- Hôm nay, tôi bị đưa vào danh sách dôi dư, trường chúng tôi có 4 trường hợp: 2 văn, 2 toán. Nhiều câu hỏi bức xúc được đưa ra, nhưng không có câu trả lời. Có chăng, đó chỉ là những câu động viên nửa chừng của ban giám hiệu: "Người ta chỉ lấy danh sách hình thức thôi mà” hoặc “Quyết định này từ trên tỉnh đưa xuống, chúng ta chỉ biết thực hiện”.


Vì sao chúng tôi bị đưa vào danh sách dôi dư? Vì đơn giản một lí do (như quyết định) chúng tôi trẻ, thâm niên ít?

Mặc kệ chúng tôi là một thế hệ được đào tạo bài bản, chính quy?

Mặc kệ chúng tôi là những người cô, người thầy có năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề?

Mặc kệ con cái chúng tôi đều đang dưới 36 tháng tuổi?

Mặc kệ đồng nghiệp tôi cứ một tháng lại phải đưa con đi Hà Nội 1 lần để kiểm tra sức khoẻ? (Vì con cô ấy vừa mới trải qua một cuộc đại phẫu giành giật lại sự sống từ bàn tay tử thần)

Đâu là chính sách vì con người? Chúng tôi là ai giữa cuộc đời này?

Sau lưng chúng tôi là niềm đam mê khát khao tuổi trẻ được đứng trên bục giảng, được truyền đạt những hiểu biết của mình cho một thế hệ nối tiếp….

Hỡi những thầy cô đã dạy chúng tôi sẽ nghĩ gì khi chúng tôi xuống dạy tiểu học? Bốn năm trong trường đại học có phải là cuộc dạo chơi phù du của tuổi trẻ? Những gì chúng tôi được học là để dạy một môn, giờ cho chúng tôi xuống dạy tiểu học, chúng tôi dạy gì cho các em?

Hỡi những thầy cô hiện giờ đang là giảng viên khoa tiểu học của các trường sư phạm, chúng tôi sẽ dạy gì khi xuống dạy tiểu học đây các thầy?

Có phải chăng bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin rồi cho nên không cần dạy các em viết chữ, học vần, làm toán, hay múa hát, vẽ, thể dục nữa?

Đâu là chính sách vì con người? Chúng tôi là ai giữa cuộc đời này?

Tại sao lại đào tạo chúng tôi? Tại sao lại tuyển dụng chúng tôi? Chúng tôi là ai, có phải chăng cũng chỉ là “con sâu, cái kiến”, phận dân thường “thấp cổ bé họng”, là những người “đứng mũi chịu sào” trước mỗi lần cơ chế chính sách có sự biến  động?

Mọi thứ đều như vỡ vụn trước mắt chúng tôi, bao nhiêu dự định mơ ước gửi gắm vào lớp học trò đang giảng dạy bỗng chốc tan như bong bóng xà phòng. Trước mặt chúng tôi sự nghiệp sẽ như thế nào? Gia đình tôi sẽ ra sao? Mọi người xung quanh tôi nhìn nhận việc này như thế nào? (Họ sẽ nghĩ do chúng tôi dốt, không vững chuyên môn nên mới bị như thế!)

Hàng ngàn câu hỏi như xoáy vào tâm can tôi? Chúng tôi hỏi cũng chỉ để mà hỏi? Tìm đâu ra câu trả lời? Sự đời sao lắm nỗi trớ trêu?

Ngồi trên đống lửa

Hai vợ chồng chúng tôi như ngồi trên đống lửa, tìm đủ mọi cách để cố “chạy vạy” xem tình hình hình có biến chuyển gì không. Thông tin nhiều chiều, lúc động lúc tĩnh, không biết phải tin ai, không biết rồi mình sẽ đi về đâu?

Chiều nay, khi xem chương trình thời sự, được truyền hình trực tiếp, UBND tỉnh họp, chủ tịch huyện của chúng tôi có phát biểu, sẽ chuyển những trường hợp dôi dư xuống tiểu học, giáo viên bộ môn văn xuống dạy tiếng Việt; bộ môn toán xuống dạy toán, thể dục; bộ môn âm nhạc, mĩ thuật, thể dục xuống dạy âm nhạc, mĩ thuật, thể dục…  Và chủ tịch huyện của chúng tôi còn chốt lại một câu: ”Chúng tôi sẽ làm mạnh như thế đấy!”.

Có lẽ ai nghe câu nói ấy cũng bủn rủn chân tay! Tiết dạy hôm đó của tôi không biết đã trôi qua như thế nào, tôi phải xin lỗi học sinh để ra ngoài lau nước mắt, khi các em biết chuyện cô giáo phải chuyển đi thì có nhiều em đã oà lên khóc, làm tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi cũng đã khóc trước các em, khóc ngon lành như một đứa trẻ, điều mà từ trước tới nay chưa có bao giờ!

