Tranh luận với độc giả Võ Thị Qúy, một nhà báo, cũng là một phụ huynh, bày tỏ: nếu triết lý phương Đông cổ súy cho việc trừng phạt cái ác theo kiểu "máu kêu trả máu, đầu oan trả đầu" thì chúng ta cũng nên tìm cách khẩn trương “thoát Á” mới mong tiến bộ.

Người soạn sách: Tại sao tôi chọn Tấm Cám?
VietNamNet tìm đến PGS.TS Trần Đức Ngôn, người biên soạn bài Tấm Cám trong SGK Ngữ Văn 10 tập 1 để tìm hiểu góc nhìn của người làm sách giáo dục.
 
Thạc sĩ ĐH Paris 7 bàn chuyện Tấm Cám
Sau khi xem những trao đổi xung quanh cái kết câu chuyện cổ tích Tấm Cám trên VietNamNet, bạn đọc Mai Hoa, thạc sĩ Văn học, Khoa Văn Đại học Paris 7 (Pháp) gửi tới ý kiến của mình. Dưới đây là bài viết của chị.
 
Viết lại Tấm Cám là xóa lịch sử?
Nhiều bạn đọc cho rằng nếu xóa đi kết truyện Tấm Cám đồng nghĩa với việc chúng ta xóa đi một dấu ấn tâm hồn trong cách nghĩ, lối sống người Việt xưa.
 
Độc giả sôi nổi kể lại chuyện “Tấm Cám”
Những kết truyện bạn đọc viết cho "Tấm Cám thời hiện đại" vừa mang màu sắc cổ tích, vừa in đậm tư tưởng: cái ác nhất định bị trừng trị, cái thiện mãi được tôn vinh.
 
Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám
Những tranh cãi về truyện cổ tích “Tấm Cám” trong xã hội hiện đại khiến cho từ một truyện đọc cho cấp tiểu học, câu chuyện "vọt" lên cấp THPT và đoạn kết cũng không còn nguyên vẹn như bản kể chuyện trước đây.


Mấy ngày nay, trên VietNamNet sôi nổi bàn luận chuyện sửa đoạn kết của câu truyện cổ dân gian Tấm Cám. Đọc tít bài của những người chủ trương giữ nguyên bản, như “Oan cho cô Tấm”, “Viết lại Tấm Cám là xóa lịch sử?”, thậm chí là “Đừng đòi cô Tấm thánh thiện”, tôi cứ băn khoăn tự hỏi – không hiểu họ đang nói về truyện Tấm Cám như là đối tượng nghiên cứu của sử học, của bộ môn văn học dân gian… hay là về một câu truyện cổ tích giảng dạy cho các em,, với nhân vật cô Tấm được xem như thần tượng dân gian về người phụ nữ Việt?

Ngày còn bé, tôi được bà nội (một phụ nữ nông thôn sinh đầu thế kỷ 20) kể cho nghe truyện Tấm Cám.

Đoạn kết truyện bà kể rằng “mẹ con Cám bị đày ra ngoài biển”. Năm lên 8 tuổi, lần đầu tiên tôi tự đọc truyện Tấm Cám. Dù cuốn truyện tranh ấy vẽ và in rất đẹp, nhưng cái đoạn kết quá dã man làm tôi bị sốc.

Tôi tin bà, và tôi tin là sách đã in sai, vì tôi tin cô Tấm không thể ác độc đến mức như thế được. Ngày nay, suy nghĩ của con em chúng ta độc lập hơn nhiều. Nếu để nguyên bản câu truyện kể cho các em nghe, biết đâu một ngày lại không có thêm một “thành ngữ tuổi teen”, chẳng hạn như “dẻo như em Tấm làm mấm (mắm) đầu lâu”.

Cái nhìn phê phán về đoạn kết của câu truyện là vấn đề chẳng mới mẻ gì. Ngay một người phụ nữ nông thôn thất học như bà tôi cũng đã phê phán rồi (dù chỉ bằng trực cảm của người làm mẹ, làm bà).

Sửa đoạn kết câu truyện trong sách giáo khoa, trong tất cả các sách khác, và trong cả câu truyện kể cho con chúng ta nghe là việc ngày nay cần làm. Khi kể cho con nghe truyện Tấm Cám, tôi cũng tự tưởng tượng một cái kết khác – nhà vua mang mẹ con Cám ra xét xử. Mẹ con Cám nhận tội. Vua định hành hình cả hai mẹ con, nhưng cô Tấm xin vua giảm tội cho họ, đày ra một hòn đảo tít ngoài biển khơi.

Hãy hình dung khi con chúng ta hỏi – Bố ơi làm mắm là làm thế nào? Con hiểu rồi, tức là cô Tấm chặt Cám ra trộn với muối chứ gì? Mắm ấy có giống như nước mắm nhà mình vẫn chấm rau muống không bố?


Tôi tin rằng, với bất kỳ ông bố bà mẹ nào, đó cũng là những câu hỏi không dễ trả lời (hay giải thích).

Sao lại đặt câu hỏi - người soạn sách giáo khoa lấy quyền gì mà sửa truyện Tấm Cám?

