- Thưa bạn đọc VietNamNet! Giáo dục đại học là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - là một bậc học rất quan trọng thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Gần đây dư luận xã hội quan đến sự kiện Nam Định - mảnh đất học có chủ trương không tuyển dụng công chức là sinh viên tại chức, sinh viên các trường ngoài công lập.

Nam Định không phải là tỉnh đầu tiên mà trước đó, Đà Nẵng cũng đã đưa ra chủ trương này và đã gây tranh cãi dữ dội. Mùa tuyển sinh năm nay nổi lên hiện tượng có rất nhiều trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu và không ít trường đã xin hạ điểm chuẩn. Điều này gắn liền với dư luận xã hội trước đó đã bức xúc trước thực trạng ĐH mọc lên như nấm sau mưa.
Hai vấn đề diễn ra cùng lúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Với lý do đó, VietNamNet tổ chức buổi đối thoại trực tuyến về ba chủ đề lớn với 4 vị khách đều là những nhà quản lý giáo dục lâu năm, có kinh nghiệm và là những chuyên gia giáo dục.

Các khách mời gồm: PGS-TS Ngô Kim Khôi, phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT); GS Trần Xuân Nhĩ, phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam; GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Tiến sĩ Văn Đình Ưng, ủy viên Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam.
 


Các khách mời tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hữu Hải

Nhà báo Kim Dung: Xin bắt đầu buổi đối thoại bằng chủ đề đang được dư luận quan tâm về chủ trương của Nam Định không tuyển công chức hệ dân lập và tại chức. Trước đó, Đà Nẵng cũng đã thực hiện và cũng gây ra bức xúc trong dư luận xã hội. Mới đây, chúng tôi có thêm thông tin Hải Dương, Vĩnh Phúc...cũng đã thực hiện. Và trả lời VnExpress, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân không có chủ trương phân biệt bằng cấp giữa công lập và dân lập. Vậy xin hỏi các quý vị là tại sao các tỉnh vẫn liên tiếp tự đề xuất và thực hiện. Chắc phải có nguyên nhân?

Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Theo quy định tại điều 36 của Luật Công chức thì điều kiện thi tuyển công chức là không phân biệt. Một trong các điều kiện đó là ứng viên tham gia thi tuyển có văn bằng chứng chỉ phù hợp.

Và điều 42 của Luật Giáo dục quy định về văn bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ: Sinh viên các trường CĐ sau khi học hết chương trình đủ điều kiện và dự thi tốt nghiệp đạt yêu cầu theo quy định thì hiệu trưởng các trường cấp bằng tốt nghiệp CĐ. Tương tự đối với sinh viên ĐH cũng vậy.
Như vậy giá trị văn bằng tốt nghiệp là như nhau.
Nhà báo Kim Dung: Nhưng tại sao các địa phương lại chủ động có phản ứng đồng loạt như thế? Vậy các vị lý giải về hiện tượng này như thế nào?
GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Tôi thấy việc này không đúng. Chủ trương của nhà nước hiện đang xây dựng một xã hội học tập, khuyến khích tất cả mọi người đi học. Và luật cũng quy định giá trị các loại văn bằng đó là như nhau.
Tôi biết nhiều lãnh đạo cấp nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng xuất thân từ học tại chức, có người học dân lập...Do đó, không có lý do gì để nói không tuyển sinh viên hệ tại chức và sinh viên dân lập.
Nếu tuyên bố không tuyển thì rất có hại đối với tình hình hiện nay. Bộ GD-ĐT cũng có kế hoạch đến năm 2020 phát triển các trường ĐH ngoài công lập đến 40%. Mà hiện nay mới có 14%.
Tốt nhất, trong tuyển dụng nên đưa ra các tiêu chí cần thiết.  Cách tuyển dụng như vậy hay hơn là đưa ra định kiến "không tuyển dân lập và tại chức".


