- Trong hành trình vào trường phổ thông, ở mỗi đời sách giáo khoa (SGK), truyện Tấm Cám lại có một số phận mới. Lúc thì đưa nguyên bản kể của Vũ Ngoc Phan, Nguyễn Đổng Chi; khi lại sửa chữa, cắt gọt và có lúc thì loại bỏ; mà gần như cùng một lý do: để phù hợp với mục đích giáo dục.


Lần sửa chữa truyện Tấm Cám gần đây nhất là bộ SGK mới được thí điểm vào năm 2005, bắt đầu sử dụng rộng rãi năm 2006, cô Tấm có đến hai số phận trong hai bộ sách Ngữ Văn lớp 10 cơ bản và nâng cao.

 

Mỗi nhà soạn sách tín nhiệm và ưu tiên cách kể của một tác giả khác nhau nên Tấm Cám ở sách Ngữ văn 10 cơ bản khác với nâng cao ở chỗ: Cô Tấm ở sách cơ bản thể hiện khá rõ ý định trả thù cô Cám khi cô Cám hỏi nghệ thuật làm đẹp và tự tay thực hiện việc dội nước sôi cho Cám. Ngược lại, cô Tấm ở sách nâng cao không thể hiển rõ ràng ý định báo thù như vậy, cũng không tự mình làm việc đó.

 

GS Chu Xuân Diên cho biết, khi đưa vào SGK nâng cao, ông đã thay đổi một số câu chữ ở đoạn kết theo cách kể trung tính vốn rất phổ biến ở thể loại truyện cổ tích. Nghĩa là chỉ kể lại sự việc, không bình luận, không thể hiện suy nghĩ, tính toán hay ý đồ của nhân vật. Theo ông, cách kể này làm nhẹ nhàng hơn cái kết của Tấm Cám, phù hợp với suy đoán của ông là trong nguyên thủy, có thể cô Tấm thực lòng muốn giúp cô Cám vì niềm tin vào việc tái sinh bằng nước sôi mà cô từng trải qua trong nguyên bản của G.Jeanneau (1886).

 

Nguyên nhân của sự sửa đổi ấy không nằm ngoài lý do: một áp lực từ xã hội mới khó chấp nhận một hình thức trả thù như của Tấm.


Tâm lý xã hội dễ dàng quy chụp cái kết đó vào những tội danh làm ảnh hưởng đến con trẻ. GS Phan Trọng Luận giải thích, việc cắt bớt này là “chấp nhận bớt nghệ thuật để thêm tư tưởng”.

 

Đi ngược về các đời sách giáo khoa, chỉ cách Tấm Cám của năm 2005 có hai năm, năm 2003, GS Chu Xuân Diên cho biết, nỗi ám ảnh về sự trả thù của Tấm còn lớn hơn khi người biên soạn SGK Ngữ Văn 10 không dám đưa một dòng nào về cái kết của truyện. Tấm Cám dừng lại ở việc vua đón Tấm về cung và hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc. Theo một số nhà giáo, khi cắt bỏ hoàn toàn đoạn kết, có lẽ người biên soạn muốn xây dựng hình ảnh cô Tấm, một trong những biểu tượng của con người Việt Nam thật sự hoàn mỹ với lòng nhân hậu, vị tha.

 

Số phận long đong của truyện cổ tích Tấm Cám còn là sự ra vào chương trình Ngữ Văn của phổ thông đến chóng mặt. Có lẽ trong các tác phẩm văn học được đưa vào nhà trường, ít có tác phẩm nào chìm nổi như Tấm Cám, đặc biệt là trong suốt hơn 20 năm trở lại đây.

 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Từ những năm 1980, GS Hoàng Ngọc Hiến đã đặt vấn đề: cái kết của Tấm Cám có thể phản tác dụng giáo dục vì cô Tấm ác quá. Cũng có thể vì lý do này hoặc vì lựa chọn của tác giả sách giáo khoa sau đó mà chương trình cải cách giáo dục những năm 1980 đã bỏ truyện Tấm Cám, không đưa vào chương trình phổ thông nữa.

 

“Tuy nhiên, Tấm Cám đã trở lại SGK, đó là thời chúng tôi học lớp 6, lớp 7 vào khoảng những năm 1992-1994 với cái kết đầy đủ”- một giáo viên dạy Văn cho biết thêm.

 

Chưa an phận với hình hài nguyên vẹn theo bản kể Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi được bao lâu, đến năm 1995-1996, phần viết về Văn học dân gian trong SGK chỉnh lý, môn Văn đã lại đánh bật Tấm Cám ra khỏi SGK. Nhà giáo, nhà nghiên cứu Văn học dân gian Nguyễn Xuân Lạc đã đặt câu hỏi: “Đoạn trả thù của Tấm ở cuối truyện có thể gây cho học sinh chấn thương về tình cảm chăng ?”. Ngày đó, ông thể hiện một băn khoăn: “Lẽ nào lại bỏ đi một câu truyện từ lâu đã trở thành niềm say mê, thích thú, ước mơ đẹp đẽ của tuổi thơ... chỉ vì một chi tiết trả thù ở cuối truyện?”

 

Theo thời gian, vì cái kết, số phận truyện cổ tích Tấm Cám cũng ba chìm bảy nổi như chính nhân vật chính của nó. Vòng quay luẩn quẩn: bỏ/không bỏ, cắt/ không cắt thường được giải thích vì mục đích giáo dục, cần chỉnh sửa hoặc lược bỏ. Tuy nhiên, sự vào ra của Tấm Cám trong SGK chưa bao giờ thống nhất.

 

Trong khi đó, giới nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm cái gốc thực, cô Tấm nguyên thủy của truyện Tấm Cám, khi biết rõ bản kể của hai nhà nghiên cứu và sưu tầm văn học Nguyễn Đổng Chi và Vũ Ngọc Phan là kết quả của những biến đổi lớn từ các bản kể của Đỗ Thận (1907), G.Jeanneau (1886).


Các SGK vẫn giữ nguyên cách viết: chỉ đưa một bản duy nhất, không giới thiệu thêm dị bản để học sinh có thể tự gợi mở, tự đánh giá và lựa chọn Tấm Cám cho mình.


Sự thừa nhận mang tính chính thống này một lần nữa khiến dư luận quay cuồng đi lựa chọn cô Tấm trong thời hiện đại.


Có độc giả cho rằng, phải chăng truyện Tấm Cám từ bản kể của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi nên được gọi là truyện cổ tích hiện đại, ẩn chứa tư tưởng của con người hiện đại vì chính các tác giả đã sinh ra một cô Tấm có sự phát triển tính cách duy nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam?

 

Bên cạnh đó, đối tượng tiếp nhận- học sinh- người mà các nhà biên soạn sách “sợ” ảnh hưởng và chịu tác động nhiều nhất lại chưa bao giờ được khảo sát để đánh giá khách quan.

 

  •  Nguyễn Hường