- Ngày 18/1, Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở tọa đàm bàn hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều chuyện tiếp tục được xới lên, trong đó có câu chuyện nóng về đào tạo tiến sĩ với đề xuất với Bộ được đầu tư thỏa đáng như 322…

Những so sánh về mức chênh lệch khổng lồ trong đầu tư đào tạo tiến sĩ trong nước và đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài (đề án 322) được PGS.TS Hoàng Văn Cường, Viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH của trường Kinh tế Quốc dân đưa ra.

Theo ông Cường, mức đầu tư ít ỏi cho công tác đào tạo tiến sĩ trong nước ít ỏi khiến cho chất lượng đào tạo cũng rất hạn chế. Ông Cường so sánh, với những trường đang theo chế độ tự chủ như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chi phí cho đào tạo tiến sĩ phải tự lo và chủ yếu do nghiên cứu sinh đóng góp nên mức kinh phí đầu tư rất thấp. Trong khi đó, đầu tư cho một tiến sĩ 322 ở nước ngoài, tính ra có thể lên đến hơn 1 tỷ/một người.

“Nếu đào tạo tiến sĩ trong nước cũng được đầu tư mức kinh phí tương đương thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sau một thời gian ngắn, khoảng 5 năm, chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước không thua kém nghiên cứu sinh nước ngoài. NCS sẽ đạt chất lượng quốc tế, sẽ có đủ khả năng viết bài báo quốc tế, và quan trọng nhất là chất lượng đào tạo của trường được nâng lên.”- PGS.TS Hoàng Văn Cường lạc quan.

Do vậy, một trong những kiến nghị quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH của ĐHKTQD với lãnh đạo Bộ GD-ĐT là "khi triển khai đề án 911 (Đề án đào tạo giảng viên  có trình độ tiến sĩ), cần cho đào tạo tiến sĩ trong nước có đầu tư thỏa đáng để nâng cao chất lượng và taọ cơ hội cho các trường vươn lên.”

Hiện tại, theo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, có nhiều vướng mắc trong quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không tạo cho trường sự linh hoạt. ĐH Kinh tế Quốc dân góp ý với Bộ, việc yêu cầu đào tạo thạc sĩ tập trung tại cơ sở đào tạo đang đi ngược lại với sự nghiệp đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo ông Cường, nhu cầu học tại chỗ kết hợp học và làm của người học ở các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty…rất lớn. Vì vậy, rất nên phát triển hình thức đào tạo thạc sĩ theo địa chỉ.

Tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ (Tiếng Anh) phải đạt bậc B1 theo khung chuẩn Châu Âu của đào tạo thạc sĩ cũng được đánh giá là không thực tế với nhiều vùng dùng rất ít đến ngoại ngữ, gây nên tình trạng giả tạo, hình thức. Với nhiều kiến nghị về các mặt tự chủ tài chính, tự xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, vấn đề tại chức...ĐH Kinh tế Quốc dân mong muốn Bộ tiếp nhận những kiến nghị và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, có sự điều chỉnh để linh hoạt với từng loại hình và đối tượng đào tạo.

Nhã Uyên