Chúng tôi cũng là con người, chúng tôi có ước mơ, có niềm đam mê, khả năng khi chọn ngành chọn nghề. Bốn năm học đại học, chỉ mong mỏi sau này ra trường, được truyền đạt những gì mình đã được học cho các em sao mà cũng khó khăn?

Vậy bây giờ chuyển chúng tôi xuống cấp tiểu học chúng tôi sẽ dạy học trò như thế nào đây? Đối tượng khác, phương pháp khác, kiến thức khác, thử hỏi chúng tôi có dạy nổi không? Đào tạo chúng tôi một đường, sao lại sử dụng chúng tôi một nẻo? Sao lại đào tạo chúng tôi (chúng tôi là chỉ tiêu của tỉnh, sư phạm chính quy) sao lại tuyển dụng chúng tôi, giờ sao lại sử dụng chúng tôi một cách tuỳ tiện như vậy?

Cấp tiểu học là vô cùng quan trọng, giáo viên đứng lớp đồng thời phải dạy được một số môn, đó là những bước đi đầu tiên cho con đường học vấn và đạo đức của các em, rèn cho các em từng nét chữ, từng con số… Chúng tôi sẽ dạy các em như thế nào đây? Ai cũng nói giáo dục Việt Nam đang còn nhiều bất cập, phải chăng đây là một bất cập mà các cấp lãnh đạo cố tình bỏ qua?

Chỉ tăng cường mấy tháng

Dư luận lắng xuống một thời gian, chúng tôi nghĩ có lẽ là chúng tôi không phải thuyên chuyển, bởi việc luân chuyển giáo viên như thế có nhiều vấn đề bất cập. Chúng tôi đã cân bằng được tâm lí, cố gắng làm tốt mọi công việc được giao, cô vui, trò vui, giờ học thêm phần phấn chấn.

Đùng một cái 06/02/2012, chúng tôi có quyết định đi tăng cường các trường tiểu học. Mặc dù cầm quyết định chỉ là  tăng cường có mấy tháng, từ 06/02/2012 cho đến 31/05/2012 nhưng lòng chúng tôi đều nặng trĩu, ra đi liệu có ngày trở về? Còn có quyết định nào sau quyết định này nữa không? Bước chân ra đi vô cùng nặng nề, cô khóc, trò khóc, cô vẫn cố an ủi các em: năm học mới cô lại về dạy các em thôi mà! Có lẽ Amixi sống lại nhìn thấy cảnh này ông cũng rơi nước mắt!

'Tôi là kẻ có tội mất rồi'

Chúng tôi nhận công tác, một tuần cho việc dự giờ thăm lớp tại trường sở tại để học tập phương pháp giảng dạy mới, nhưng chưa hết một tuần chúng tôi đã trực tiếp đúng lớp vì giáo viên nghỉ ốm.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Buổi đầu tiên lên lớp với bao bỡ ngỡ, chúng tôi đã đi được một đoạn đường (12 năm) giờ bị ném quay lai vạch xuất phát, lại bước đi những bước đầu tiên nhưng không sao lấy lại được cảm xúc của 12 năm về trước. Giờ đây, trước mắt chúng tôi vẫn là bảng đen phấn trắng, vẫn là ánh mắt ngây thơ của lũ học trò nhưng đâu rồi lòng nhiệt huyết, đam mê? Đứng trước những câu hỏi của học trò tôi cảm thấy ngượng:

-Con thưa cô, có cần viết thứ ngày không ạ?
-Con thưa cô, viết lùi vào mấy ô ạ?
-Con thưa cô, cô phải viết to lên ạ!
-Con thưa cô, cô viết chữ t gì đấy ạ? Cô viết đầu bài không đúng ạ, phải viết hết lên bảng… Cô phải cho từng bạn đọc một ạ...
-Cô ơi, môn này các con không phải học ạ!

Đứng trước các em vô hình dung tôi trở thành học trò, các em chỉ tôi phải dạy như thế nào, tôi trở thành người quản lí các em làm viẹc mà thôi.

Dạy một chữ mà trong vòng một tiết tôi cũng phải nắm nót sao cho đúng như sách giáo khoa nhưng vẫn nghe các em thì thầm bên dưới cô giáo viết xấu quá! Tôi thấy buồn và có lỗi, nhưng những gì chúng tôi được học thì “không có đất dụng võ”, những gì chúng tôi phải dạy thì chúng tôi chưa từng được học qua. Tôi là kẻ có tội mất rồi, tôi đang làm hư một thế hệ học trò đây thôi. Ai giúp được tôi? Ai giúp được nền giáo dục Việt Nam?

  • Ngọc Viên