Việc Tổng thống Obama cực lực ca ngợi hệ thống giáo dục Hàn, nhè đúng lúc người dân nước này đang chất đống những phê phán lên nó, đang trở thành một thứ chuyện nực cười.
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Hàn Quốc cổ vũ các anh chị  ở lớp trên trước khi các em học sinh lớn hơn này bước vào thi trung học phổ thông. Tỷ lệ sinh đẻ giảm có nghĩa là buộc phải đóng cửa một số trường sở cao hơn cấp trung học cơ sở.

Phát biểu về đề tài nền giáo dục tàn tạ, ngài Obama lắp đi lắp lại điệp khúc, rằng Hàn là tấm gương về cổ suý sự học một cách quyết liệt, rằng Hàn Quốc có tỷ lệ thí sinh đỗ đại học cao, và đầu ra ổn định cả về cử nhân khoa học và kỹ sư của Hàn quả là xứng đáng được đua tranh.

Nhưng cùng kỳ, đồng nhiệm Hàn Quốc của ngài Obama lại cảnh báo về sự thừa thãi các cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, và một lực lượng lao động xơ cứng bởi những kỹ năng cổ lỗ của thế kỷ 20. “Đầu vào đại học dễ dãi đang đưa lại những thiệt hại to lớn cả cho gia đình và đất nước,” tổng thống Lee Myung – back gần đây nhận xét. Ngài Lee gây bức xúc, khi gợi ý rằng, với một đất nước như Hàn quốc, chỉ có 50 triệu dân, nhưng phải è cổ gánh chịu một số lượng lên tới 3,8 triệu gồm sinh viên và NCS, thì nên chăng, thít đầu vào đại học – cao đẳng.

Các thành tựu của Hàn Quốc quả là gây ấn tượng. Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) xếp học sinh trung học của Hàn vào tốp ba nước đứng đầu về toán và khoa học tự nhiên, vượt xa khỏi Hoa Kỳ, đứng thứ 25 về toán và thứ 17 về khoa học tự nhiên, trong bảng xếp hạng của OECD.

Nhờ phát triển vượt bậc trong giáo dục bậc đại học, 52 phần trăm học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học trong các khoá học hai hoặc bốn năm tại các trường đại học, cao đẳng, theo số liệu của Viện phát triển giáo dục Hàn Quốc. Đây quả là một kỳ công đối với Hàn Quốc, một nước trước thập kỷ 60 vẫn nằm trong số các quốc gia nghèo nhất hành tinh này .

Đến tận 1977, không tới 5% thanh niên từ 18 -22 tuổi của Hàn được bước vào cửa trường đại học. Nhưng hôm nay, với một cuộc khủng hoảng giảm dân số đang lộ diện, chính phủ Hàn quốc cho rằng việc mở rộng giáo dục bậc đại học đang quá đà.

“Chúng tôi đã cho phép mở quá nhiều trường đại học”, Sung Geun Bae, Quản trị trưởng Bộ giáo dục Hàn quốc chia sẻ. Ông Sung lưu ý rằng đất nước của ông vừa là một trong những nước có tỷ lệ trúng tuyển vào đại học cao nhất thế giới, vừa là nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. “Mười lăm năm trước chúng tôi cần tất cả các trường đại học ấy, nhưng hôm nay, thời thế đã đổi thay”.

Tình trạng này ảnh hưởng ra sao đối với 40 trường đại học công lập và 400 trường cao đẳng tư thục là chủ đề đang còn bàn luận trên cả nước, nhưng nó đang bị xem là điềm gở. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-Ho cảnh báo rằng tỉ lệ đỗ vào đại học/cao đẳng của Hàn sẽ phải điều tiết giảm xuống mức 40% trong vòng 12 năm tới.

Tới 2016, sẽ xuất hiện tình trạng nhiều chỗ ngồi tại các giảng đường đại học hơn là số học sinh tốt nghiệp phổ thông, và nhiều trường sở sẽ phải đóng cửa, hoặc phải hợp nhất, với giải pháp giảm biên, trong một tình cảnh đau đớn cho một dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo.

“Chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 100 trường đại học sẽ phải đóng cửa vào khoảng 1940”, Yu Hyunsook, giám đốc Viện phát triển giáo dục nói. Bà Yu cho rằng “cỗ xe” của đổi thay đã chuyển bánh, tháng Giêng tới, một trường hàng đầu là Đại học quốc gia Seoul, trên thực tế, sẽ chuyển thành một cơ sở đào tạo có thêm chức năng kinh doanh.

Đây là nỗ lực đầu để tạo cho các trường công lập thêm nhiều quyền tự chủ, và giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh thâm nhập vào môi trường giáo dục đại học, làm cho nền giáo dục đại học mang tính cạnh tranh hơn.

Bước đi này đang gặp phải sự phản kháng của các cán bộ giảng dạy. Họ quan ngại chất lượng giáo dục sẽ bị sút kém, và lo mất chỗ làm, bởi vì sự thay đổi này có nghĩa là họ sẽ không còn thuộc biên chế nhà nước, chỉ là người làm công cho trường đại học mà thôi.

Nhưng xét cho cùng, chính khu vực tư thục rộng lớn, đang gánh vác khoảng 80 phần trăm lượng sinh viên Hàn Quốc, mới là nơi cảm nhận vết thương (sự thay đổi) nhức nhối nhất. Các trường sở tư sẽ bị (Bộ) soi xét kỹ càng. Một số trường đã khuyếch đại số sinh viên của mình, bưng bít các vấn đề về tài chính, thổi phồng học phí lên mức không thể chấp nhận được, bà Yu cho biết. “Một số trường đại học trả lương cho giảng viên của mình thấp hơn cả lương của giáo viên tiểu học”.

Để kiểm định những vụ việc này, chính phủ Hàn quốc đã tiến hành thanh tra 35 trường đại học tư thục và công lập, theo một danh sách lập ngẫu hứng. Chính phủ đã phát hiện được những sai sót về tiền nong, khá “đại trà”, trong sổ sách kế toán của các trường 5 năm vừa qua, với tổng số tiền lên tới 580 triệu USD. Hai cơ sở đào tạo là Đại học Myungshin và Cao đẳng Sunghwa ở gần cực nam của đất nước đã nhận được lệnh đóng cửa cuối tháng 10 vừa qua. Nhưng đây mới là đỉnh của ngọn núi băng.

Cuộc kiểm toán nhà nước này phát sinh bởi một sự bất bình lan rộng trong công luận về chất lượng giáo dục, vào lúc dân tình vừa kịp lấy hơi, sau khi è cổ gánh mấy thập kỷ phát triển giáo dục vừa qua.

Ngay cả các trường viện hàng đầu của Hàn cũng đang chịu sức ép phải thay đổi. Cứng nhắc và chỉ dựa vào thi cử, hệ thống giáo dục này chuyên sàng lọc, dồn các sinh viên ưu tú nhất vào một nhúm trường đại học “xịn”, rồi từ đó bơm họ vào các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn, như Samsung và Huyndai. Nhưng khu vực doanh nghiệp hạn chế hơn về khả năng tận dụng số sinh viên vừa tốt nghiệp, kết quả là 1,2 triệu người tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư… chưa kiếm được việc làm.

Ngay cả các trường viện hàng đầu của Hàn cũng đang chịu sức ép phải thay đổi. Cứng nhắc và chỉ dựa vào thi cử, hệ thống giáo dục này chuyên sàng lọc, dồn các sinh viên ưu tú nhất vào một nhúm trường đại học “xịn”, rồi từ đó bơm họ vào các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn, như Samsung và Huyndai. Nhưng khu vực doanh nghiệp hạn chế hơn về khả năng tận dụng số sinh viên vừa tốt nghiệp, kết quả là 1,2 triệu người tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư… chưa kiếm được việc làm.

Kết hợp hai khoản chi trả cho cả công lập và tư thục, Hàn Quốc hiện đang có chi phí về giáo dục trong tương quan với chi phí của toàn nền kinh tế là cao hơn, so với hầu khắp các quốc gia thuộc OECD, gồm 34 nước, chỉ khá hơn Iceland.

