- Trong phần tiếp theo của buổi tọa đàm trực tuyến, sau khi chỉ ra những bất cập từ "định kiến" tuyển dụng theo bằng cấp của nhiều cơ quan công quyền, các khách mời tiếp tục mổ xẻ câu chuyện những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

XEM PHẦN 1

Các khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: Phạm Hải

Bênh và bệnh tại chức


Nhà báo Kim Dung: Bản chất hệ tại chức là dành cho người đi làm, thế nhưng mà từ lúc nào tôi thấy hình thức này bị biến tướng dành cho nhiều HS hết phổ thông. Họ chưa có kinh nghiệm, tích lũy, rồi chuyện đội ngũ giảng viên như thế thì đương nhiên chất lượng chưa bảo đảm. Vậy điều này có mục đích kinh tế hay không? Vì mục đích học thường xuyên, học suốt đời là đúng đắn, nhưng đã bị biến tướng. Ngoài ra nó còn bị thả nổi, quản lý không đến nơi đến chốn? Chúng ta bênh vực hệ tại chức nhưng không có nghĩa là đồng thời chúng ta bênh cả sự yếu kém mà chúng ta cần tìm sự bất ổn của nó để có giải pháp khắc phục

Ông Ngô Kim Khôi: Ngày xưa thi vào tại chức chủ yếu là các cán bộ có tuổi, đang đi công tác, các cơ quan. Do trình độ chưa đáp ứng yêu cầu nên họ được cử đến nhà trường để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sau đó, Luật Giáo dục đã có thay đổi: phương thức giáo dục thường xuyên có ba nhiệm vụ là đào tạo hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tại chức,...

Như vậy ta chuyển từ khái niệm tại chức sang vừa học vừa làm có nghĩa là tôi đang đi làm vẫn có điều kiện để học. Nhưng hiện nay, đối tượng này đã có quy định là phải tốt nghiệp THPT, TCCN. Trước đây còn quy định là sau 2 năm tốt ngiệp các em phải đi ra sản xuất, sau đó mới được đi học. Nhưng giờ nhu cầu nhân lực cao cao, nên hiện nay chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT có thể dự thi.

Tôi cũng suy nghĩ về chỉ đạo của Nam Định. Không phải công lập nào sinh viên đều học giỏi và ngược lại không phải trường ngoài công lập tất cả đều kém mà trong mỗi một trường đều có sự phân tầng. Chuyện xếp loại bằng. Ứng với đó có số lượng và tỉ lệ. ĐH DL Thăng Long từ một trung tâm đào tạo đã thực hiện chủ trương xã hội hóa với truyền thống hơn 20 năm, đến nay đã khẳng định được thương hiệu của mình với sứ mạng không vì mục đích thương mại.

GS Hoàng Xuân Sính chỉ lấy HS có điểm thi ĐH̀ từ 15 điểm trở lên. Họ có khác gì trường công đâu? Chị Sính luôn tuyên bố là chúng tôi vì mục tiêu chất lượng chứ không phải vì số lượng. Chị kiên trì chủ trương điểm sàn là phải 15 trở lên, dù thiếu SV cũng chấp nhận để tập trung cho việc dạy và học thật tốt. Hiện nay nhà trường cơ sở rất khang trang, SV tốt nghiệp ra trường rất tốt. Từ trường hợp này tôi muốn nói các trường mới nâng cấp cần có điều kiện để cho họ nâng cao chất lượng.

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi xin bình luận về ý kiến độc giả. Ý kiến độc giả chuyện vật “tế thần” không phải đâu. Từ khi Đổi mới đến giờ, đất nước chúng ta đã tiến bộ vượt bậc. Những người có đóng góp nhiều cho đất nước chủ yếu được đào tạo sau 1975. Khách quan và công bằng thì đóng góp của GD và GDĐH đáng kể để đưa đất nước đi lên.

Trong tình hình như hiện nay, có thể nói là chất lượng đào tạo ĐH có những vấn đề cần quan tâm, lo lắng.

