- Đầu xuân vừa qua, cư dân mạng ở cả trong ngoài nước bị sốc vì những bức ảnh các “đao phủ” trảm lợn để cho đám đông dùng tiền thấm máu lợn để lấy khước… “Tục lệ” này “tái xuất” gần đây tại một làng quê ở xứ Kinh Bắc nổi tiếng văn minh, thanh lịch.

Tranh dân gian Đông Hồ vẽ lợn

Vào đầu tháng 2, trong không khí ngày xuân rộn ràng phấn khởi, tôi chợt nhận được một thư điện tử không mang nội dung chúc tụng từ bà con, bạn bè. Andrea Ng, tác giả về văn hoá Việt và châu Á, khá nổi tiếng không chỉ trong cộng đồng Việt kiều, cùng một người bạn Mỹ gốc Á khác cùng hỏi về một lễ hội “độc đáo”, một nét văn hoá “đặc sắc” (chữ dùng của một báo dành cho tuổi thanh xuân), đến từ một làng quê thuộc huyện có tên thơ mộng là Tiên Du, vốn thuộc đất Kinh Bắc, vốn nổi tiếng tinh hoa cả trong sách báo tiếng nước ngoài.

Các nguồn tiếng Anh của báo này, theo các đồng bào nói trên ở nước ngoài của ta, đến từ Reuters, Asian.net, và vnn.news
Đọc những tin này và một số phản hồi khá mãnh liệt ở dưới, bà con ở hải ngoại chúng ta vẫn nửa tin, nửa ngờ.

Vì thế một số trong họ hỏi tôi, và số lượng thư điện tử trao đổi giữa chúng tôi nay lên tới 5, 6 thư từ mỗi phía.

Hiểu rằng chuyện này gây sốc cho một số lượng nhất định người dùng ở bên kia đại dương, tôi cẩn thận đọc các tin từ phía Việt Nam để tóm lược, rồi gửi sang cho Andrea, qua đó tới các bạn Việt kiều (và Mỹ) có quan tâm.

Đến lượt mình, nếu có thể, chắc chắn họ sẽ cố đọc các tin tiếng Việt một lần nữa, để suy ngẫm và để viết.

Vì một “phong tục” như thế, chắc chắn đã gây rung chấn trên cả bề mặt và dưới những “tầng ngầm”của nhận thức ở nước ngoài về Việt Nam, nên các tác gia về văn hoá Việt sẽ phải tìm cách hoá giải sao đó... Nhất là khi, theo nhận định của các viện quan sát truyền thông, Việt Nam gần như “tàng hình” trên các kênh truyền thông quốc tế lớn trong năm Mèo vừa qua…

Bản thân tôi, một kẻ viết lách “đá gà đá vịt” trên một số tờ báo chịu đăng những bài không mấy “hot” cho rộng đường dư luận, cũng bị sốc. Đó là sốc về cách đưa tin của một số đồng nghiệp về (xin nói thẳng) hủ tục này. Cái văn phong “mạ kền”, viết gì cũng ngợi ca… vốn luôn là một thứ… gối bông. Chê nó nhẽo, nhưng ai mà chả muốn dựa vào nó (!).

Nhưng vấn đề là vì sao Tây họ lại dị ứng khá ngầm, nhưng mạnh thế nhỉ, với “tục chém lợn”, có vẻ như vừa “đội mồ” sống dậy. Ngay cả Andrea cũng biết (qua ông thân sinh) rằng phong tục này đã thất truyền (như nhiều tục lệ khác như “gọt đầu bôi vôi”, chẳng hạn).
Nhưng cũng không dễ, cả cho những người cao tuổi từng sinh ra ở Việt Nam ở bên Âu  - Mỹ, cắt nghĩa được là tục trảm lợn, hay chọi trâu, nay lại quay trở lại…

Vì sao Tây “ngán”?

Một trong những câu trả lời đến từ một cậu trai Việt từng học ở Moskva, Nga. Vào khoảng cuối những năm 90, có một học sinh Nga cùng lớp với cậu trai Việt này đem đến lớp một con thú cưng, được khối đứa bạn phát ghen.

Nhìn kỹ, cậu trai Việt phát hiện ra đây chính là lợn ỉ (ỉn Bắc Bộ). Cậu bạn người Nga, con một đại gia cũng xác nhận rằng đây chính là lợn Tonkin, rằng ở phương Tây đang rộ mốt nuôi những con lợn con xinh xắn (cute - chữ dùng của nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng Adam Goldfarb nói về loại lợn này).
Hình ảnh chú lợn dễ thương được nhiều người nuôi ở cùng

Nhân chuyện đó, tôi chợt nhớ bà chị tôi ở Canada về chơi cách đây mấy năm kể rằng ở Bắc Mỹ và lân cận có “phong trào” (craze – ham mê phát cuồng) nuôi lợn có nguồn gốc từ Việt Nam (Pot-bellied pig - lợn bụng phệ).

Nhiều người phương Tây rất thích vẻ rầu rĩ ngồ ngộ của nó. Lợn ỉn Bắc Bộ còn được người nuôi vật cảnh xem là dễ thương, thông minh, sạch sẽ, có thể huấn luyện để làm một số trò xiếc “dễ”, như nhảy qua những “xà đơn” thấp.

Nhiều vị “ỉn” thường xuyên ngủ với chủ. Một số phụ huynh “nhờ” Ỉn giúp vào việc giáo dục con cái thói quen biết chăm sóc, nuôi nấng, tắm gội (Ỉn thư dãn rất tốt khi được tắm vòi hoa sen…), biết trang điểm (cho Ỉn như một thứ búp bê sống) để đi dự các hội thi thú cưng…
"Bạn lợn ỉn' của nhiều trẻ em

Các chuyên gia xã hội học cũng khuyến cáo một số giống lợn “bụng phệ” có thể mau chóng trở thành “bà Trư thị Ỉn mình tròn cối xay”, khiến chủ, nhất là các em nhỏ xa rời chúng vì không đủ sức chăm sóc.

Kết quả là nhà chức trách gặp khó khăn trong việc tìm “nhà mới” cho các chú lợn “quá cân”, phải gia nhập vào hàng ngũ các chó mèo hoang do Chương trình Thú nuôi gặp hiểm hoạ (Pets At Risk) phụ trách.


Còn nhớ khi nghe chị tôi kể chuyện, một bà dì vốn là tiến sĩ sinh học cho hay lợn ỉn Bắc Bộ đang chúng sắp tuyệt diệt vì “đem lại lợi ích kinh tế thấp”.

Đối lại với nhận xét “phàm phu” của tôi là, hoá ra vì sao hôm nay thịt lợn ăn không ngon, vị chuyên gia sinh vật nghĩ rằng thú thích nuôi vật cưng của người Tây đã giữ cho hậu thế Việt một sinh vật sắp được đưa vào Sách Đỏ.

  • Lê Đỗ Huy