Đồng thời, chi tiêu của gia đình Hàn Quốc về giáo dục tư, bao gồm cả dịch vụ ôn luyện thi, là cao nhất trên thế giới, căn cứ theo báo cáo giáo dục thực hiện bởi tổ chức quốc tế.

Về thực chất, tiền học chính là vấn đề lớn nhất đang thổi bùng sự bất mãn của dân chúng với giáo dục ở bậc đại học. Học phí đã tăng lên gấp đôi trong thập kỷ vừa qua.
Những phản kháng về chi tiêu cho giáo dục đã buộc tổng thống Lee phải cam kết trong chiến dịch tranh cử 2007 của ông, là sẽ làm giảm học phí (đại học) xuống một nửa, một lời hứa mà ông vẫn đang cố thực hiện. Những gian lận nhan nhản bị phát hiện trong các đợt kiểm toán của nhà nước cũng buộc chính phủ phải kiềm tỏa, không cho tăng học phí.

Trong một cố gắng để tháo gỡ vướng mắc, và giúp các gia đình giảm bớt chi tiêu liên quan đến giáo dục, tổng thống Lee đề nghị các phụ huynh giảm bớt khát vọng về bậc học vấn (của con mình) và coi trọng các trường hướng nghiệp, hay các cơ hội dạy nghề khác, hơn là cứ buộc mình vào các chi phí của bốn năm học đại học.

Ý tưởng này bị ai đó chỉ trích, nhưng Lee Seongho, một giáo sư về giáo dục học tại đại học Chung – Ang cho rằng tổng thống đã đúng, rằng ngài Obama lẽ ra không nên đề cao Nam Hàn như một kiểu mẫu của các thành quả về giáo dục. “Tổng thống Obama đang nuôi ảo tưởng về nền giáo dục Hàn quốc”.

Giáo sư Lee cho rằng sinh viên của ông đang trông đợi một cách phi thực tế vào trường đại học Chung – Ang, rằng càng ngày càng nhiều hơn các sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm. “Tôi bảo sinh viên: hãy suy nghĩ nghiêm túc đi, các em có nên hao phí một số tiền lớn cùng với 4 năm đại học, để nhận được con số không?”

Những nhà bình luận như GS. Lee thừa nhận rằng một dân tộc, đang bị giảm dân số, vẫn cố mài dũa sao cho sinh viên ra trường đạt trình độ đỉnh cao như thế, có phần hơi thừa thãi về quyết tâm chính trị. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng hệ thống giáo dục đại học của Hàn sẽ còn tiến bước mạnh mẽ.

Bà Yu của Viện phát triển giáo dục Hàn Quốc cho rằng cuộc thi đua sẽ buộc các trường đại học phải tập trung vào chất lượng và thay đổi cách giảng dạy. “Thiết nghĩ, chúng tôi nên bắt đầu tư duy xem có nên buộc sinh viên phải nhất thiết ngồi trên giảng đường hay không. Hiện có nhiều cách tân trong giảng dạy bằng các tiên ích kỹ thuật số và giảng dạy trực tuyến.

GS Lee đồng ý: “thời cuộc đã đổi thay, chúng ta có các công nghệ và kiến thức mới. Tôi ủng hộ việc kết hợp các phương pháp đào tạo thông thường với tinh thần cải cách, và chúng ta cần một hệ thống sản sinh ra cách tân và sáng tạo”. Vấn đề mà GS Lee và những người cùng tư duy với ông đặt ra là, liệu các trường đại học có thể tạo ra cách tân và sáng tạo trong khi vẫn bám khư khư vào những thành tích trong quá khứ, một khi hệ thống giáo dục đại học của Hàn Quốc đang đứng trước khúc ngoặt.

  • David McNeill (Seoul, South Korea)
  • Lê Đỗ Huy (chuyển ngữ)
  • Bài viết đăng tải trên The Chronicle Higher Education tháng 11/2011