Tôi không nghĩ như một số người khi cho rằng học trò và thầy hiện nay kém hơn ngày xưa. Mỗi thời có tiến bộ riêng. Hiện nay các em rất giỏi, giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng tại sao số kém cũng rất nhiều? Vì hiện nay số lượng đào tạo rất lớn. Thầy có uy tín, giỏi nghỉ hưu nhiều nhưng các lớp thầy mới cũng giỏi. Tuy số lượng SV tăng lên mà số lượng thầy vẫn không tăng nhiều, cơ sở vật chất thì như xưa.

Thực ra chuyện băn khoăn chất lượng tại chức, dân lập không phải không có lý do: điểm sàn thấp, điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ là kém. Nhưng đưa ra ba-ri-e như vậy sẽ tác động tâm lý xã hội rất lớn. Cần có sự sàng lọc của xã hội. Nhưng theo tôi sự sàng lọc ấy phải công bằng nghĩa là thi tuyển công bằng, khách quan.

Ông Ngô Kim Khôi: Hiện nay chúng ta có hàng triệu nhân lực có trình độ, lao động phổ thông, cao đẳng trong và ngoài nước. Tôi chỉ nói một ví dụ, khi chúng ta xây dựng Thủy điện sông Đà, tất cả chuyên gia là của Liên Xô. Nhưng nay chúng ta xây dựng thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cũng sử dụng toàn kỹ sư của VN đào tạo từ các trường ĐH của VN như Bách khoa, Xây dựng, Điện lực...

Ví dụ 2, tất cả các bác sĩ ở các bệnh viện đều được đào tạo từ các trường y dược của Việt Nam. Chúng ta phải thừa nhận rằng, có những người quan niệm hơi cực đoan. Ngày xưa, quy mô của Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn HN có một hai trăm SV nhưng hiện nay đã gấp mười lần. Có thể về con số giỏi thì ít hơn, nhưng tỉ lệ số đạt giỏi so với ngày xưa thì có thể như nhau. Như vậy, có thể khẳng định giáo dục nước ta đang phát triển.


GS Trần Xuân Nhĩ: Chúng tôi cho rằng những người lãnh đạo cần nhìn thẳng vào sự thật. Chỗ nào yếu cần phải khắc phục, để GD làm tốt nhiệm vụ. Trường ngoài công lập phát triển cũng không phải nhiều, chỉ gần 19% ngoài công lập, chưa đạt được mục tiêu 40% về quy mô đào tạo.

Tôi muốn nói rằng, mình chưa chuẩn bị đầy đủ mà đã cho tình trạng các trường ĐH mọc lên như nấm. Phải tạo điều kiện đầy đủ mới để cho các trường ĐH “đẻ” ra. Vấn đề mình chưa chuẩn bị để nó "đẻ" ra. Tạo điều kiện đầy đủ này như chuyện sinh con phải đủ 9 tháng 10 ngày mới sinh nếu cho đẻ non thì đứa trẻ lớn lên sẽ què quặt. Chúng ta phải làm thế nào xem xét các tiêu chí đồng thời tạo điều kiện để cho nó đến độ nào cho nó ra. Đồng thời, chúng ta phải giáo dục nó, giúp đỡ, giám sát để cho nó trưởng thành đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục hiện nay.

Giáo dục đại học có đẻ non?

Nhà báo Kim Dung: Nhưng tôi cũng băn khoăn là phải chăng GD chúng ta cho "đẻ non"?

Ông Ngô Kim Khôi: Một số người có nói là tình trạng ĐH mọc tràn lan, như nấm sau mưa là hơi quá. Bởi vì trước đây có Quyết định 47 của Thủ tướng về quy hoạch mạng lưới đến từng giai đoạn, quy mô như thế nào đáp ứng nhu cầu. Trong quá trình thành lập trường mới, có sự phối hợp rất chặt chẽ. Không chỉ có Bộ GD ĐT mà còn có nhiều Bộ: GD, KHĐT, Bộ tài chính,...

