Trên tờ nội san "Cóc Đọc", - một ấn bản của Trường ĐH FPT, sinh viên Lê Gia Cường nêu câu hỏi "tại sao không chịu gác lòng tự hào mù quáng của mình sang một bên, nhận ra rằng mình còn thua kém, còn chưa đẹp để mà thay đổi?".

1. Người Việt Nam “xấu xí”?


Đúng thật là như vậy đấy.

Đi bộ không cần biết vạch biết đèn, cứ nhắm mắt đi và nếu ai va phải mình thì phải đền.

Nhìn thấy hàng hoá nước này nước nọ nếu không chê bai thì cũng mang tư tưởng rằng "Ồ Việt Nam chẳng bao giờ được như vậy". Khi thấy những người Việt Nam đầu tiên bước chân vào con đường ấy thì ra sức chê bai dè bỉu. Chính bản thân không làm được gì và cũng chẳng có lấy một lời phê bình mang tính chất xây dựng nào cả.

Không bao giờ xếp hàng mà toàn chen vào giữa.

Và còn rất nhiều nhiều trường hợp khác gọi là "xấu xí" cũng không oan một chút nào cả.
 
2. Lại nói về chuyện Bắc Giang


Hung thủ chưa đủ 18 tuổi.

Cách đây ít lâu đọc trên amnesty.org rằng ở Mỹ có đứa trẻ 13 tuổi phạm tội giết một người phụ nữ mang thai. Các nhà hoạt động nhân quyền ra sức đấu tranh để đứa trẻ này được xét xử tại toà án cho trẻ vị thành niên chứ không phải là toà án hình sự. Dù rằng giết một người phụ nữ đang mang thai có lẽ là tội ác ghê tởm nhất con người ta có thể nghĩ tới.

Còn ở Việt Nam, chắc hẳn người ta ai cũng nghĩ "Chưa đủ tuổi cũng phải tử hình". Vậy pháp luật để đi đâu? Giết cả một gia đình đúng là một tội ác khủng khiếp, không biết làm thế nào rửa cho hết tội. Chết cũng không hết. Nhưng luật pháp là luật pháp. Nếu con người ta cứ bỏ qua luật pháp để hành xử theo cái cách mà người ta cho là đúng, thì dù có "đúng" đến mấy đi chăng nữa, không biết xã hội sẽ đi đến đâu. Lúc đấy thì công bằng cho ai, văn minh cho ai???
 
3. Na Uy

Nhiều người hay nói đùa "Ước gì được sang Na Uy đi tù!". Nhưng có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Tại sao xã hội của họ không ai nghĩ tới chuyện phạm pháp để đi tù tận hưởng? Tại sao một xã hội có hình phạt tối đa chỉ là 21 năm tù lại có tỉ lệ phạm tội vào hàng thấp nhất thế giới?
Chẳng lẽ họ nghĩ được về một xã hội văn minh, nghĩ được rằng họ có thể đóng góp một cách tích cực cho sự đi lên của xã hội của họ, mà mình lại không nghĩ được sao? Chỉ nghĩ đến làm những việc hèn hạ để được ăn sung mặc sướng? Nghĩ như thế thì cũng làm sao tin được vào giá trị con người, vào sự cải tạo con người?
 
4. Cấm

Cấm game online. Hỏi rằng kiểu cha mẹ nào mong game online bị cấm nhất? Đáp: kiểu cha mẹ vô trách nhiệm nhất. Tại sao: xã hội có rất nhiều sản phẩm giải trí, và trong khi có một số sản phẩm không phù hợp với trẻ em, vẫn có một bộ phận xã hội được sử dụng các sản phẩm này một cách chính đáng. Người cha mẹ có trách nhiệm là người đi theo con mình từng bước, biết chỉ dạy cho con cái nào nên, cái nào không nên. Chứ không phải là người mong chờ người ta cấm tiệt cái này cái nọ để mình đỡ phải lo lắng gì cho con cái.
 
5. Cuối: Lòng tự hào

Người Việt Nam có rất nhiều điều đáng tự hào. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hai cường quốc lớn nhất thế giới bằng lòng yêu nước của mình. Đáng tự hào lắm chứ! Tại sao tụi trẻ nghe Kpop chê nhạc Việt làm cho những người biết-suy-nghĩ căm phẫn đến thế? Vì chúng không có lòng tự hào dân tộc, và như thế, tức là cũng không có giá trị gì cho bản thân hay ai khác cả.

Nhưng lòng tự hào không làm cho con người ta hoàn hảo.

Bất cứ khi nào, trong một bài báo nào, hễ cứ có ai nhắc đến điểm xấu của người Việt Nam, so sánh Việt Nam với nước ngoài là có kẻ xông vào mắng chửi "Đồ mất gốc!". Thật không hiểu vì sao con người ta có thể nghĩ thế! Đánh bại hai cường quốc không thể biến người Việt Nam thành một người hoàn hảo. Thậm chí một bộ phận người Việt Nam còn chưa văn minh nữa kìa!

Tại sao không chịu gác lòng tự hào mù quáng của mình sang một bên, nhận ra rằng mình còn thua kém, còn chưa đẹp để mà thay đổi?

  • Lê Gia Cường
***************************
Mời các bạn chia sẻ bài viết của học sinh, sinh viên theo địa chỉ sau: bangiaoduc@vietnamnet.vn