- Hôm thứ năm tuần rồi, cô giáo nói với một số bạn học giỏi trong lớp 2A, rằng cần phải làm gì đó cho hoạt động sinh hoạt dưới cờ. Năm bạn nữ túm tụm lại vào giờ ra chơi, một bạn chữ đẹp mê hồn chấp bút, còn bốn bạn kia ứng khẩu thành thơ.


Học sinh lớp 3 một trường quốc tế ngoài giờ học

Bạn Mai Linh học giỏi toàn diện, “phát bóng” (kick – off), như bật mí về thành tựu của mình, có vẻ sẽ là định mệnh:


Kim mài từ sắt mà ra
Thành người tài giỏi là nhờ siêng năng


Hoàng Nhung học giỏi cả Toán lẫn tiếng Việt, nhưng vẽ thì hơi kém. Xông tới tương lai, bạn Nhung nhắc nhở về một chân lý hôm nay có phần mờ nhạt: “Nét chữ - nết người”. Nhung ngâm nga:


Viết chữ rèn luyện thật hăng
Là tạo thành nết chồi măng cho đời

Bạn Hoài Như giỏi Toán, vẽ, âm nhạc, thủ công, thể dục, chỉ có tiếng Việt hơi kém hơn chút (9 điểm), làm cho khí thế hơi chùng đi một chút. Đôi câu thơ của bạn Như như “ăn theo” Hoàng Nhung, và có phần hơi gượng:


Đẹp chữ đẹp cả nết người
Nét chữ thể hiện, thân mời cùng thi

 
Thu Nguyệt cũng giỏi toàn diện, nhưng thể dục có hơi kém, thủ công, ngược lại, rất khá. Bạn Nguyệt gói gém tất cả những gì ở trên của các bạn: cần mẫn, hăng say luyện rèn, vào câu kết. Nhưng khi Hoài Như chỉ chào mời, Nguyệt thể hiện rõ hơn tinh thần ganh đua, ước muốn nổi tiếng, thành đạt. Trong cuộc sống là người thích đọc, ưa quan sát, thích “câu hỏi khó. Nguyệt kết:


Tranh tài đua sức ghi danh
Luyện rèn chăm chỉ có ngày thành công.
 

“Thi pháp” của bài thơ về đề tài vở sạch - chữ đẹp

Tác giả bài viết làm một thử nghiệm, là đọc bài thơ trên cho một số tao nhân mặc khách, và học giả, và xin phép họ ghi nhận lại cảm nghĩ của họ. Các nhà phê bình này không chú ý lắm tới chi tiết bài thơ là “lập công tập thể”.


Bà Minh Hà, cựu biên tập viên trưởng của một nhà xuất bản:


“Thơ của bọn học lớp 5. Ngang phè phè. Tục ngữ ca dao không dạy, cứ nhồi những thứ như ‘bánh đúc’ vào đầu con trẻ”.


Bà Như Nguyện, tốt nghiệp văn học ở Liên Xô, hiện là giám đốc một công ty du học;


Trình độ cấp I. Chẳng ra thơ, cũng chẳng ra ca dao. Ngang như cua bò. Đặt tên là bài ‘Vịnh cái Kim’.

Bà Giáng Vân, thi sĩ, thư ký toà soạn một tờ báo:


“Của ‘bọn’ lớp 7, lớp 8. Thơ báo tường. Chả gây cảm tưởng gì”.


Quang Phương, nhà báo trẻ mặc áo lính:


“Trình độ lớp 3. Đề tài đúng hướng rồi. Thơ của trẻ con phải mộc mạc, nhưng có ý tưởng như thế là được. Đưa báo thiếu niên, nhi đồng chắc chắn họ đăng ngay”.
 

Ông Duy Hiệp, giảng viên đại học, tiến sĩ văn học:


“Bốn câu đầu đã gây ngay cảm tưởng là thơ người lớn, của các cụ ở Phường. Có vẻ hô khẩu hiệu hơn là làm thơ. Bài thơ có thể hiện ý đắn đo, rào đón. Đừng biến trẻ thành cây si con trong chậu cảnh, hãy để chúng tự nhiên. Nhưng cũng không nên săm soi quá từng câu thơ của chúng”…


Sách dạy trẻ con, vỡ đầu người lớn. Tranh báo Cá sấu, Liên Xô
  • Thành Lê

* Tên của các em nhỏ trong bài đã thay đổi.

*********************************************
BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