GS Trần Xuân Nhĩ
GS Nguyễn Minh Thuyết: Các văn bản đó đúng - sai thế nào thì  Bộ Tư pháp, cơ quan có trách nhiệm sẽ có ý kiến.
Đúng như PGS Ngô Kim Khôi và GS Trần Xuân Nhĩ vừa nói, Luật Giáo dục quy định các văn bằng chứng chỉ của trường công - tư- dân lập có giá trị như nhau. Luật Công chức quy định một trong các điều kiện đó là ứng viên tham gia thi tuyển có văn bằng chứng chỉ phù hợp. Nhưng Luật Công chức cũng không nói rõ như thế nào là phù hợp. Mà trong Luật Công chức còn yêu cầu việc tuyển dụng phải phù hợp với vị trí công tác.
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, UBND các cấp cũng như Luật Công chức giao việc tuyển dụng cho các bộ ngành và cho UBND.
Trên thực tế, tôi cũng phải nói thật là rất nhiều địa phương, bộ ngành, cơ quan có quy ước không chính thức với nhau như vậy. Chỉ có điều là không dám nói thẳng thôi.
'Đúng là phải thay đổi quan niệm về chuyện tuyển dụng cán bộ không nên chỉ lấy bằng cấp làm chất lượng vì như thế cũng chưa chính xác. Tôi đã từng dạy ĐH - điểm cao, điểm thấp tùy thầy chứ không phải là vấn đề chắc chắn lắm đâu' - GS Nguyễn Minh Thuyết
Lẽ ra, khi tuyển cán bộ, phải tổ chức một kỳ thi khách quan, công bằng, chính xác để tuyển được những người có năng lực vào làm việc, dù là văn bằng gì.

Nhưng hiện nay, cũng có khá nhiều phức tạp trong tuyển dụng và ai dám đảm bảo là tuyển dụng khách quan?

Ai dám đảm bảo là một số trường hợp các em học tập không khá, thi vào ĐH với điểm thấp và trong quá trình học tập cũng không vươn lên được nhưng vì bố mẹ có thế lực nên thông qua tuyển dụng nên lọt vào được vào những vị trí nhất định và loại những người có năng lực ra?
Theo tôi, phải thay đổi quan niệm về chuyện tuyển dụng cán bộ không nên chỉ lấy bằng cấp làm chất lượng vì như thế cũng chưa chính xác.

Tôi đã từng dạy ĐH - điểm cao, điểm thấp tùy thầy chứ không phải là vấn đề chắc chắn lắm đâu.
Văn bằng chỉ là một căn cứ, chưa đầy đủ. Nhiều lãnh đạo, nhà khoa học.. thành đạt nhưng bằng cấp của họ đâu có cao, chủ yếu do sự học hỏi mà đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học.
Tuy nhiên, qua phản ứng của Đà Nẵng và Nam Định,  tôi cho đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hệ giáo dục ĐH - làm sao đào tạo đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vì nếu nhìn vào thực trạng giáo dục ĐH thời gian quan thì quả thực, cũng có nhiều vấn đề chất lượng rất đáng lo ngại - không chỉ các trường ngoài công lập mà một số trường công lập cũng yếu lắm. Còn khối trường ngoài công lập cũng có những trường rất khá, nên nếu gạt hết thì cũng có nhiều người oan. Nếu như thế thì sang năm, các trường ngoài công lập lại càng khó hơn trong tuyển sinh.
Trong khi đấu tranh với các nhà tuyển dụng để họ có nhìn nhận công bằng hơn thì các trường cũng phải tự vận động để nâng chất lượng đào tạo, nâng thương hiệu. Khi đó, chắc chắn mọi chuyện sẽ thay đổi. Và không có một quyết định hành chính nào tồn tại vĩnh viễn.


GS Nguyễn Minh Thuyết

Nhà báo Kim Dung:
Vậy xin hỏi, điều gì chi phối các nhà tuyển dụng vì hiện chúng ta đều không tin vào tuyển dụng. Điều này có mang tính xã hội không? Và nó đáng báo động ở chỗ nào trong công tác tuyển dụng?
GS Nguyễn Minh Thuyết:
Câu chuyện của Nam Định đặt ra 2 vấn đề lớn hơn.
Vấn đề thứ nhất là chính sách tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Trong chuyện này, mỗi thời kỳ, mình có những sai lầm do thiếu khách quan. Thời trước, tính khách quan bị chi phối chủ yếu bởi chủ nghĩa lý lịch chứ không phải nhà tuyển dụng có tiêu cực. Đến bây giờ, nói thẳng thắn chuyện tuyển dụng bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ, nể nang, tiền nong.

Tôi xin nói thật và đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra, trong ngành mình...Ở nơi đó mà làm những công việc đó, với số tiền đó họ lấy đâu ra.

Tôi xin nói thật và đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra, trong ngành mình: Những huyện xa lắc, ở một tỉnh tôi có người họ hàng có con em tốt nghiệp sư phạm muốn về thì phải 80 triệu rồi ngay cả cán bộ y tế học đường ở trường tiểu học cũng 30 triệu.

Ở nơi đó, làm những công việc đó, với số tiền đó, họ lấy đâu ra?

Chuyện này ở mình khá phổ biến. Tôi cho việc làm của một số tỉnh buộc ta phải nghĩ giải pháp khác, chứ không chặn mãi ở chuyện bằng cấp được.
TS Văn Đình Ưng: Tôi cũng có nhiều năm công tác ở Bộ GD-ĐT.

Tôi thấy rằng, trước hết là Nam Định hay Đà Nẵng và một số tỉnh khác không nghiêm, trên nói một đằng dưới làm một nẻo.
Tuyển cán bộ lúc "cần trẻ thì lại già, lúc cần phụ nữ thì tôi lại là đàn ông". Bộ máy của mình là tuyển vào đấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thủ trưởng cả, tuyển cũng có người tốt, xấu không ảnh hưởng gì thủ trưởng vì có thể sang năm ông ấy nghỉ hưu. Vì vậy, tuyển cho xong đi, có phong bao, phong bì. Đấy là một thực trạng rất nóng bỏng trong bộ máy tuyển công chức kể cả các hệ thống trường ĐH, CĐ, mầm non…
Tôi thấy có rất nhiều người phản ánh mà chưa có cách nào ngăn chặn cả. Tôi nghĩ, có thể tình trạng ấy đã gây oan cho hệ thống đào tạo tại chức và ngoài công lập. Trước tình trạng này, là một người làm trong giáo dục, tôi thấy trong lòng không vui vẻ. Tôi cũng mong muốn rằng phải thay đổi cách tuyển chọn.


Ông Ngô Kim Khôi

Nhà báo Kim Dung: Như vậy, bản chất của chủ trương tuyển dụng này phải chăng là quá coi trọng bằng cấp?
Ông Ngô Kim Khôi: Có lẽ quan trọng nhất đó là các địa phương nên tổ chức kỳ thi tuyển công chức khách quan, công bằng để tuyển được những người tài, có năng lực chứ không phải là các điều kiện để anh được dự thi.
Nhà báo Kim Dung: Bài viết "Nói không" với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?, tác giả có nhận xét: Xã hội hiện nay có nhiều điều bất ổn là xuất phát từ nền đào tạo chính quy. Không tuyển tại chức, dân lập chỉ là sự ngụy biện về sự yếu kém quản lý. Và độc giả bình luận, hệ ngoài công lập bị lôi ra như là "vật tế thần"?
GS Trần Xuân Nhĩ: Chúng ta có ý kiến là những trường dân lập mới mở ra đây có chất lượng chưa cao. Có phải mỗi dân lập đâu, còn có cả công lập nữa chứ. Chúng ta phải tạo điều kiện và chấn chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Đây là điều tôi cho là rất quan trọng. Nhà nước phải tạo điều kiện cho trường dân lập mới mở mà chưa đạt yêu cầu thì từng bước nâng lên. Nếu anh chưa đạt được chất lượng thì Bộ cần làm. Nếu có báo động cần xem xét.

(còn tiếp)

Phần 2: Giáo dục đại học có "đẻ non"?