A các ngành Tâm lý học giáo dục, Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân. Trường ĐH Văn Lang tuyển thêm khối A1 ngành quan hệ công chúng. Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) tuyển khối A1 các ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, công tác xã hội bên cạnh khối C, D1...

Về cơ bản, việc điều chỉnh này sẽ giúp các trường mở rộng nguồn tuyển, tăng cơ hội tuyển sinh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những thí sinh giỏi các môn tự nhiên nhưng yêu thích các ngành học xã hội.

Bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Một trong những lỗi mà thí sinh mắc nhiều nhất trong ĐKDT là vào trường không tổ chức thi và các ngành, khoa không tổ chức thi. Ví dụ, một trong những trường khiến nhiều thí sinh Hà Nội khai nhầm là Viện ĐH Mở Hà Nội. Năm nay, trường này tổ chức xét tuyển khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn khi đăng ký dự thi. Theo quy định, nếu có nguyện vọng học tại các trường chỉ tổ chức xét tuyển thì thí sinh phải đăng ký thi nhờ tại một trường khác có tổ chức thi cùng khối thi. Nếu không kịp thời phát hiện lỗi này thì thí sinh sẽ mất cơ hội dự thi".

  • Thu Thảo (tổng hợp từ Dân trí, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Tiền Phong)