- Vào nhà sách, có thể thấy nhiều phụ huynh đứng nghiền ngẫm kỹ lưỡng sách rồi mới mua. Có một tiêu chí sẽ khiến nhiều nhà viết sách cho học sinh giật mình: cuốn sách viết phải sát chương trình của con nhưng … phù hợp với bố mẹ.


Tìm hiểu tài liệu học tập cho con tại một triển lãm giáo dục. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi phụ huynh kiểm duyệt sách


Con trai chị Lê Thị Mai, làm nghề kinh doanh, buôn bán trên phố Tây Sơn (Hà Nội) đang học lớp 3. Thấy con nằng nặc đòi đi mua sách tham khảo môn văn, chị đưa con đến nhà sách để bé tự chọn vì theo như chị: “Mình có biết nó cần quyển nào đâu mà chọn được.”

Cậu bé chạy ngược chạy xuôi quầy sách tham khảo dành cho học sinh tiểu học, hết nhìn bìa lại lật giở mục lục từng cuốn xem xét một hồi vẫn chưa chọn được cuốn nào. Sốt ruột, chị hỏi: “Cô bảo con mua cuốn nào? Bao nhiêu cuốn văn mẫu mà không có cuốn nào con cần sao?”

Bé đáp trong lo lắng: “Mẹ ơi, mấy cuốn này chỉ có bài văn tả cảnh công viên thôi, không có bài nào tả cảnh công viên vào lúc bình minh cả!”.

Lắc đầu, một phụ huynh khác hỏi bé: “Thế đến bài nào, con lại đi tìm văn mẫu có bài đó sao? Con phải cố gắng tự viết chứ!” và không quên trao đổi với chị Mai. Chị Mai lo lắng: “Kiểu này, chắc em phải canh chừng cháu!”

Trên tay phụ huynh này vẫn còn gần chục cuốn sách tham khảo cả văn, toán, ngoại ngữ như Để học tốt, những bài văn mẫu, giải bài tập toán, sổ tay kiến thức, nâng cao…đậm chất “mì ăn liền”.

Hỏi chị mới biết, chị không mua sách này cho con, mà là…cho mình. Chị giải thích: “Để con đọc sách này làm sao được? Con chỉ cần giở ra là có hết, chỉ việc chép vào vở soạn bài thôi. Mình mua về đọc, phải giấu nó, rồi giảng lại cho con.”

Để phòng “bệnh ăn sẵn” cho con và khắc phục lối viết “bày cỗ” trong sách, rất nhiều phụ huynh khác mà chúng tôi gặp cũng làm như vậy.

Thậm chí, nếu để con dùng sách, bố mẹ sẽ kiên nhẫn ngồi bên cả giờ để canh con, hoặc phần có lời giải sẽ bị cắt xoẹt, chỉ có bố mẹ được dùng để giảng giải, hướng dẫn con.

Trò chuyện với nhiều phụ huynh, chúng tôi nhận ra ở cấp tiểu học, “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo” rất phổ biến.

Học trên trường chưa yên tâm, chưa đủ, phụ huynh tranh thủ cho con làm thêm bài tập, kiểm tra kiến thức con học trên lớp, giảng lại cho con từ vốn tự học. Trong khi đó, với học sinh tiểu học, việc cho các con bài tập về nhà gần như là nghiêm cấm đối với các thầy cô giáo.

Thầy cô, kênh quan trọng bị bỏ qua


Quan sát tại một số nhà sách, hầu như phụ huynh hay học sinh nào đến mua sách tham khảo đều không tránh khỏi việc chọn cho con mình ít nhất một cuốn văn mẫu. Đây cũng là đầu sách bán chạy và nhiều loại, nhiều tên gọi, nhiều nhà xuất bản nhất.

Trên thực tế, nếu xem xét kỹ, những cuốn sách mang tính chất “bày cỗ” khác cũng chỉ là một dạng văn mẫu, bài mẫu.

Vậy nên mới có tình trạng nhiều giáo viên than thở, sự thực có những học sinh không có văn mẫu không thể viết được. Hoặc chí ít, các em cũng phải đọc trước khi hình thành một ý tưởng cho mình.

Nguyên nhân, theo các giáo viên, không phải các em kém mà vì, quá thiếu vốn sống, ít đọc sách chữ, đọc nhiều truyện tranh nên kém về hành văn và nhất là… lười tư duy. Văn mẫu, sách giải bài tập trở thành một món đồ ăn nhanh, tiện lợi là làm các em lười nhác.

Về những cuốn sách tham khảo, đáng lưu ý là không có giáo viên tiểu học nào khuyến khích phụ huynh mua. Các cô giáo cho rằng, kiến thức trong sách giáo khoa, ở lớp cho thêm đã là đủ. Điều mà phụ huynh có thể giúp giáo viên là kiểm tra con nắm kiến thức đến đâu. Xa hơn là phát hiện những sai sót của con và cho con luyện thêm về phần đó.

Tuy nhiên, thực tế phụ huynh nào cũng muốn con học nhiều hơn những gì ở trường đã dạy.

Chị Minh Thìn, phụ huynh của học sinh Trường Nguyễn Văn Huyên còn kể lại, có phụ huynh đã chuyển con sang trường khác vì thấy ở đây, con ít bài tập về nhà. Nhưng khi sang trường khác, phụ huynh lại thêm lo lắng vì ở đó còn ít bài tập hơn!

Cô Kim Thị Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Dịch Vọng A cho biết, nếu phụ huynh có nhu cầu mua sách, nên tham khảo ý kiến giáo viên trước về lực học, loại sách phù hợp với con. Nhưng cô Hạnh và nhiều giáo viên nói, rất ít phụ huynh hỏi cô giáo về vấn đề này.

Các giáo viên khuyên phụ huynh nên xem kỹ những cuốn sách cơ bản, có nội dung sát với SGK, và gợi mở suy nghĩ cho học sinh. Tác giả, khu vực xuất bản là những thông tin rất quan trọng, đáng lưu tâm.

  • Nguyễn Hường