- Họ là nhà văn hóa thực hành, người cảnh báo đoạn tuyệt với văn hóa độc canh, người dẫn đường tận tụy, người tái khám phá tâm hồn dân tộc, người giúp Việt Nam hiểu lịch sử từ nguyên sơ hay và nhà sử học dấn thân.


Đây là những gương mặt nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 5. Giải thưởng này khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam, thế giới.

Giải thưởng đặt theo tên của nhà văn hóa Phan Châu Trinh, người có chủ trương xây dựng từng cá nhân tự chủ, đến toàn dân tộc ý thức tự chủ hay ông gọi là tự trị bằng con đường chắt lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Trăm năm đã đi qua, nhưng tư tưởng Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí trong thế giới đang chuyển động bão táp ngày nay, càng trở nên cập nhật, cấp thiết hơn.

Những hình ảnh trong lễ trao giải sáng nay, 24/3 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, hậu duệ của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, trao giải thưởng cho 6 cá nhân 

Dịch giả Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1944) nhận giải Dịch thuật với dịch phẩm Đối thoại Socratic 1, Plato. Ông được đào tạo về Xã hội học và Thông tin thư viện tại Paris, nguyên là Quản đốc Thư viện ĐH Paris VIII (1970-2007), và phụ trách giảng dạy Khoa học thông tin ở trường này năm 1975-1995.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Nguyễn Văn Khoa khẳng định mạnh mẽ cần đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc canh, với lo sợ nơm nớp mất bản sắc khi hội nhập, và những mộng mị khư khư bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…, bởi vì, theo anh, bản sắc văn hóa không phải là một hằng số, nó là một biến số lịch sử, được định nghĩa không phải bằng cái đồng nhất và cố định mà bằng cái chuyển biến, không đơn sắc mà tồn tại, bừng nở và chỉ có thể bừng nở bằng “sự tỏa sáng đan chéo của các nền văn hóa”.


Giải Nghiên cứu được trao cho ông Trần Văn Khê (sinh năm 1921 tại Mỹ Tho, Tiền Giang) nhờ những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và quảng bá Âm nhạc dân tộc trong hơn 50 năm
Nhà văn Nguyên Ngọc: GS Trần Văn Khê đã tái khám phá nền âm nhạc ấy dưới ánh sáng của âm nhạc học hiện đại, khiến cho nó vừa độc đáo bản địa lại vừa có thể trở thành một bè đậm đà trong hòa âm chúng của nhân quần rộng lớn
 Điểm đặc biệt nổi bật của Trần Văn Khê là ông hết sức đặc sắc Việt Nam trong môi trường âm nhạc quốc tế, lại quốc tế trong cái nhìn và cách xử lý vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ở ông, truyền thống và hiện đại không đối lập. Vấn đề không phải là khư khư giữ chặt một cái gì đó được coi là bản sắc truyền thống bất biến, mà lạ tạo nên bản sắc hiện đại bằng tất cả bản lĩnh được tích lũy lâu dài để đứng vững và phát triển hôm nay.

Ông Nguyễn Sự (sinh năm 1957 tại Hội An), Bí thư thành phố Hội An nhận giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục nhờ những đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn Hội An
Nhà văn Nguyên Ngọc: Có một tiếng nói đáp lời anh Khoa, từ một phía gần như là đối cực, không phải trên đỉnh cao hàn lâm mà là từ đời sống sinh động hằng ngay, của anh Nguyễn Sự, bí thư Hội An, mà chúng tôi muốn gọi là một nhà văn hóa thực hành...

Trong giải thường năm nay, qua Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Sự,một lần nữa muốn gửi đến xã hội thông điệp về một triết lý về hội nhập và văn hóa, văn hóa trong hội nhập, rất cần thiết hôm nay.

Những ngôi nhà cổ là di sản thì rất dễ bị tổn thương trong va chạm với hiện đại. Con người sống thật mà là di sản thì càng dễ bị tổn thương hơn. Bài toán văn hóa của Nguyễn Sự mấy mươi năm nay ở Hội An là vậy. Và anh đã giải nó thành công....

Đúng như lời Nguyễn Văn Khoa nhắc lại Paul Ricceur: sinh ra và bừng nở bằng “sự tỏa sáng đan chéo của các nền văn hóa”. Hội An là một khám phá về hội nhập, và Nguyễn Sự là nhà văn hóa của khám phá đẹp đẽ ấy.


PGS Nguyễn Thạch Giang (sinh năm 1928 tại Nghệ An) nhận giải Nghiên cứu vì những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Hán - Nôm. Ông nguyên là PGS Văn học Hán Nôm thuộc Khoa Tiếng Việt (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Nhà văn Nguyên Ngọc: Sự nghiệp đồ sộ mà âm thầm của học giả Nguyễn Thạch Giang suốt nửa thế kỷ qua đã tạo nên cả một mảng nghiên cứu lớn và sâu sắc về văn học Hán Nôm trong di sản văn học Việt Nam, vừa tập trung vào những đỉnh cao như nghiên cứu, giới thiệu, chú giải Truyện Kiều của Nguyễn Du (gồm đến 10 quyển), vừa tỏa ra trên những xây dựng có tính nền tảng như bộ Từ ngữ và điển cố văn học Việt Nam (cũng gồm đến 10 quyển), hoặc tác phẩm Nghiên cứu chữ Nôm – Những nền tảng ban đầu… nhằm dọn đường cho những người sau đi tìm lại cha ông.

