- Để có tấm vé vào trường THPT mong muốn, cả học sinh (HS) lẫn phụ huynh tại TP.HCM và Hà Nội đều ra sức tăng tốc ôn luyện. Cuộc chiến vào lớp 10 cũng vì thế mà căng thẳng và “nóng” không kém gì thi ĐH.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

HS thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 2011 tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi. (Ảnh: Trần Hải)

TP.HCM: “Cuộc chiến” vào trường chuyên

Một ngày của Quốc Anh, HS Trường THCS Trần Phú (Q.10), bắt đầu bằng 5 tiết học tại trường. Về đến nhà 12 giờ trưa, em chỉ kịp ăn trưa để 13 giờ, em lại tiếp tục đạp xe đến nhà giáo viên ở quận Tân Bình học lại những môn chưa nắm chắc.

18 giờ, Quốc Anh tiếp tục có mặt ở Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Lý Tự Trọng để củng cố môn chuyên. Về đến nhà đã 21 giờ, Quốc Anh ăn uống qua loa rồi bắt đầu ôn tập tại nhà để chuẩn bị cho buổi lên lớp sáng mai. Một ngày như mọi ngày, cậu học trò lớp 9 phải chạy đua với việc luyện thi chuẩn bị vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Trường hợp như Quốc Anh không phải là cá biệt mà đây đang là hoàn cảnh chung của hầu hết những HS lớp 9 tại TP.HCM đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển lớp 10 sắp tới. Theo lý giải của các bậc phụ huynh, học ở trường chuyên thì tỉ lệ trúng tuyển ĐH hầu như là chắc chắn.

Chị Mai Vân (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Mấy đứa lớn đều học Nguyễn Thượng Hiền nên bé út nhà tôi cũng bắt buộc phải thi đậu vào trường đó”. “Ngoài việc tìm các thầy cô uy tín cho cháu luyện thi, cả hai vợ chồng tôi còn làm áp lực nếu không đậu vào trường đó thì… đừng nhìn mặt bố mẹ”, chị Vân kể.

Với anh Minh Tuấn (Q.5) thì: “Thằng con tôi bắt buộc phải đậu vào chuyên Lê Hồng Phong, nếu không thì sẽ có chuyện vì tôi đã tạo điều kiện hết sức để cháu ôn luyện cả hơn năm nay rồi”. Lý do mà anh Tuấn buộc con phải đậu vì anh đã từng là cựu học sinh Lê Hồng Phong, ra trường và thành đạt như bây giờ. “Nếu con không đậu trường này thì xấu hổ với bạn bè lắm!”, anh Tuấn giải thích.

Thầy N, hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập, cho biết: “Dù chúng tôi có cơ sở vật chất tốt (phòng học máy lạnh, sân chơi, bể bơi - PV), giáo viên cũng được mời từ các trường THPT uy tín, thậm chí là giảng viên ĐH về giảng dạy nhưng nguồn tuyển sinh chủ yếu của trường vẫn là từ các tỉnh. HS của TP.HCM thì rất ít, trên dưới 10%”.

“Nói đến trường chúng tôi không chất lượng là không đúng vì tỉ lệ tốt nghiệp THPT của chúng tôi vẫn đạt 100%, tỉ lệ đỗ ĐH cũng rất cao nhưng dường như với phụ huynh thành phố thì “chuột chạy cùng sào mới vào… trường top dưới”, ông chua chát.

Hà Nội: Hướng con vào lớp tốt, trường thường

Khác với TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều phụ huynh tại Hà Nội thay vì ép con “chạy đua” vào các trường top trên đã chuyển hướng sang chọn lớp tốt, trường thường vì đây là… “lối rẽ an toàn”.

Với quan điểm “thi vào trường nào không quan trọng, quan trọng là con học như thế nào”, chị Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội), cho con tự chọn trường mà mình cảm thấy phù hợp và luyện thi ở các lớp uy tín để đỗ với điểm số cao.

“Chỉ cần cháu học trường bình thường, nhưng điểm số cao để vào lớp tốt là được. Dù sao học chính vẫn là phụ, học thêm mới là chính, còn “trèo cao” tôi sợ sẽ “ngã đau”, chị Hương bộc bạch.

