- "Ở trường về, Bống hả hê nói rằng không chỉ nó, mà cả lớp nó đã vui vẻ từ chối quà chiều – bánh bông lan. Bống cho hay sau khi lớp phát hiện được sự “quá đát”, cô giáo đã không biết bỏ đống bánh đi đâu...." Một phụ huynh bàng hoàng khi xem nhật kí "tuyệt thực" của con đang học lớp 2.

Ảnh minh hoạ: Quà vặt và đồ uống có ga đã bị cấm tại nhiều trường công ở nhiều nước.

Đống bánh “vô chủ”

Cuối tuần trước ở trường về, Bống hả hê nói rằng không chỉ nó, mà cả lớp nó đã vui vẻ từ chối quà chiều – bánh bông lan. Nó viết trong nhật ký: “Hôm nay (16/3) lớp (2A) ăn quà chiều gồm toàn chất hoá học, (ngoài) bột mỳ, trứng gà… (còn có) chất nhũ hoá mono – digliceride (471), poliglycerolester, xamthan gum (419), chất bảo quản màu thực phẩm tổng hợp, chất tạo xốp, chất giữ ẩm. Nhưng may là nó hết hạn sử dụng nên (chúng em) không phải ăn”.

Bống cho hay sau khi lớp phát hiện được sự “quá đát”, cô giáo đã không biết bỏ đống bánh đi đâu. Khi tôi hỏi, Bống không chắc cô sẽ phản ảnh việc này tới những ai phải chịu trách nhiệm.

Tôi không thể giấu những thành kiến về các thể loại ga tô, từng nhiều năm là cửa tiêu thụ cho các loại bơ, sữa, mác ga rin… quá hạn. Càng thấy tên tiếng Tây hoành tráng và những thứ bánh trông sành điệu, càng nhiều nghi ngại. Về chủ đề này đầy ắp những phàn nàn đủ loại, đủ thứ tiếng về các thứ bánh tây ở Việt Nam. Chúng là kết tinh sáng ngời của sự tuỳ tiện về chuẩn mực và giá cả, gần như là “đặc sản” Việt. Một anh bạn Tây, gọi tắt là Sam, từng là chuyên gia giúp Việt Nam lập cổng thông tin đầu tiên, vừa cho rằng không đâu bánh pizza dở và đắt như ở Hà Nội… Thực phẩm ở các nước không hề lý tưởng, nhưng việc kiểm tra chất lượng thường không là chuyện Trùm Sò khám Thị Hến.

Cô bảo..."kệ"

Trước đó, Bống đã kể về những chuyện, như ăn trưa bằng bún riêu, tới nửa lớp đau bụng. Sau khi nghe báo cáo theo ngành dọc, cô bảo “kệ”.

Kiếm tìm các giải pháp dinh dưỡng “lành hơn”, tôi nhớ về món ưa thích thời còn bé là sữa đậu nành. Hôm nay nó được rót khi còn nóng vào các bao nilon, rồi lấy chun buộc lại, làm tôi không dám mua cho mình và gia đình. Vì còn nhớ, khi đi sơ tán các đây gần nửa thế kỷ, bọn trẻ được cả gia đình và nhà trường dặn đi dặn lại: không được đổ nước nóng vào bi đông nhựa, uống sẽ bị ung thư.

Khi tôi dè dặt hỏi, liệu sữa đậu nành nóng có thể rót vào một bình thuỷ tinh chẳng hạn, bà bán hàng nhìn tôi có vẻ thương hại. Còn một cô mua hàng cùng thì nguýt, nói đổng: “Ở đâu ra cái thứ đàn ông nhỏ nhen, vặt vãnh…”

Quảng cáo “sữa bò tươi” Việt Nam mới, với bầy bò nhảy tung tăng, hát bài 100%, dễ gây phản cảm với ai từng ngậm đắng với lịch sử “sữa tươi” nước nhà. Thành phần sữa đề trên bao bì vẫn tiết kiệm thông tin. Có không, một tổ chức độc lập đưa ra những đánh giá chuyên môn khách quan, xác nhận những điều doanh nghiệp đang nói về sản phẩm của mình là đáng tin. Nhất là khi ta để thứ “sữa tươi” này lên men tự nhiên, thành sản phẩm sữa chua nhiều dinh dưỡng và dễ tiêu hơn, nhưng hay nhận được một thứ mùi… thum thủm. May mà khí hậu Việt Nam nóng ẩm, để còn đổ lỗi. Có phụ huynh từng bình quảng cáo sữa tươi của Vinamilk: “Than ôi, cái xứ sở trăm phần trăm”!

