- "Sát thủ đầu mưng mủ", cuốn sách vẽ minh họa thành ngữ cải biên của giới trẻ Việt đang được một phe độc giả nhiệt liệt ủng hộ và một phe cực lực phản đối.

Hình ảnh trong cuốn "sát thủ đầu mưng mủ"

Những người thích cười thì...mua

Không chỉ sốt và "cháy hàng" tại các hiệu sách, việc truyền cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" bằng bản scan cũng lan tràn với tốc độ chóng mặt trên mạng.

Đó là một thành công về tài chính và cả "thương hiệu" cho cuốn sách này và ekip thực hiện.

Trong bối cảnh văn hóa đọc nhìn chung là khá ế ẩm, ít có cuốn sách nào của các nhà xuất bản Việt tạo ra cơn sốt trong giới trẻ thì một cuốn được nhiều người tìm mua và bàn tán là "ngôi sao hy vọng" cho nhà xuất bản.

Giới ủng hộ cuốn sách thì lý luận: "Cuốn này tác giả và NXB sáng tác và phát hành với mục đích mua vui, mang lại tiếng cười cho độc giả, nhảm mà vui, không phải với mục đích tuyên truyền những câu thành ngữ đời mới (chả cần tuyên truyền thì nó cũng đã phổ biến lắm rồi), chỉ là lưu lại một thời xì tin của các bạn trẻ bây giờ, để sau này các bạn xem lại, đấy ngày xưa nhí nhố thế đấy, giờ đã lên ông lên bà, con cháu nó cũng chả thèm dùng mấy cái câu cũ xì này nữa.

Còn về nét vẽ, không xấu tí nào, nếu so với mắt to, môi nhỏ, chân dài của truyện tranh Nhật Bản thì chắc là không thể long lanh bằng nhưng vẫn có vẻ đẹp và phong cách riêng, tác giả là một họa sĩ trẻ đã từng nhận được nhiều giải thưởng trên thế giới, được công nhận và đánh giá là nét vẽ rất Việt Nam" (nickname Blue Princess).

Một độc giả khác đồng tình:

"Ai chê thì chê, ai lên án thì lên án, mình chỉ biết là cu em mình thích, mình chỉ biết là bạn bè nó thích, và nếu mình muốn em mình xem mình như một người bạn, nếu mình muốn hiểu được tụi nhỏ bây giờ thì chỉ có việc phải tìm hiểu chúng nó nhiều hơn thôi. Xem những gì chúng thích xem, hiểu những gì chúng nói, nghe những gì chúng nghe. Gần gũi để còn hướng chúng khỏi đi lệch đường nữa chứ! Sự bài xích, sự chê bai, sự cấm đoán, chỉ làm mình xa rời chúng hơn thôi." (nguyenkids)

Nhìn chung, những ý kiến tán đồng vì ý tưởng mới lạ của cuốn sách, đọc để cười toác miệng vì bây giờ hiếm có thứ gì khiến cho người ta cười ngoác miệng.

Trong khi đó, một bộ phận độc giả khác tỏ ra không tán đồng với kiểu "Sát thủ đầu mưng mủ". "Một cuốn sách như vậy thật không thể chấp nhận, rồi giới trẻ ngày nay sẽ nhìn nó vào hướng tích cực (giải trí) hay tiêu cực? Giới trẻ ngày nay quá năng động và quá bồng bột để có thể nhận ra được hướng tích cực của quyển sách này, thay vào đó họ sẽ học những câu vô nghĩa mà cực kì vô duyên trong cuốn sách đó" (ngocvinhmdc)

Một bạn đọc cho rằng cuốn sách này "nhảm nhí" vì "cuốn sách phát hành rộng rãi sẽ làm méo mó các câu thành ngữ, tục ngữ của cha ông ta đã từng chắt lọc, vô hình trung những sai lệch ăn sâu vào trí óc người đọc và trở thành phổ biến thì vô cùng nguy hiểm."


Hình ảnh trong cuốn "sát thủ đầu mưng mủ"

Chỉ tại người đọc?

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc NXB Nhã Nam cũng có lý của mình khi trả lời câu hỏi về sự ảnh hưởng không tốt của cuốn sách này đến một bộ phận giới trẻ khác:

"Chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!".

"Chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!" - Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc NXB Nhã Nam
Có một thực tế là những cuốn sách làm công phu, chỉn chu thì ít người để ý tới, các nhà xuất bản bán cầm chừng, nhưng chỉ cần có vấn đề hoặc nhảm để giải trí như kiểu "Sát thủ đầu mưng mủ" lại được "săn lùng", xôn xao và bàn tán.

Cũng giống như các bài viết về "người tốt, việc tốt" thì ít người đọc, nhưng nếu gõ cụm từ "Nguyễn Đức Nghĩa" hay "Lê Văn Luyện" trên Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả.

Ở góc độ ngôn ngữ học, GS.TS Nguyễn Đức Dân cho rằng, cách nói của giới trẻ được tập hợp trong cuốn sách là một thực tế khách quan, nó tồn tại tất yếu trong cuộc sống và không thể cấm được, ai thích thì dùng, ai không thích thì không dùng.

Kiểu nói như "bét nhè con gà què", "chán như con gián", "buồn như con chuồn chuồn", "chảnh như con cá cảnh", "chuyện nhỏ như con thỏ" là cách nói vần. Người Việt rất ưa nói vần, đó là thói quen đã hình thành trong tâm thức.

Kiểu nói này không có gì mới lạ, nó đã tồn tại cả chục năm nay.

Theo GS Nguyễn Đức Dân, cách nói kiểu này "nói cho vui thì được, nếu lạm dụng thì sẽ trở thành thói quen ăn nói hời hợt, rỗng tuếch, báo động một thứ văn hóa nghèo nàn. Việc in thành sách, phổ biến những kiểu nói như vậy không cấm nhưng không nên khuyến khích". "Trong khi đó, kiểu diễn đạt như Bút Tre thì sâu sắc và trong sáng hơn.

  • Tú Uyên

Những câu thành ngữ cải biên được tập hợp trong cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ"

Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm

Đầu to óc bằng quả nho

Đẹp trai nhưng hai phai

Dở hơi biết bơi

Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở

Một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai

Ngon lành cành đào

Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên

Sống đơn giản cho đời thanh thản.....