Kế hoạch dạy lòng hiếu thảo cho 1 triệu đứa trẻ của Trung Quốc trong 5 năm tới đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên dạy trẻ cảm thấy chúng nên biết ơn cha mẹ hay không.

Một cô bé đang trang điểm cho mẹ trong sự kiện lễ tạ ơn ở một nhà trẻ thuộc thành phố Jiyuan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Hôm 30/10, một ủy ban đặc biệt về lòng hiếu thảo thuộc Hiệp hội Nghiên cứu đạo đức quốc gia Trung Quốc đã thông báo rằng ủy ban này đang lên kế hoạch giúp một triệu trẻ từ 4 tới 6 tuổi học về lòng hiếu thảo – một đức tính bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc.

“Chương trình của chúng tôi sẽ dạy cho một triệu trẻ em lòng hiếu thảo và chúng sẽ là những tấm gương đạo đức cho tất cả trẻ em ở đất nước chúng ta” – ông Wang Haibin, chủ tịch ủy ban này cho hay.

Chương trình đào tạo dài 100 ngày này sẽ dạy trẻ lòng hiếu thảo qua những câu chuyện và trò chơi. Các tình nguyện viên sẽ kiểm tra biểu hiện của trẻ trong 3 năm để đảm bảo rằng “lòng hiểu thảo có thể là một cách sống” – ông Sun Chunchen, Tổng thư kí Hiệp hội Nghiên cứu Đạo đức cho hay.

“Tôi đã đăng kí cho cậu con trai 6 tuổi tham gia chương trình này vì tôi tin rằng để trẻ hiểu được những vất vả mà cha mẹ đã phải chịu đựng để nuôi dưỡng chúng thành người là rất quan trọng” – anh Yan Xiaohong, 34 tuổi chia sẻ.

Tuy nhiên, một bà mẹ khác có cô con gái 2 tuổi tới từ tỉnh Quảng Đông lại không mấy nhiệt tình với việc dạy lòng hiếu thảo. “Tôi không muốn con mình là một robot và làm những điều mà tôi yêu cầu nó làm” – chị Liu Jie, 27 tuổi cho hay.

“Thật vô nghĩa khi đăng kí những chương trình như thế này nếu họ muốn nhấn mạnh thẩm quyền của cha mẹ. Họ có thể ngăn cản trẻ có những suy nghĩ độc lập”.

Ông Sun Yunxiao, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc cho biết lòng hiểu thảo đòi hỏi sự tôn trọng và quan tâm tới cha mẹ cũng như những người thân đã già cả, chứ không phải là vâng lời họ”.

“Trẻ nên học cách hiểu và tôn trọng cha mẹ, nhưng khi cha mẹ yêu cầu trẻ làm mọi thứ mà họ muốn chúng làm thì lòng hiếu thảo sẽ trở thành xiềng xích” – ông nói.

Ông Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỉ 21 – một cơ quan nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận – lo ngại rằng chương trình này sẽ không có gì ngoài những cuộc trò chuyện trống rỗng nếu nó chỉ đơn thuần dựa trên sách giáo khoa.

“Thật vô nghĩa khi đọc những giáo lý đạo đức cổ điển nếu trẻ không có cơ hội để thực hành chúng trong cuộc sống hàng ngày” – ông Xiong nói.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc chỉ quan tâm tới thành tích học tập của con cái và thứ duy nhất trẻ phải làm là đạt điểm cao trong các kì thi – ông nhận định. Ông Xiong cũng nói rằng cha mẹ nên khuyến khích trẻ làm việc nhà để dạy trẻ cách chia sẻ trách nhiệm gia đình.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)