- Sinh viên y khoa “mua điểm – thành “bác sĩ” phẫu thuật, sẽ cắt nhầm thận, thậm chí cắt tất tật thận; kỹ sư sắp ra trường bách khoa “đút” giảng viên – xe máy lại cháy; sinh viên cầu đường “đi thày”: đường sạt lở, cầu sụp.


Một ngày cuối năm, tôi nhập một hội “trí ngủ”, ngồi nói chuyện giáo dục. Chị Lady Borton người Mỹ bảo trường học ở Việt Nam và ở Mỹ chỉ có một khác biệt: “Trường ở Việt Nam dạy đút lót, còn trường Mỹ không dạy…”.

Nghĩ nhức cả đầu. Bật ti vi lên. Bản tin bắt đầu bằng chuyện máy bay ở Nga lại rơi. Sau đó, đến tin một sinh viên trường Hàng không Nga nhất định không chịu trả tiền “đi thày” (dù là rất ít), và rơi vào tình trạng bị cô lập, vì tất cả mọi người đều nghĩ khác anh ta. Người bạn Nga của tôi nói: “Máy bay cũ quá vẫn dùng thì rơi. Nhưng nếu sinh viên ra trường kiểu này thì sắp tới chắc máy bay mới cũng rơi”.

Trong lúc mày chơi nhởn, cháu à, mày đã đỗ vào đại học rồi. Báo Cá sấu, Liên Xô, 1982.

Thật vậy. Trường học, học viện, giảng đường đại học Nga cũng ngập dưới “phong bì”. Thậm chí còn có mốt thanh toán bằng… “vốn tự có”. Nhưng tôi “xem bói cho người” làm gì.

Tôi bật sang chương trình TV Việt, trong đầu bỗng hiện ra dòng suy tưởng thô thiển nhưng có hướng đích:

Sinh viên y khoa “mua điểm – thành “bác sĩ” phẫu thuật, sẽ cắt nhầm thận, thậm chí cắt tất tật thận; kỹ sư sắp ra trường bách khoa “đút” giảng viên – xe máy lại cháy; sinh viên cầu đường “đi thày”: đường sạt lở, cầu sụp; cử nhân thương mại tương lai “mua điểm” – kinh tế khủng hoảng kinh niên; sinh viên sư phạm quên “nói không” với phong bì – “trồng” nên những tình nguyện viên đút lót…

Nếu tất cả các trường đều có phong trào “lo lót”, e ngày mai cuộc sống chỉ còn một dạng hoạt động: mọi người đi lòng vòng, lì xì lẫn nhau suốt năm. Nhưng con người phải học cách sống sao đó không cần ăn?

Chắc không cần học cách tồn tại không ăn, vì lúc đó chúng ta cũng đã đạt trình độ hoàn toàn vô cảm, nên chắc chẳng cảm thấy đói đâu.

Lê Đỗ Huy