"Định kiến" là từ dùng trong bài viết bày tỏ suy nghĩ về "đồng tiền" và "hạnh phúc". Bài viết được giới thiệu là của một học sinh lớp 12 Chuyên Văn, được đăng tải trên trang thông tin của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong bối cảnh cư dân mạng đang lan truyền bức thư "tôi ghét tiền" của cậu học trò lớp 11 chuyên Lý. Để có thêm một góc nhìn, VietNamNet giới thiệu bài viết này (các tựa nhỏ được đặt lại để bạn đọc tiện theo dõi)

Chương trình tri ân của học sinh khối 12 với trường Ams và các thầy cô giáo. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi nào mới tìm cách vượt lên hoàn cảnh?
 
Có lẽ chưa bao giờ những định kiến xã hội lại có cơ hội thể hiện tự do và rộng rãi đến vậy trong thời buổi toàn cầu hóa, tốc độ hoạt động và phát triển của con người được tính bằng từng tích tắc.
 
Chỉ vài giây sau cái chết của ông Muammar Gaddafi những hình ảnh và thông tin đã tràn ngập như một cơn bão báo chí trên khắp thế giới. Định kiến xã hội xuất phát từ sự bất bình đẳng xã hội và những quan niệm sai lạc; như ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo.
 
Khi còn nhỏ những đứa trẻ chơi với niềm vui tự nhiên nhất, nhưng sẽ có ngày chúng lớn lên, được học về những điều gì là "đúng" và "sai"; như Gallileo từng phải quỳ xuống thề từ bỏ quan niệm trái đất tròn quay quanh mặt trời trước giáo hội để củng cố đức tin mù quáng của các con chiên trên khắp thế giới trong khoảng thời gian quá dài.
 
Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam từng là 67 lần, bây giờ thì chẳng ai dám chắc con số ấy đang leo thang đến đâu. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự chênh lệch giàu-nghèo tại Mĩ cũng chạm ngưỡng cao nhất và tại Luân-đôn con số là 273 lần.
 
Liệu đó có phải là sự bất công giữa một bên "tiền lại đẻ ra tiền" với một bên không bao giờ ngóc đầu lên được? Nếu nghèo là một cái tội thì ai là người gây ra nó? Bao giờ thì những người có tiền không bị gán là "bọn" nhà giàu? Khi nào, người ta sẽ tìm cách vượt lên hoàn cảnh thay vì suy nghĩ hạn hẹp, ích kỷ.
 
Có lẽ không phải lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần những câu chuyện về học sinh trường Hà Nội - Amsterdam làm xôn xao những trang báo mạng và dậy sóng những bình luận của độc giả.
 
Gần đây nhất là bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 Lý viết về giá trị của đồng tiền được đưa lên mạng đã làm không ít người cảm động rơi nước mắt, nhưng cũng gợi lên suy nghĩ không biết vô lý hay vô tâm: "Trường Ams cũng có kiểu này ư?"
 
Đôi khi, giá trị một con người được đo đếm đơn giản bằng chiếc điện thoại người đó dùng, xe họ đi, ngôi trường họ học hay trang Facebook có nhiều bạn bè không. Trường Ams không thiếu những học sinh gia đình giàu có, có điều kiện.
 
Nhưng họ không phải những cậu ấm cô chiêu chỉ biết tiêu xài tiền của bố mẹ; chưng diện và khoe khoang theo kiểu lố bịch càn rỡ như những câu chuyện gây sốc trên mạng. Dưới mái trường ấy, trong suốt hơn 26 năm kể từ ngày thành lập luôn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, là nơi có những giáo viên tạo điều kiện để học sinh trưởng thành tự nhiên đúng với mình nhất.
 
Một người lạ đến trường Ams có thể được tận mắt thấy tai nghe những câu chuyện thú vị, kì lạ nhất mà chắc chắn sẽ làm họ thay đổi những suy nghĩ của họ về cuộc sống, theo một cách nào đó.
 
"Hà Nội - Amsterdam" đã thành thương hiệu  khiến người ta nể trọng, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Đó chẳng phải niềm tự hào lớn cho đất nước? Đúng vậy. Từ những giải quốc gia, những huy chương quốc tế đến sau mỗi khóa học kết thúc, năm nào cũng vậy học sinh Ams đều ghi danh tại những đại học danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Yale, Columbia, MIT, Stanford, Princeton v.v...
 