Nguyễn Thạch Giang là một người dọn đường tận tụy và đầy trách nhiệm, không chỉ để rọi ánh sáng mới về phía sau, mà soi rọi mở đường cả về phía trước, như ông từng tâm sự: “Nghiên cứu văn bản cổ là một khía cạnh nhìn lại quá khứ để định hướng cho tương lai – chân trời bao la của lòng tin, tình thương, và tiến bộ”.
Ông Alain Ruscio (sinh năm 1947) nhận giải Việt Nam học từ những nghiên cứu về Đông Dương thuộc địa và cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương. Ông là nhà sử học, tiến sĩ văn học, nhà nghiên cứu độc lập. Ông cũng là người lãnh đạo Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam đương đại.

Nhà văn Nguyên Ngọc:
Rất nhiều người Việt Nam đều biết, trong suốt nhiều năm dài, đặc biệt trong những thời kỳ gian khó nhất của đất nước này, Alain Ruscio là người bạn chiến đấu chung thủy. Ông là một nhà sử học dấn thân, theo định hướng kiên định về một đề tài tập trung, như tự gọi là “tầm nhìn thuộc địa”. Một tầm nhìn có thể soi sáng rất nhiều vấn đề lớn trong thời đại chúng ta.

Suốt 25 năm qua, Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam đương đại do ông sáng lập và lãnh đạo đã là nơi sưu tập, sắp xếp và cung cấp cho độc giả khắp thế giới một khối lượng tài liệu phong phú và đáng tin cậy đến từ hầu như tất cả các nguồn. Đấy cũng là một mặt trận khác, đầy hiệu lực, trong cuộc chiến đấu lâu dài và dũng cảm của ông vì Việt Nam mà ông yêu mến.

 Ông Pavel Pozner (sinh năm 1945 tại Mỹ, trở về Nga năm 1952) nhận giải Việt Nam học. Ông là một trong số ít các chuyên gia về Việt Nam tại Viện Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Nhà văn Nguyên Ngọc: Nhà sử học Pavel Vladimirovich Pozner, người vốn đã có thể trở thành một nghệ sĩ say mê và tài năng như thân phụ ông, cuối cùng lại đến với Việt Nam học và sử học Việt Nam qua những quanh co đầy tình cờ mà cứ như là có duyên số tiền định.

Và trong lịch sử Việt Nam thì hướng chọn tập trung của ông lại thật đáng suy nghĩ: tác phẩm sử học đầu tiên là bộ Việt Nam cổ đại; tác phẩm tiếp theo là Lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến trung đại sơ kỳ; chen giữa là công trình có tính công cụ quan trọng Vấn đề chép sử biên niên Việt Nam, nguyên bản và ảnh hưởng ngoại lai.

Ông muốn hiểu, và giúp chúng ta hiểu Việt Nam từ nguyên sơ, trong những giai đoạn khởi đầu hình thành dân tộc, cũng là quyết định nhất trong hình thành tính cách dân tộc; và là hiểu thật chính xác bằng kiểm định nghiêm khắc các tư liệu và cách ghi chép theo lối biên niên của các tư liệu xưa.

Rồi lại tiếp một công trình đồ sộ, đào sâu hơn vào vấn đề đã được tập trung quan tâm: dịch, giới thiệu, chú giải bộ Khâm định Việt sử cương mục, Phần đầu, Tiền biên, và từ quyển 1 đến 5, xuất bản song ngữ Hán và Nga.

Ông đang được Viện Hàn lâm khoa học và Viện Đông phương học Nga giao nhiệm vụ đứng đầu công trình bao quát trọn vẹn toàn bộ Lịch sử Việt Nam, gồm 6 tập.

Có mặt trong khán phòng của buổi lễ sáng nay có cả GS Hồ Ngọc Đại, người nhận giải thưởng Phan Châu Trinh về giáo dục năm đầu tiên (2007)

Dịch giả - nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cũng kịp bay từ TP.HCM ra Hà Nội và có mặt trong lễ trao giải. Là người uyên bác, biết thành thạo nhiều thứ tiếng (Hy Lạp, Đức, Anh, Pháp, Hoa); một bộ óc khổng lồ về tri thức triết học, ông đã dịch và hiệu đính nhiều tác phẩm triết học và khoa học xã hội. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khoảng 15 tác phẩm do ông dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính… được giới học thuật và bạn đánh giá cao.

Pano lớn giới thiệu gương mặt được giải những năm trước
GS Trần Văn Khê và PGS Nguyễn Thạch Giang


  24/3 năm nay là kỷ niệm 86 năm ngày mất của Phan Châu Trinh. "Một lần nữa, chúng ta lại có dịp tôn vinh Tinh thần khai sáng của ông với tư tưởng Duy Tân" - bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch quỹ phát biểu trong diễn văn khai mạc.
  • Hạ Anh (Ghi)
    Ảnh: Minh Thăng