- Tranh luận về câu chuyện đưa trinh tiết và đề thi tuyển sinh của Trường ĐH FPT, nhiều giáo viên dạy Văn một số trường THPT chuyên người ủng hộ, người cho rằng...thô tục.


TIN BÀI LIÊN QUAN:

Thí sinh làm thi môn Văn, kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH FPT ngày 8/4/2012 (Ảnh do nhà trường cung cấp).

Đề lạ, vấn đề quen

Cô Văn Thị Mai giáo viên dạy Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng: “Đây là câu hỏi nghị luận xã hội bàn về vấn đề trong cuộc sống thông qua tác phẩm văn học trong nhà trường. Học sinh bây giờ chủ yếu thi gì học nấy. Ít nhiều các em sẽ bất ngờ trước đề bài trên.

Đề lạ mà lại quen. Câu hỏi đề cập đến một hiện tượng khá nổi cộm, bức xúc là lối sống thử của giới trẻ bây giờ và cho học sinh bàn luận để rút ra nhận thức. Tính thời sự và thiết thực là điểm dễ nhận ra ở đề này”.

Cùng quan điểm trên, đồng nghiệp cùng trường với cô Mai là giáo viên Nguyễn Thu Hòa bổ sung: “Đề bài bàn đến một vấn đề lâu nay vẫn được cho là nhạy cảm trong xã hội của người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên với các em lớp 12 điều đó không xa lạ. Hơn thế đó cũng là nhu cầu của các em”.

Cũng theo cô Hòa: “Lâu nay ở câu nghị luận xã hội, ít nhiều học không khơi được ý kiến thẳng thắn của học sinh. Từ chuyện lối sống vô cảm, lý tưởng sống là gì,...ít nhiều các em sẽ trình bày theo những gì đã được học (và phải như thế). Đối với câu hỏi này, học sinh chắc chắn sẽ bày tỏ suy nghĩ thật của bản thân hơn”.

Ngược quan điểm cho rằng đề thi không có sự thô tục, cô Trịnh Thu Tuyết (Trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) gay gắt: “Đưa một vấn đề liên quan đến rất nhiều những vấn nạn đau lòng không chỉ với tuổi thành niên mà cả vị thành niên ngày hôm nay vào một đề thi tuyển sinh thì thật khiên cưỡng. Sự định hướng không che giấu cùng những ngôn từ quá phản cảm đã khiến đề thi trở nên kỳ lạ"

Nhiều khác biêt

Trong khi giáo viên Văn Thị Mai ủng hộ đề thi hỏi về sự trinh tiết của Trường ĐH FPT thì người đồng nghiệp của cô cho rằng chỉ nên đưa vấn đề ra thảo luận hay trao đổi trên lớp, trong các buổi nói chuyện, tọa đàm.

Cụ thể, theo cô Tuyết: “Vấn đề nêu ra trong đề thi tuyển sinh của Trường ĐH FPT sau khi lược bỏ các ngôn từ, giọng điệu mang đậm tính định hướng sẽ rất hữu ích trong việc cung cấp kiến thức cho các em về giới tính, về sức khỏe sinh sản, về tình yêu và hôn nhân…khi đưa vào thảo luận trong các bộ môn phù hợp như giáo dục công dân, sinh học."

Tuy nhiên cô Nguyễn Thu Hòa cho rằng: “Sẽ rất khó cho người làm đáp án bởi học sinh sẽ có hai luồng quan điểm: hoặc theo truyền thống hoặc có suy nghĩ cởi mở. Đáp án không thể chung chung, ba phải. Cuối cùng phải có kết luận, rút ra bài học hay định hướng suy nghĩ cho các em cho đúng đắn.

"Đưa ra một vấn đề còn gây tranh cãi, nhiều ý kiến lại trong kỳ thi có quy mô lớn như vậy là không nên, không an toàn” - lời cô Hòa.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung giảng viên Trường ĐH Văn Lang bày tỏ:

“Tôi thích cách dẫn dắt của đề văn này. Từ một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người ra đề đã khéo léo dẫn dắt nó đi ra một vấn đề của xã hội hiện đại, có tính thời sự là việc “sống thử” của giới trẻ hiện nay”.

“Chính cách dẫn dắt này đã làm cho đề thi đảm bảo được 2 yếu tố: yếu tố văn học và thời sự; làm cho đề thi dù phản ánh một vấn đề ‘nóng’ của xã hội nhưng không hoàn toàn tách ra khỏi văn học, vẫn đảm bảo tính văn học của nó”, cô Dung phân tích. Cách ra đề theo hướng mở này là một cách kích thích tính sáng tạo của học sinh.

Học sinh khó trình bày trọn ý

Với đề thi này theo cô Mai, các em muốn làm tốt vừa phải có kiến thức văn học cộng với vốn sống thực tế cuộc sống.

Cô Hà phân tích: “Đây vẫn là cái khó. Học sinh nếu viết quá chi tiết, tỏ ra hiểu biết có thể thành thô tục hay từng trải. Ngược lại, nếu viết khéo léo có thể xem là giả dối”.

“Sống trong thời đại công nghệ thông tin, học sinh không thiếu thông tin, nhưng các em đã đủ chín chắn chưa để nhận thức và trình bày hiểu biết của mình trong một bài nghị luận theo những định hướng như trong đề thi tuyển sinh của ĐH FPT thì cũng khó nói” – cô Tuyết chia sẻ.

Hai cái khó được cô Tuyết chỉ ra: “Thứ nhất là nhận thức về đề - không phải thí sinh nào cũng nhận ra độ chênh giữa lời dẫn thơ Nguyễn Du thế kỉ XVIII với vấn đề được yêu cầu bàn luận của thế kỉ XXI, khi lời thơ xưa thấm đẫm chất nhân văn khẳng định phẩm giá trong sạch của người con gái không thể giữ gìn trinh tiết bởi sự chi phối khắc nghiệt của hoàn cảnh xã hội.

Còn vấn đề đặt ra hôm nay lại là người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?.

Thứ hai là nhận thức vấn đề nghị luận - qua một bộ phận không nhỏ các ý kiến ủng hộ đề thi, có thể thấy nhiều học sinh sẽ khó phân biệt sự khác nhau giữa việc giữ gìn phẩm giá (trong đó, trinh tiết chỉ là một biểu hiện) và việc trinh tiết có quan trọng hay không.

Đó cũng là việc phân biệt giữa thái độ trân trọng người yêu và tình yêu của những người con gái biết giữ gìn phẩm giá với thái độ ích kỉ tàn nhẫn của những người con trai coi trinh tiết là biểu hiện duy nhất của phẩm giá!”

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung (thủ khoa đầu ra, đầu vào khoa Ngữ văn, Trường ĐH KHXH và Nhân văn TP.HCM) tranh cãi về ngôn từ cho rằng “cái màng trinh” trong đề thi quá ‘thô tục’, không phù hợp với lúa tuổi học sinh là không đúng vì bản thân các em đều đã học qua môn Giải phẫu sinh lý người ngay từ lớp 8. Những thuật ngữ sinh học ấy có gì là thô tục?.

Học sinh lớp 12 đều là những em đã bước vào tuổi 18, như vậy đề thi không những hợp lý mà còn cần thiết đối với các em. Ở đề thi này đòi hỏi lập luận của HS không chỉ là sự phát triển tư duy mà cả sự hiểu biết của các em về các vấn đề xã hội, giúp các em có cách nhìn nhận về các vấn đề xã hội đang diễn ra quanh mình - từ đó liên tục phát triển các quan điểm của mình theo hướng tốt hơn.

  • Trần Hải
  • Văn Chung - Bình Trọng