- Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, dự thảo lần này nửa công nhận dạy thêm là một nghề của các nhà giáo, nhưng nửa không muốn công nhận vì trong xã hội nhu cầu dạy thêm, học thêm (DTHT) là có, không thể cấm. Mâu thuẫn này đã không được Bộ giải quyết bằng quan điểm rõ ràng mà chỉ nặng về khâu quản lý hình thức.
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Một lớp luyện thi đại học tại TP.HCM. Ảnh: Trần Hải.

Không quản được thì… “cấm”

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thiết thực của dự thảo quy định về việc dạy thêm học thêm mà Bộ GD -ĐT vừa đưa ra hồi tháng 2 vừa rồi.

Theo nhận định của nhiều người làm giáo dục, dự thảo lần này nửa công nhận dạy thêm là một nghề của các nhà giáo, nhưng nửa không muốn công nhận vì trong xã hội nhu cầu dạy thêm, học thêm (DTHT) là có, không thể cấm. Mâu thuẫn này đã không được Bộ giải quyết bằng quan điểm rõ ràng mà chỉ nặng về khâu quản lý hình thức.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội, bộc bạch: “Tôi thấy hết sức buồn cười với những quy định trong dự thảo về DTHT lần này”.

Theo ông, phụ huynh cho con học thêm hiện nay chủ yếu là vì sợ con không theo kịp chương trình; thậm chí ngay cả những em  đó cũng muốn đi học thêm để nâng cao kiến thức.

"Tất nhiên, khi đó HS sẽ chọn GV giỏi để học. Vậy thì có lý nào lại bắt những GV giỏi đó không được dạy thêm tại nhà?”.

GS Cương không cấm giáo viên trường mình dạy thêm. Ông chỉ ra quy định GV không được dạy thêm cho chính những HS mà GV đó đứng lớp để hạn chế tình trạng dạy không hết kiến thức ở lớp, để dành cho lớp học thêm.

Đồng quan điểm, thầy N.H, giáo viên một trường THPT chuyên tại TP.HCM, bức xúc: “Trong khi nhiều ngành nghề khác, cán bộ, công nhân viên ngoài giờ hành chính được phép hành nghề tư nhân để kiếm thêm thu nhập. Tại sao thầy, cô giáo chúng tôi lại không được sống bằng chính nghề của mình. Chúng tôi cũng phải lao động cật lực mới kiếm được đồng tiền, và chúng tôi tự hào về điều đó, tại sao cấm?”.

Ở góc độ khác, cô Trần Thị Tuyết, một GV đã về hưu hiện đang mở các lớp dạy thêm với hơn 70 HS tại nhà, bộc bạch: “Tại sao  cứ phải đưa ra những quy định như học sinh giỏi 5 năm liền mới ‘đủ điều kiện’ được học một trường cấp 2 nào đó; hoặc để tham dự một kỳ thi hay lãnh học bổng này nọ thì phải đạt điều kiện học giỏi 3-5 năm liền… Chính những quy định này đã buộc phụ huynh phải cho con em học thêm và học thêm cũng nhờ đó mà được “xã hội hóa” rất cao”.

Cốt lõi vẫn là cải cách chương trình

Nếu như các văn bản trước đây là “cấm” DTHT, thì dự thảo quy định DTHT lần này là bàn biện pháp quản lý như thế nào cho hiệu quả.

Như vậy, có thể nói, Bộ GD-ĐT đã mặc nhiên công nhận hoạt động dạy thêm được công khai tồn tại. Tuy vậy, để quản lý việc DTHT sao cho hiệu quả lại là vấn đề không hề dễ dàng.

Một cán bộ ngành GD-ĐT TP.HCM, bày tỏ: “Cái mà xã hội phản đối bấy lâu nay chính là những hệ lụy tiêu cực từ việc DTHT. Chẳng hạn như việc GV chỉ giảng dạy sơ sài kiến thức ở lớp, sau đó về nhà dạy thêm sẽ giảng kỹ hơn; hoặc GV ra bài kiểm tra… “na ná” giống bài tập ở lớp học thêm. Nếu giải quyết được gốc rễ những vấn đề này thì việc DTHT sẽ chẳng đáng lo”.

Với GS Văn Như Cương, thì: “Bản thân việc DTHT chẳng có lỗi gì cả. Đó phải được xem như một nghề chân chính và nên có một hành lang pháp lý chỉ đạo, hướng dẫn những quy chế chuyên môn thống nhất từ trên xuống đến cơ sở. Có như vậy mới có thể quản lý được việc DTHT chặt chẽ".

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người làm giáo dục thì  gốc rễ của vấn đề DTHT vẫn tồn tại theo một chiều hướng khá tiêu cực là do áp lực từ nội dung chương trình. Cụ thể do chương trình không khoa học, nội dung giảng dạy không sát thực tế khiến nhiều HS học trên lớp không hiểu nên phải đi học thêm mới hiểu bài.

Dự thảo này ưu ái giáo viên nào?

Dự thảo dạy thêm học thêm cũng bộc lộ nhiều vấn đề hết sức “vô lý”. Chẳng hạn, dự thảo quy định: “Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường”.

Như vậy, theo quy định mới, chỉ có những giáo viên… mới ra trường, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập mới được cấp phép dạy thêm! Còn những giáo viên đã có kinh nghiệm lâu năm, nhận được sự tín nhiệm của nhiều phụ huynh và học sinh thì không được phép dạy thêm tại nhà.

Thầy P, một giáo viên luyện thi khá nổi tiếng tại TP.HCM, bộc bạch: “Theo quy định này, chúng tôi phải xin nghỉ ở nơi công tác nếu tiếp tục muốn tiếp tục dạy thêm. Thật khó để có thể quyết định bởi chỉ còn vài năm nữa là về hưu, hơn nữa, ngày càng có nhiều HS và phụ huynh đến gửi gắm con em mình, bây giờ bỏ ngang sao đặng?”.

  • Trần Hải

Cô Nguyễn Thị Mỹ Trinh: (Q.1, TP.HCM): Việc HS phải làm đơn xin được học thêm đã có từ mấy năm nay rồi, đâu phải mới. Cái mới ở đây là theo quy định của dự thảo, HS và phụ huynh phải làm đơn “theo mẫu” có sẵn kèm theo những cam kết như quy định và nộp cho đơn vị quản lý thay vì nộp cho chính thầy cô giáo.  
Điều này cũng giống như có thêm một gánh nặng “thủ tục hành chính” được… “quàng” vào các bậc phụ huynh mà thôi; trong khí đó, bản chất của việc DTHT là không thay đổi.
Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3): Dự thảo lần này quy định việc không được dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình và phụ đạo học sinh yếu kém.
Vậy đâu là ranh giới giữa việc dạy thêm và việc nhận quản lý học sinh theo yêu cầu của phụ huynh? Học sinh trình độ thế nào mới được gọi là yếu kém để được “cấp phép”… đi học thêm? Việc kiểm soát giữa dạy thêm và giữ học sinh sẽ theo quy định nào?..., những vấn đề này không thấy Bộ GD-ĐT đề cập trong dự thảo.