- Dù muốn phát triển, nâng tầm chất lượng nhưng các trường ngoài công lập lại đứng trước nhiều khó khăn, bất cập theo kiểu trói chân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Sáng 29/2, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam”.

Tiết trời Thủ đô khá lạnh còn không khí buổi hội thảo lại nóng ran bởi gần 20 tham luận, phát biểu liên quan đến những bất cập “biết rồi khổ lắm nói mãi” của khối các trường học ngoài công lập, tập trung vào các trường ĐH.

Không tập trung vào cái đã làm được, cuộc hội thảo vừa diễn ra sáng 29/2 tập trung vào những bất cập, yếu kém, nguyên nhân,..từ đó đề xuất việc đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập tại Việt Nam

Bị trói chân

Tham luận của GS.TSKH Đặng Ứng Vận, ĐH Hòa Bình và TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã chỉ ra 4 thách thức lớn với khối các trường ngoài công lập.

Thứ nhất là nhận thức của xã hội và các cấp quản lí chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ về vai trò và tính chất của các trường ngoài công lập. Cụ thể, đó là sự chưa thống nhất trong các văn bản, quy định của Chính phủ và Bộ GD-ĐT.

Hai ông chỉ ra: “Luật Giáo dục năm 2005 và  luật Giáo dục sửa đổi, Dự thảo mới nhất về Luật Giáo dục ĐH đều khẳng định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Tuy nhiên, ở cả 3 văn bản là các quyết định số: 14/2005, 61/2009, 63/2011 của TTg Chính phủ về tổ chức và hoạt động tư thục đều mang đậm nét bản chất vì lợi nhuận”.

Bất cập lại nảy sinh khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển ĐH dân lập sang ĐH tư thục dẫn tới tình trạng một số trường bị tuột khỏi tay số đông người thực sự có công lớn trong việc thành lập và xây dựng, để rơi vào những nhà đầu tư có tiền.

Thậm chí 4 mâu thuẫn tiềm ẩn có thể sẵn sàng bộc phát trong các trường vì có lợi nhuận khi có cơ hội cũng đã được nêu ra, cụ thể: giữa vai trò và quyền lợi của nhà đầu tư và Hội đồng sáng lập; Quỹ hiến tặng và tương lai của các trường ngoài công lập; Quyền lợi giữa nhà đầu tư và người lao động; mâu thuẫn giữa nhà đầu tư mà đại diện là Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng về phương thức điều hành nhà trường về xây dựng đội ngũ và nhiều vấn đề khác.

Việc đáp ứng đủ diện tích đất đai/sinh viên, tiền lương trả cho giảng viên của các trường ngoài công lập càng khó khăn khi không thể tăng mức học phí cũng được chỉ ra.

Thêm vào đó, mùa tuyển sinh ĐH ngoài cập thường thất thế trong cuộc cạnh tranh không cân sức để hút thí sinh khi ĐH công lập “vợt” hết cả các em có điểm sàn vào trường. Căng thẳng càng thêm quyết liệt khi hệ thống các ĐH liên tục được mở rộng.

GS. Hoàng Xuân Sính, ĐH Thăng Long bổ sung 2 khó khăn: ngân sách dành cho sinh viên mỗi năm quá ít ỏi đến mức phi lý, việc khoanh vùng các trường ĐH ngoài công lập chưa hợp lý.

Không phân biệt công tư

Theo GS Sính thì: “Nhà nước tới bây giờ, ngoài quy chế ban hành và giấy phép cho mở trường thì tuyệt nhiên chưa có hỗ trợ gì khác. Điều này dễ hiểu vì ta cho ra đời mô hình này vì có khó khăn về tài chính cho các trường công. Lý luận như vậy còn phiến diện.

Để đầu tư cho giáo dục có hiệu quả, ta hãy làm như nhiều quốc gia đang làm: đầu tư cho trường nào tốt, hoạt động có hiệu quả, dù nó là công hay tư. Thái độ hiện nay giống như với doanh nghiệp: DN nhà nước làm ăn không có hiệu quả, nhưng nhà nước vẫn ra sức đổ tiền vào để nó tồn tại”.
 
“Chấp nhận thị trường giáo dục như là một thực tế khách quan để biết cách tận dụng ưu điểm, khắc phục nhược điểm của cơ chế thị trường” là một trong những giải pháp được hai ông Đặng Ứng Vận và Lê Viết Khuyến đưa ra.

Các tham luận trong hội thảo cũng mong muốn Nhà nước cần làm rõ khái niệm cơ sở giáo dục đào tạo vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Lấy ví dụ từ mô hình ĐH Harvard (Mỹ), PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng: “Những cơ sở giáo dục đào tạo không vì lợi nhuận vẫn có khả năng thu về lợi luận và thặng dư được giữ lại với mục đích đầu tư phát triển và tiếp tục cung cấp các chương trình và dịch vụ”.

Và “không khó để kiểm tra tính nghiêm túc trong chi phí của các trường thông qua kiểm toán” - GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến, ĐH Kinh doanh-công nghệ Hà Nội nêu ý kiến.

Cũng theo ông: “Trước hết, Nhà nước cần có định hướng rõ ràng trong sử dụng nhân lực trong một số ngành, những ngành mang tính nghiệp vụ thì ưu tiên tuyển người có trình độ cao đẳng, không nhất thiết yêu cầu trình độ đại học tràn lan đối với các ngành”.

Trong 5 giải pháp được cho là chiến lược do GS. Trần Hồng Quân đưa ra, đáng chú ý là chuyện: “Không né tránh mà phải giải quyết triệt để bài toán tài chính của GD ĐH. Phải tư duy thoát khỏi vòng rào ngân sách Nhà nước…Nguồn tài chính còn có từ các nhà đầu tư tư nhân mà ta chưa khuyến khích và tận dụng khai thác, ngược lại còn giữ định kiến kỳ thị, còn làm khó dễ.

Tài trợ của nhà nước mang tính phúc lợi giáo dục và tín dụng ưu đãi cho sinh viên thì không phân biệt trường công hay tư. Chế độ tiền lương. Cần xóa bỏ cơ chế chủ quản, xin cho. Điều chỉnh xu thế tăng cương quản lý tập trung xuất hiện trong những năm gần đây”.

Tiếp thu những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Có những điều phát sinh từ thực tế nhưng vẫn chưa được đưa vào luật. Bộ sẽ lắng nghe để sắp tới có những điều chỉnh hợp lí hơn. Quan điểm của Bộ là không có sự phân biệt công – tư”.

  • Văn Chung