Ảnh minh hoạ: Quảng cáo “hùng hổ” không bằng minh bạch quy trình sản xuất

Từ ăn hương hoa đến… ăn liền

Một số phụ huynh thì thào về mạng lưới Divutoho (dịch vụ) trùm lên các trường học hôm nay. Rằng áo thể thao in tên trường chỉ lần giặt đầu tiên là thôi ra mọi đồ cùng giặt… Rằng đồ ăn thì không qua kiểm soát gì về chất lượng, còn tệ cả một thời “ăn sư, ở phạm”.

Tôi thì có những ký ức không tồi về “ngày xưa”. Làm sao không hoài cổ, khi nhớ rằng bếp ăn tập thể, dù nay bị bêu riếu, vẫn thực hiện quy định lưu thức ăn của bữa trước đề phòng trường hợp ngộ độc tập thể, dễ quy trách nhiệm. Ngoài bảng tài chính công khai, các nhân viên y tế tại chỗ còn nắn nót viết bảng thống kê về lượng mỡ, đường, muối… và con số calo mà mỗi người báo cơm nhận được hàng ngày.

Nay ai đó vẫn rủ rê phụ huynh làm “con ngựa thành Troy” hạng ruồi, kiểu như rủ lớp con đi pích ních, để đãi gia đình cô một bữa “giữa làng”, phụ huynh chủ trì được nhà hàng phong bao riêng, theo bài chơi 3 lợi ích – 4 lợi dụng. Các chiêu tiếp thị không kể đâu cho hết, chắc để rèn luyện khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng, kể cả còn đang học lớp 2, theo một kiểu chủng đậu vô tổ chức.

Cứ liều nhắm mắt đưa chân?

Thầy cô chủ nhiệm phát cho cháu những tờ giấy kê đầy đủ các trách nhiệm của phụ huynh: mua A, sắm B, mang theo C, theo điệu: nay sưu, mai thuế trưng cầu… nộp cho trường, lớp, hoặc đơn giản là nhắn tin. Chức trách của trường, của thầy cô thì phụ huynh không thật rõ. “Kêu lắm thế thì đưa cháu bà sang trường khác đi”, thày Hiệu trưởng bảo bà nội. “Mất bao nhiêu tiền mới vào được, bây giờ đi đâu”. Đi họp phụ huynh, có nơi "tình nguyện" nhắm mắt nộp tiền cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, được báo chí phong là cánh tay nối dài của sự lạm thu trong trường. Bộ với Trường “êm ấm” trong quan hệ ngầm “trên bảo - dưới không nghe”, các chỉ thị chấn chỉnh như được phát hành trên mặt trăng, cho chú Cuội độc quyền sử dụng.

Ở nhiều trường điểm, học sinh ăn trưa ngay trên bàn học, dĩ nhiên là không rửa tay. Ngộ độc thực phẩm hàng loạt chỉ được ghi nhận khi có nhiều ca cấp cứu.

Hôm nay là lúc con nhà giàu cũng có thể nhận được chẩn đoán của bác sĩ là “thiếu vitamin”, thậm chí thiếu “dinh dưỡng”. Ngày càng phổ biến những ca “còi xương thể bụ”, như gương phản chiếu cái sự nuôi dưỡng trẻ thời fastfood.

Đưa con đi học ở nhiều trường giống như cam phận biến con mình thành một thứ “con tin”. Yên lặng “chín bỏ làm mười” của phụ huynh, về chuyện con chúng ta ăn học bán trú ra sao, đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với “lợi ích trăm năm”.

  • Thành Lê