Câu trả lời đơn giản thôi, vì truyện dân gian là sáng tác của nhiều tác giả (vô danh và hữu danh). Mỗi người, tùy vào nhãn quan thời đại, lý lịch văn hóa, triết lý nhân sinh, mục đích kể truyện… đều có quyền sửa lại theo ý mình.

Những người soạn sách giáo khoa, dù là tác giả hữu danh, cũng có quyền ấy. Nếu sửa lại câu truyện cho nhân văn hơn, không làm tổn thương tâm hồn và méo mó tính cách của con em chúng ta, thì chúng ta phải ủng hộ.

Đó sẽ là truyện cổ tích Tấm Cám phiên bản thời hiện đại. Nó bình đẳng với tất cả các phiên bản khác, kể cả phiên bản được ông Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và chép lại.

Sâu xa hơn, nếu coi cổ tích là bất di bất dịch, đem cổ tích đối lập với hiện đại, cấm chỉ không cho “cởi yếm mặc váy đầm cho cô Tấm” nghĩa là coi cô Tấm chỉ là đối tượng nghiên cứu của sử học, của bộ môn văn học dân gian, là hiện vật bảo tàng.

Nói khác đi, là giết chết cổ tích, là tiếp tay mẹ con Cám giết chết cô Tấm một lần nữa. Không còn cô Tấm sống động, pháng phất trong bóng dáng của mẹ, của chị hôm nay, chỉ còn một cô Tấm thời phong kiến mà người làm vua cũng che chở nổi vợ mình, dì ghẻ con chồng oan khiên vạn kiếp…

Sao lại nói - “Đừng đòi hỏi cô Tấm phải thánh thiện”? Xinh như cô Tấm, hiền như cô Tấm, tảo tần như cô Tấm… kia mà.

Vượt lên vai trò của một nhân vật văn học, cô Tấm đã trở thành một biểu tượng dân gian về người phụ nữ Việt.

Để biểu tượng ấy toàn bích, long lanh hơn, thì sửa đoạn kết câu truyện cho nhân văn hơn là điều đáng phải làm. Các cụ xưa khi sáng tác câu truyện này, để cho nhân vật Tấm làm những việc man rợ là do hạn chế của thời đại các cụ, tại sao ta phải giữ mãi cái “tội tổ tông” ấy?

Thực tế thì bà ta, mẹ ta, và nhiều người trong chúng ta cũng đã sửa lại rồi. Nhờ thế mà thần tượng cô Tấm mới sống động vớt vát được đến ngày nay.

Sách vở bao giờ cũng đi sau cuộc sống. Việc các nhà soạn sách giáo khoa sửa truyện Tấm Cám là sự ảnh xạ tâm nguyện của người làm cha mẹ lên giấy trắng mực đen.

Tác giả Vũ Thị Quý vì mải mê phân tích tính hợp lý trong phát triển tính cách nhân vật mà quên mất một điều – thi pháp là chuyện của nghiên cứu văn học, còn chúng ta đang bàn đến việc kể truyện cho con em chúng ta nghe, một việc có tác động rất sâu sắc (tôi cũng học tác giả Vũ Thị Quý nhấn mạnh là rất sâu sắc) đến tâm hồn, tính cách của các em.

Xin hãy để những dị bản có đoạn kết dã man (tôi tạm gọi như thế) cho các nhà nghiên cứu. Còn câu truyện có đoạn kết nhẹ nhàng, hãy in vào sách giáo khoa cho các em đọc.

Cái mà tác giả Vũ Thị Quý gọi là “mang đậm triết lý phương Đông”, cũng xin giành cho các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Tuy rằng, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ  – nếu triết lý phương đông cổ súy cho việc trừng phạt cái ác theo kiểu máu kêu trả máu đầu oan trả đầu không cần pháp luật như thế, thì chúng ta cũng nên tìm cách khẩn trương “thoát Á” đi mới mong tiến bộ được.

Cũng là phương Đông, nhưng một câu truyện cổ Cao Ly (đã được Hàn Quốc dựng thành phim) sao khác lắm. Rằng tên tướng cướp sát hại nhà sư. Nhà sư biết, nhưng vẫn đối xử với hắn như một đệ tử thương yêu nhất, với câu nói “ta ném người vào bể yêu thương”. Có lẽ như thế mới thực là mang đậm triết lý phương Đông.

Xin các nhà hàn lâm hãy giúp chúng tôi tìm cách trả lời những câu hỏi của con trẻ mà tôi đã viết ở trên: Bố (mẹ) ơi, làm mắm là làm thế nào? Con hiểu rồi, tức là cô Tấm chặt Cám ra trộn với muối chứ gì? Mắm ấy có giống như nước mắm nhà mình vẫn chấm rau muống không bố (mẹ)?

Hãy giúp, vì chúng tôi không thể trả lời con mình rằng - Ừ, chặt ra, trộn muối, làm mắm. Bố (mẹ) nghe cô Vũ Thị Quý nói như thế mới hợp lý, là bác học, mắm như thế mới đậm đà triết lý phương Đông, con ạ!

Vũ Trung Hiếu (Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai)