- Ngày 3/4, một số sinh viên đã và đang học tập tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội quyết định gửi đơn lên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận Bức xúc vì một số yêu cầu chưa được trả lời hay đưa phương án giải quyết chính thức.

Sinh viên bức xúc

Ngày 3/4, 8 sinh viên đã và đang theo học tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội (sau này xin gọi tắt là Raffles HN) đã quyết định ký vào lá đơn gửi lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kêu cứu.

Đơn cũng đồng kính gửi các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, UBND Tp. Hà Nội; Sở GD&ĐT Tp. Hà Nội; Sở LĐTB&XH Tp. Hà Nội; Cục A 83, Bộ Công an; Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT.

Lá đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với chữ ký của 8 SV đã và đang theo học tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles tại Hà Nội

Nội dung lá đơn nhắc lại những sai phạm của Raffles bị phát hiện hồi trung tuần tháng 1/2012. Từ cuộc họp bất thường với phụ huynh và sinh viên ngày 21/3/2012 cho đến nay những sinh viên này cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ Raffles Hà Nội.

Cụ thể, buổi họp bất thường ngày 21/3, Raffles Hà Nội có cam kết trả lời các câu hỏi của phụ huynh và sinh viên trước ngày 30/3 với những nội dung: Trung tâm có mức bồi thường như thế nào với sinh viên do họ phá vỡ hợp đồng (không tính vào mức phải hoàn trả 100% học phí); SV tốt nghiệp đã được nhận bằng nhưng không được Bộ GD-ĐT công nhận. Họ yêu cầu Raffles Hà Nội trả lại tiền học phí hoặc bằng cấp của họ phải được Bộ GD-ĐT công nhận tại VN.

Đáng chú ý trong 3 đề nghị được các sinh viên nêu trong lá đơn: Đề nghị Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành có thẩm quyền liên quan đến việc quản lý đạo tạo có những biện pháp yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp sinh viên để đảm bảo quyền lợi cho từng cá nhân.

Cụ thể là: Biện pháp giải quyết đối với những sinh viên đã hoàn thành khóa học và được nhận bằng; Biện pháp giải quyết đối với những sinh viên hiện vẫn đang trong chương trình học

Đề nghị Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành có thẩm quyền liên quan đến việc quản lý đạo tạo nhận trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết, khắc phục hậu quả cho người bị hại trong việc quản lý chất lượng giáo dục còn lỏng lẻo, còn nhiều thiếu sót dẫn đến việc Raffles Hà Nội hoạt động đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam đã hơn 5 năm, gây nên tổn thất và thiệt hại cho gần 1000 sinh viên là công dân Việt Nam.

Raffles nói gì?

Trước đó, ngày 30/3 thông qua người đại diện của Raffles Hà Nội bà Đỗ Thị Trà My VietNamNet đã nhận được hồi đáp bằng email được ghi là lãnh đạo Raffles tại Việt Nam.

Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles tại Hà Nội

Nội dung chính được của phần trả lời này tập trung vào khẳng định chất lượng và bằng cấp quốc tế của Raffles VN.

Theo Raffles VN cho đến nay họ đã giúp hơn 600 sinh viên có cơ hội học tập tại các trường đại học nước ngoài. Trong số này, 248 trường hợp đã được giải quyết hoàn học phí. Ngoài ra, khoảng hơn 200 sinh viên còn lại vẫn còn đang băn khoăn giữa 2 lựa chọn trên.

Trước những bức xúc của nhiều SV liên quan đến việc bằng cấp không được công nhận tại VN, Raffles VN cho biết: “Đối với những sinh viên muốn được cấp Chứng chỉ RCHE hoặc Bằng RCDC do Chính quyền Việt Nam công nhận, Raffles VN sẵn sàng hỗ trợ trong khâu làm thủ tục”.

Hai câu hỏi về việc Raffles có tính đến mức bồi thường như thế nào cho sinh viên do phá vỡ hợp đồng (không tính vào mức phải hoàn trả 100% học phí); việc SV tốt nghiệp và đã được nhận bằng nhưng không được Bộ GD-ĐT VN công nhận nên yêu cầu trả lại tiền học phí cho họ không được Raffles VN nhắc tới trong phần trả lời với PV.

Raffles cũng từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc duy trì hoạt động của tòa nhà 108 Tôn Đức Thắng Hà Nội (được biết chi phí hoạt động lên đến gần 1 tỷ đồng/tháng). Khi được hỏi về phản ứng ra sao nếu phụ huynh và sinh viên quyết định đưa vấn đề ra pháp luật, câu trả lời của Raffles vẫn chỉ là im lặng.

Theo kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT công bố cuối năm 2011, Raffles Việt Nam không được phép tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc tuyển sinh đào tạo ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Việc Raffles Việt Nam tuyển 396 học viên để đào tạo cấp độ 1, 2 và 3 (cấp độ 1 với 218 học viên, cấp độ 2 là 119 học viên và cấp độ 3 là 59 học viên) là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Văn Chung