Học trò trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam rạng rỡ trong lễ khai giảng (Ảnh: Văn Chung)

Không chỉ mạnh về thành tích học tập, người ta biết đến Ams là môi trường năng động, cạnh tranh. Những hoạt động, các cuộc thi lớn trong trường như Ngày hội anh tài, Ams's got Talent, Made in 12 v.v... đều do một tay những nhóm học sinh tự lo liệu từ khâu lên kế hoạch, xin tài trợ... dưới sự cho phép của BGH và được tổ chức chuyên nghiệp đến khó tin. Vậy phải chăng sự thật thường khó tin?
 
Tài hoa chỉ nở khi phá vỡ quy luật

 
Mặc cảm giàu nghèo là một cảm xúc rất nhỏ nếu so với mặc cảm về nhận thức. Đất nước Việt Nam là cái nôi của nhiều tài năng lớn. Những tài năng được nuôi dưỡng không giống như một con rô-bốt, làm tất cả những việc nó được lập trình, mà sự tài hoa thực sự chỉ nở khi phá vỡ những quy luật.
 
Khi nào thì người ta hạnh phúc với tiền? Đó là khi bạn có ý tưởng và tiền được rót vào ý tưởng ấy, biến nó thành sự thật. Đó là khi bạn đói lả, tiền bưng ra trước mặt bạn đồ ăn ngon. Đó là khi bạn dùng tiền để tỏ lòng biết ơn với cha mẹ đã vất vả.
 
Những người nhiều tiền sẽ có quyền chọn lựa mặc gì, ăn thế nào,.. nhìn bên ngoài thì điều đó là đáng mơ ước. Nhưng ước mơ có tiền chỉ là tấm đệm sau khi con người tìm thấy ước mơ thực sự của mình và sau khi họ dũng cảm vượt lên chính mình. Những kẻ hèn là những người không chịu thay đổi, chối bỏ sự thay đổi và sáng tạo. Rất tiếc, phần lớn định kiến của xã hội là như thế.
 
Mặt trong họ nể nhưng mặt ngoài họ tỉnh bơ nhận xét "thường thôi". Vậy là rõ ràng họ nhận thức được khả năng của mình nhưng còn thiếu ý chí. Phải như thế mới thấy được tầm quan trọng của người đi đầu.
 
Xét một vài khía cạnh, Ams là người dẫn đường như thế - nơi khởi nguồn của những ý tưởng lạ. Khó khăn không đánh gục sự nhiệt huyết mà hơn thế là động lực chân chính. Đó là mái trường mà lớp đàn anh đàn chị đi trước sẽ có những đàn em theo sau, nối tiếp bảng vàng thành tích cho trường.
 
Không có điểm dừng, không chạm vào hạnh phúc
 
Và chúng ta không thể phủ nhận điều kiện kinh tế có đóng góp vào những đổi thay ấy. Người ta có thể rẻ rúng hoặc xem trọng giá trị đồng tiền đến đâu chăng nữa, nhưng nghĩ đến cùng đâu phải người giàu có đã là người hạnh phúc. Giàu có mà không có điểm dừng, sẽ không chạm vào hạnh phúc.
 
Học sinh theo học dưới mái trường Hà Nội - Amsterdam không đến trường để khoe giàu hay kể khổ. Một cách đơn giản nhất, đó là nơi gặp mặt bè bạn, thầy cô; là ngôi nhà thứ hai chắp cánh ước mơ của họ. Chín chắn trong cách suy nghĩ và làm việc nhưng là những học sinh, chẳng ai thiếu được bè bạn và những câu chuyện rất học trò. Đó là hạnh phúc được làm học sinh Ams.
 
Cơ sở mới của trường Ams là niềm mơ ước của nhiều thế hệ học sinh trên cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà món quà lớn như vậy lại được trao cho thầy trò họ. Trong một bài phỏng vấn thầy giáo hiệu trường trường Ams, thầy Phạm Văn Đại đã thừa nhận những vinh dự và cả thách thức lớn khi trường đón nhận một cơ sở tầm cỡ đến vậy.
 
Ngay trong kiến trúc trường đã ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa nhân văn chứ không đơn thuần là sự khang trang vượt bậc. Ban đầu nhiều người ấn tượng khi xem những hình ảnh về ngôi trường ấy. Thế nhưng, đâu phải học ở một ngôi trường danh tiếng có nghĩa là có nhiều tiền.
 
Sự đố kị làm lu mờ lý trí
 
Đó là sự sai lệch nhận thức thảm hại nhất khi lòng đố kị làm lu mờ lý trí. Khi người ta nghĩ rằng một cái gì đó có thể có mùi vị ghê tởm thì có thể nó sẽ như vậy - không phải vì người ta cảm nhận nó như thế mà là vì người ta chờ đợi nó sẽ như vậy. Chính thầy Hiệu trưởng cũng không phủ nhận học sinh Ams còn thiếu sót, có suy nghĩ tự đắc về mình.
 
Thầy không chỉ trăn trở về việc duy trì và phát huy thành tích, thế mạnh của hơn 2600 học trò mà còn luôn tìm cách rèn luyện phát triển họ thành những con người tài năng và sống có đạo đức. Chúng ta không ưa những kẻ khoe giàu hợm của, và học sinh Ams cũng vậy.
 
Đơn giản, họ có đủ quyền tự hào về những việc mà bản thân họ đã làm được ở độ tuổi nhiều người vẫn nghĩ rằng "trẻ con thì biết gì về đời". Tinh thần Amsers  đã là một cầu nối vô hình với biết bao thế hệ và là một sức mạnh dám nghĩ - dám làm không thể lẫn vào bất cứ đâu là điều cuối cùng bài viết muốn gửi gắm. Đừng để đồng tiền và những mặc định về nó lan truyền những suy nghĩ vô cảm.
 
  1. ChelrylBlossom (Lớp chuyên Văn niên khóa 2009-2012)

Một phụ huynh gia đình khá giả từng có con học tại ngôi trường này tâm sự: “Thực sự, có rất nhiều trường hợp học giỏi, con nhà giàu, nhưng cũng có cháu học bình thường song gia đình có điều kiện.

Học sinh khi theo học tại đây có nhiều áp lực...Đúng là có những cháu nhà giàu chỉ chơi riêng với nhau, có sự phân biệt đẳng cấp giàu nghèo”. Riêng ở ngôi trường có nhiều gia đình cho con vào học với mục tiêu đi du học như thế này thì “chuyện “các nhóm chỉ chơi và chia sẻ cho nhau thông tin du học quý giá” là có.


“Thường thì một trường nước ngoài ít khi nhận 2 học sinh của một trường THPT. Do đó, tính cạnh tranh, muốn tham gia các hoạt động, phong trào của học sinh trong trường rất lớn. Có thể cháu nhà anh giỏi nhưng từ đâu chuyển về hoặc vì nhà nghèo chẳng hạn có khi không được làm trưởng nhóm hay CLB nào cả do các bạn không đồng ý,…Như vậy là mất một điểm quan trọng khi làm hồ sơ gửi các trường".


Nếu mình (nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh) không có cách cư xử khéo léo thì các cháu sẽ rất phân tâm.


Nhưng hiện tượng trên "mới là xã hội. Không thể nhìn mọi thứ màu hồng” - chị bày tỏ.


Qua trao đổi, vị phụ huynh cũng chia sẻ một vài ví dụ hay về cách ứng xử với những trò gia đình có hoàn cảnh éo le, khó khăn mà mình đã chứng kiến.


“Có em hoàn cảnh bố mẹ chia tay, gia đình lại khó khăn nên mỗi lần họp phụ huynh, bạn phụ huynh rất quan tâm và mọi người thường âm thầm giúp em và gia đình để em vẫn thoải mái khi tham gia các hoạt động tập thể.


Ban phụ huynh  giúp đỡ bằng cách trả lại số tiền mà em đóng góp vào các quỹ hoạt động nhưng tế nhị là thông qua gia đình. Trải qua 3 năm học, cô giáo chủ nhiệm đã biểu dương nghị lực vươn lên của em trước tập thể lớp.


Để được vào trường này, đa phần các cháu học giỏi, lại cá tính. Giáo viên không thể ép buộc các cháu làm gì mà phải giúp học trò nhận ra những cái đúng-sai trong để sống tốt”.

Bà Lê Thị Oanh, Hiệu phó:

Sau nhiều năm vừa làm vừa đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm chúng tôi đã hình thành bộ khung về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống một cách tổng thể cho các em.

Từ chuyện biết lắng nghe bản thân, bảo vệ chính mình, học cách chia sẻ, quản lí thời gian và tài chính với 7 năm gắn bó từ THCS lên THPT là một quá  trình người thầy giúp cho các em có thể tự lập.

Những hoạt động tình nguyện tới làng trẻ em, chăm sóc người già, giúp dân vùng lũ lụt,…mà học sinh trường chị tự làm ngoài mục đích làm đẹp hồ sơ du học, còn cho thấy các em là những công dân sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Việc Trung Hiếu với bài văn xúc động gửi mẹ có hoàn cảnh éo le chỉ  là mọi người biết tới. Còn nhiều em cũng khó khăn, khổ sở không kém. Nhiều trường hợp chẳng thể nói ra vì sợ chạm đến tự ái của các em.


Phong Đăng (ghi)