Như vậy, về cơ bản nó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và quy trình phải chặt chẽ. Nhưng sau khi thành lập rồi, nó ra đời rồi cũng cần giúp đỡ, chăm sóc cho nó. Nhưng chúng ta cũng không thể yêu cầu nó vừa sinh ra đã bắt nó phải đi được ngay, chạy được ngay. Ví dụ như ĐH DL Thăng Long 25 năm mới khẳng định được thương hiệu, Duy Tân bây giờ bắt đầu khẳng định thương hiệu…Các trường mới cần thời gian mới khẳng định thương hiệu của mình trước xã hội.

Cái quan trọng nhất  là chuyện hậu kiểm sau khi thành lập. Cuối năm 2009, đầu 2010, anh Thuyết có tham gia đoàn giám sát tối cao của UBQH, rồi sau đó ngày 19/6/2010 thì Quốc hội khóa 12 tại kỳ họp thứ 7 đã ra Nghị quyết 50 về việc thực hiện chính sách pháp luật đầu tư và đảm bảo chất lượng. Trong đó, có 3 nội dung quan trọng là thành lập trường, vấn đề đầu tư.


Và trong thời gian vừa qua, từ khi có nghị quyết 50, Bộ GD và ĐT triển khai rất nhiều hoạt động để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ví dụ dừng tuyển sinh mở ngành vì có những bất cập, lỏng lẻo trong đó. Thứ hai, dừng tuyển sinh của 101 ngành chuyên ngành đào tạo tiến sĩ ở 35 cơ sở ĐT không đủ điều kiện. Thứ ba là dừng tuyển sinh của do vi phạm quy chế.

Trong tuần vừa qua, chúng tôi tiếp tục hậu kiểm 4 ĐH là trường về việc cam kết thành lập trường là ĐH Văn Hiến, Trường ĐH CNTT TP.HCM, Đông Đô, Kiến trúc Hà Nam. Trường ĐH Đông Đô đã thành lập 17 năm nhưng chưa có một tấc đất, vẫn đi thuê mướn địa điểm, mà kí hợp đồng thuê mướn là từng năm một.

Như vậy chúng ta phải hậu kiểm, trên cơ sở đó để xem anh nào đúng, anh nào không. Ví dụ có 2 ngành của ĐH Đông đĐ, có ngành kĩ thuật điện tử viễn thông chỉ có 1 giảng viên cơ hữu, có ngành 2 giảng viên cơ hữu,....

Như thế không thể tiếp tục mà đào tạo được. Từ đó, chúng tôi thấy quan trọng nhất là phải hậu kiểm xem các anh thực hiện cam kết có đúng với khi anh xây dựng đề án thành lập hay không. Sau đó phải xử lý nếu không thực hiện được.

Nhà báo Kim Dung:
Vậy khậu hậu kiểm quy định như thế nào? Mấy năm một lần?

Ông Ngô Kim Khôi: Hiện nay chúng tôi đang thực hiện hậu kiểm theo nghị quyết 50, rất rõ thế này: Đối với những trường mà điều kiện đảm bảo chất lượng không tốt như năm trước thì giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với những trường thành lập trước năm 2001, trong đó có một số trường cả công lập lẫn dân lập chúng tôi sẽ tiếp tục đi hậu kiểm.

Sắp tới chúng tôi sẽ đi kiểm tra tiếp cả công lẫn tư cả ĐH lẫn CĐ. Ý thứ 2, những trường thành lập trước 2010, nếu vẫn không có trụ sở riêng theo đề án đăng ký thành lập trường thì đến năm 2013 đình chỉ tuyển sinh, đình chỉ đào tạo, báo cáo thủ tướng xem xét đóng cửa trường và giải thể.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Năm 2011, UB Thường vụ Quốc hội có tổ chức đoàn giám sát về việc thành lập trường về đầu tư và đảm bảo điều kiện đào tạo

Cũng kiểm tra được hơn 50 trường. Kết luận đã nói rồi. Báo cáo, giám sát của Ban thường vụ Quốc hội cũng đã nói rõ việc chúng ta mở quá nhiều trường ĐH, nâng cấp quá nhiều trường ĐH trong thời gian vừa qua là không phù hợp.

Ngoài những trường vừa được nhắc tên thì có những trường đúng là khi nào Bộ cho chỉ tiêu tuyển sinh và thí sinh hòm hòm thì mới chạy đi thuê trụ sở, lớp học..thì nó là lò luyện thi, làm sao mà là ĐH được, không có triển vọng.

