Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thực tế cho thấy việc “thi cụm, chấm chéo, tăng cường thanh tra ủy quyền” không phải là giải pháp lâu dài có thể giải quyết dứt điểm tiêu cực. Do vậy, thi tốt nghiệp năm 2012 Bộ chịu trách nhiệm ra đề chung còn khâu tổ chức, chấm thi...giao địa phương.


Giám đốc Sở phải đối chất với tỉnh về chất lượng


Trao đổi với các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Thi cử có nghiêm hay không phải nhìn vào hai khâu. Thứ nhất là việc dạy học phải nghiêm, phải có giải pháp tốt, phù hợp để thúc đẩy chất lượng giáo dục, cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp tự tin bước vào kỳ thi. Thứ hai là đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục ở các cơ sở.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Dù không thừa nhận "thi cụm, chấm chéo" thất bại nhưng khi đánh giá về giải pháp “thi cụm, chấm chéo và tăng cường thanh tra ủy quyền”, Bộ GD-ĐT đã nhận định các giải pháp trên ít hiệu quả trong việc chấn chỉnh kỷ cương kỳ thi. Ở khâu chấm thi, chỉ nên ban hành hướng dẫn chấm, barem điểm chặt chẽ và yêu cầu các địa phương đảm bảo đúng quy trình chấm thi.

Còn “giải pháp thi cụm” thực tế gây phiền phức, tốn kém cho phụ huynh, học sinh, nhưng không thể ngăn ngừa được tiêu cực nếu các địa phương không tự giác và không phải chịu trách nhiệm. Thanh tra từ các trường ĐH-CĐ cắm chốt tại các địa phương cũng không chủ động, lệ thuộc vào địa phương và không hiệu quả.

Bộ không thể thực hiện cách này cách kia để mong giảm bớt tiêu cực mà chỉ nên là cơ quan tạo cơ chế cho các địa phương phải làm nghiêm. Bởi nếu địa phương không phải tự chịu trách nhiệm, nếu không muốn làm nghiêm, họ có thể che đi hết những tiêu cực mà Bộ không kiểm soát được.

"Kỳ thi sẽ ngày càng nhẹ nhàng hơn theo từng năm. Về mặt hình thức, quan điểm là Bộ sẽ vẫn duy trì một kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia chứ chưa tính đến việc bỏ kỳ thi này." - Thứ trưởng cho biết.
Do đó, năm 2012 Bộ sẽ có những điều chỉnh lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi, chủ động hoàn toàn ở các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi. Tuy nhiên, Bộ vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho toàn quốc và tham gia giám sát kỳ thi.

Trả lời câu hỏi báo Tuổi trẻ nêu "theo thứ trưởng, “thi cụm, chấm chéo” không hiệu quả? Từ chỗ “kiểm soát toàn bộ các khâu” đến chỗ giao chủ động quá nhiều, bộ có quá mạo hiểm không?" Thứ trưởng khẳng định, rút kinh nghiệm từ thực tế các kỳ thi đã qua và Bộ thấy cần có những điều chỉnh.

Giao chủ động cho địa phương không có nghĩa là bộ buông lỏng, mà để những người đứng đầu ngành giáo dục của các địa phương phải chịu trách nhiệm về kỷ cương kỳ thi, từ đó chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục.

Đồng thời, giao chủ động cho địa phương thì phải chấp nhận có nơi làm không nghiêm. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Về lâu dài họ sẽ phải coi trọng chất lượng thật. Người đứng đầu ngành giáo dục ở các địa phương sẽ phải đối chất, giải thích với chính lãnh đạo các tỉnh, thành và người dân ở địa phương nếu không có giải pháp duy trì chất lượng giáo dục.

Nếu chất lượng giáo dục không tương ứng với kết quả thi tốt nghiệp, giám đốc sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo tỉnh, thành, các chủ tịch hội đồng coi thi, chấm thi sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo sở.

Bộ vẫn ra đề chung

Nhiều ý kiến thắc mắc, đã chủ trương “giao chủ động để các địa phương chịu trách nhiệm với kỳ thi”, vì sao Bộ không giao cho các địa phương tự ra đề thi, tùy theo trình độ học sinh các vùng miền khác nhau, các tỉnh, thành có thể ra đề thi ở mức độ phù hợp?.

Theo Thứ trưởng, Bộ ra đề thi với quy trình chặt chẽ nhưng những năm qua vẫn có những sai sót. Việc để các địa phương tự ra đề càng khó tránh khỏi sai sót, không đảm bảo tính bảo mật. Trên thực tế, với việc “tự ra đề” ở các kỳ thi, kiểm tra cấp trường, sở, không ít địa phương cũng để xảy ra sự cố sai sót, ra đề quá trình độ học sinh, lộ đề...

Hơn nữa, việc Bộ GD-ĐT quyết định sẽ tiếp tục ra đề thi chung cho toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 là muốn học sinh cả nước được đánh giá trên một mặt bằng chung. Với mặt bằng chung đó, sẽ dễ dàng nhìn thấy những nơi nào mạnh, nơi nào còn bất cập để điều chỉnh, khắc phục.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lê Anh Dũng
Năm nay, cách thức ra đề thi được Bộ GD-ĐT xem như một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử đảm bảo thực chất, khách quan. Cách thức ra đề được quán triệt làm sao để phản ánh được chất lượng dạy học, hướng tới đánh giá đúng năng lực của học sinh, kiến thức cũng đòi hỏi sát với thực tế hơn.

Đề thi có ít nhất 50% yêu cầu học sinh phải hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%. Tuy nhiên, theo từng năm, tỷ lệ này sẽ phải có sự thay đổi, phần vận dụng kiến thức sẽ phải tăng lên. Tất nhiên, với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn phải đảm bảo để HS có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp.

Đề vẫn tiếp tục có 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn sẽ bao gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương trình: chuẩn và nâng cao. Tuy nhiên, thí sinh được tùy chọn một phần riêng để làm bài, không bắt buộc học theo chương trình nào phải làm đề dành riêng cho chương trình đó.

"Sẽ không có bất cứ tài liệu ôn thi nào do Bộ hoặc các cơ quan chức năng của Bộ ấn hành" - Thứ trưởng khẳng định. Cấu trúc đề thi từng môn dễ gây ra tình trạng đoán mò hoặc gây cho học sinh hiểu rằng thi vào phần này hoặc phần kia. Sách giáo khoa là tài liệu ôn thi tốt nhất, còn học sinh muốn tham khảo thêm tài liệu nào là tùy quyền lựa chọn của các em chứ Bộ không đặt ra bất cứ yêu cầu nào.

"Trong tháng 3, Bộ mới công bố các môn thi chính thức. Việc ôn thi phải thực hiện trong cả quá trình dạy và học, chứ nếu chỉ một vài tháng mới học ngày, học đêm thì cho thấy cả quá trình học tập có “vấn đề”"  - lời Thứ trưởng.

Bên cạnh đó, thi tốt nghiệp năm 2012 Bộ sẽ không có thanh tra cắm chốt tại các địa phương nhưng sẽ có những đoàn thanh tra lưu động. Những đoàn thanh tra này sẽ làm việc độc lập và không báo trước địa điểm sẽ đến. Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện hậu kiểm nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra ở các khâu coi thi, chấm thi.

  • N.Hiền (tổng hợp)