Sau nhiều ngày tham khảo ý kiến những phụ huynh đi trước, tìm hiểu kỹ lưỡng điểm tuyển sinh các trường so với lực học của con. Chị Phương Anh (Ba Đình, Hà Nội) lo lắng: “Con mình học không đều các môn. Toán học tốt nhưng môn Văn thì nhập nhằng, học thêm mãi vẫn chỉ tàng tàng 6, 7 điểm. Do vậy, mình đăng kí nguyện vọng 1 cho con vào trường Phạm Hồng Thái, nguyện vọng 2 vào Tây Hồ, không biết thế nào?”

“Mình nghĩ chọn trường đúng với khả năng của con sẽ tốt hơn là kì vọng vào cái gì đó xa vời, khi kết quả không như mong muốn sẽ thất vọng!”, chị Phương Anh, chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay đa số phụ huynh có xu hướng “né” trường top trên, đăng kí hồ sơ vào các trường bình thường nhưng gần nhà bởi theo nhiều người, con học gần nhà sẽ thuận tiện cho việc học tập, tham gia các hoạt động ở trường, còn về chất lượng cũng không chênh lệch nhiều, chủ yếu do ý thức và sức học của con, nếu học tốt, được vào lớp chọn thì chất lượng cũng không kém trường chuyên.

“Con tôi năm nay cũng thi vào 10, tôi cho con đăng ký trường Nhân Chính. Về điểm chuẩn thì năm vừa rồi Nhân Chính cũng chỉ kém Yên Hòa 0,5 -1 điểm. Tôi cũng khuyến khích con thi vào cả Lương Thế Vinh nữa vì trường này cũng gần nhà, nhưng vẫn cân nhắc nguyện vọng 2 cho phù hợp vì chuyện thi cử không thể lường trước được. Nếu trường bình thường, điểm cao con vẫn được ưu tiên vào lớp chọn, đó cũng là một lợi thế”, một phụ huynh chia sẻ trên diễn đàn webtretho.

Học thêm lớp chất lượng cao

Không chỉ căng thẳng vì phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định nộp hồ sơ vào các trường dự tuyển, nhiều phụ huynh còn đau đầu tìm lớp tốt, chọn thầy giỏi để “gửi” con.

Chị Thanh Vân (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Thông tin về các lớp ôn vào 10 nhan nhản trên mạng, địa chỉ của các thầy cô “nổi tiếng” về môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Vật Lý tôi cũng có cả một danh sách dài, nhưng phải tìm hiểu mãi mới cho cháu theo học vì có nhiều người giỏi nhưng dạy chưa chắc đã hay”.

Rục rịch đăng kí lớp học thêm chất lượng cao cho con từ hè năm ngoái, thấy sức học của con tiến bộ rõ rệt, điểm thi thử hai vòng đều đạt, chị Mai Lan (Tây Hồ, Hà Nội ) phấn khởi: “Từ khi học ôn ở lớp này, con tôi được rèn từ kỹ năng trình bày đến phương pháp làm bài nên ít khi bị trừ điểm do sai sót nhỏ. Cháu cũng được cọ xát với nhiều bộ đề nên giải tỏa một phần áp lực về tâm lý. Quan điểm của tôi không cần phải học trường điểm nhưng nhất định lớp học thêm phải là lớp tốt vì mục đích cuối cùng vẫn là đỗ ĐH."

Với chị Như Quỳnh (Q.5, TP.HCM) thì: “Gia đình nhắm cho cháu học chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên cháu đã được ôn tập tại Việt Mỹ cả năm nay rồi. Giờ tôi cho cháu luyện lớp cấp tốc và môn chuyên ngay tại trường này luôn cho chắc ăn”.

Để đảm bảo một chỗ học như mong muốn cho con, nhiều phụ huynh đã chấp nhận chi vài triệu đồng cho tiền học phí luyện thi hàng tháng. Chưa kể, chỉ tính riêng khóa luyện thi cấp tốc ngắn ngủi 1 tháng, chị Quỳnh chấp nhận tốn gần 1,5 triệu đồng đóng học phí cho con. Đó là chưa kể, khi con “chạy sô” từ trường về nhà, rồi đến trung tâm luyện thi thì bố mẹ cũng bầm dập với lịch đưa rước con.

  • Trần Hải - Thu Thảo