Một trường nhiều khoa như thế mà chỉ có 71 cán bộ giảng viên cơ hữu, đa phần là đã về hưu rồi, không cán bộ trẻ và rất ít trường bỏ tiền đào tạo cán bộ trẻ. Quốc hội, dân phản ánh là đúng, chuyện đó là dễ dãi.

Quốc hội cũng đã có nhiều cố gắng, nhiều quy định về thành lập trường và quy định tuyển sinh, đào tạo; cho thành lập trường rồi kiểm tra có đầy đủ điều kiện rồi mới được phép tuyển sinh. Không phải có giấy mở trường mà tha hồ tuyển sinh.


Cần phải nói là khu vực này có vấn đề.

Năm nay, nhiều trường tha thiết đề nghị hạ điểm sàn, đã thấp lắm rồi còn hạ nữa, giao cho trường quyết định điểm sàn. Không chỉ trường ngoài công lập đâu mà cả trường công lập mới thành lập nữa. Chính những hành vi như thế làm mất lòng tin của xã hội, dẫn đến những quyết định kiểu như Đà Nẵng, Nam Định hay một số tỉnh khác vừa làm thời gian qua.

Cần chấn chỉnh ngay nếu không đào tạo như thế này gay lắm, mất kinh phí, thời gian của người ta. Rồi nếu họ vô tình được tuyển vào bộ máy Nhà nước, ...thì chính họ làm hỏng công việc ở đó.

Cần nói nghiêm khắc để các trường tự điều chỉnh. Không phải để việc các trường miễn có thí sinh làtuyển....Đấy là trách nhiệm với đất nước, với ngành. Nhà trường cũng qua đó để tạo thương hiệu. Cần có tư duy mới, thực sự vì sự nghiệp chung không chỉ vì lợi nhuận thì mới đào tạo tốt được.

Những người lập trường ngoài công lập rất nghèo?

GS Trần Xuân Nhĩ:
Không thể cho trường ĐH ra mà không kiểm tra. Quốc hội cũng cần phải rằng Chính phủ đã thực hiện những nghị quyết của Chính phủ như thế nào. Một trong những nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 69 về việc cho đất cho trường. Cần cho đất “sạch” mới làm được trường.

Thực tế ở Việt Nam, những người thành lập trường ngoài công lập phần lớn là những người giáo chức, công chức Nhà nước mà thực sự họ cũng nghèo, ít người có tiền tỷ đâu.

Chính những trường có doanh nghiệp thì họ phần nhiều vì lợi nhuận, không có cái tâm thì rất khó làm chuyện đó. Bộ phận ngoài công lập cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước này, ngoài các trường công lập, mà Nhà nước đánh thuế toàn dân chuyện đó.

Việc đào tạo nguồn nhân lực ta nghĩ là việc của Nhà nước nhưng không thể bao hết được. Vậy những anh nhà giáo có đam mê nhưng nghèo đứng ra thành lập trường thì cần cho anh ấy những cái có thể được. Cái Nhà nước có là đất đai. Cho trường mua như đất nhà ở làm sao mua được. ĐH ĐL Đông Đô chẳng hạn. Đã không mua đất được thì người ta dẫn tới mâu thuẫn, tính chuyện chia nhau. Cứ thế mãi thì không ổn.

Nếu Nhà nước cho họ đất, họ đổ tiền vào xây dựng cơ ngơi như trường chị Sính (GS Hoàng Xuân Sính, ĐH DL Thăng Long, Hà Nội),…không bao giờ mất đâu. Tôi mong Chính phủ thực hiện điều đó triệt để.

Nhiều trường không thực hiện được như kế hoạch ban đầu là thế. Trường của nhà giáo Đặng Hữu chẳng hạn, ý tưởng thì rất tốt nhưng đến nay có đất mà cũng chưa làm được. Nhà nước xem lại.

(Còn tiếp)

  • Thực hiện: Kiều Oanh - Hạ Anh - Văn Chung - Hồng Khanh - Ngọc Trang
  • Ảnh: Phạm Hải