- Xung quanh câu chuyện Nam Định phân luồng tuyển dụng công chức, với chủ trương chỉ nhận người tốt nghiệp đại học chính quy, còn tại chức thì "xếp hàng" ở cấp xã - đang thu hút nhiều ý kiến đa dạng, VietNamNet tìm tới tiến sĩ Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội.  TS Thông từng tham gia trong nhóm nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài.

TS Lê Minh Thông: "Rõ ràng có tác dụng thức tỉnh rất lớn. Một sự cảnh báo giật mình". Ảnh: Lê Anh Dũng

Từng đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương và tham gia trong nhóm nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài, ông bình luận gì về việc một số địa phương đã nói "không" với hệ tại chức khi tuyển công chức tỉnh nhà?

TS Lê Minh Thông: Mỗi cơ quan, đơn vị có một yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn, chất lượng nhân lực, ứng với mục đích công việc của họ.

Bởi vì quan trọng nhất trong thi tuyển công chức là họ không làm trái quy trình tuyển chọn theo Luật Công chức. Còn lại, họ có quyền đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn với đối tượng thi tuyển.


Việc Nam Định mới đây và Đà Nẵng năm trước công bố chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp  hệ chính quy là quyền của nhà tuyển dụng.

Điều đó không có nghĩa là họ bác bỏ bằng cấp các trường khác mà chỉ bao hàm ý nghĩa là công việc đó, lĩnh vực đó cần một ứng viên đáp ứng một số điều kiện nhất định. Không có gì là trái luật ở đây.


Liệu rằng, động thái của một số tỉnh thành nói trên thì ngành GD-ĐT có phải nhìn nhận lại về chất lượng của hệ thống đào tạo lâu nay?

- Rõ ràng có tác dụng thức tỉnh rất lớn. Một sự cảnh báo giật mình.

Bởi các nhà làm giáo dục cũng phải xem lại cách thức đào tạo của mình. Anh phải đào tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và được thị trường lao động ưa chuộng.

Xã hội đánh giá, xếp hạng các trường là dựa trên tiêu chí đó. Nó còn quyết định đến danh dự uy tín.


Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để nhắc nhở các trường, các cơ sở đào tạo tự đổi mới mình, và cũng là một cảnh báo quan trọng cho những người đi học.

Đừng chạy theo bằng ĐH bằng mọi giá mà phải nâng cao năng lực. Còn nếu như chỉ có bằng Đại học để tự đánh bóng thì không có giá trị thực tiễn.


Sự cảnh báo này cũng cho thấy đã đến lúc phân biệt chất lượng người đi học khác nhau, chất lượng trường học là khác nhau chứ không thể bình quân và cào bằng. Ai cũng tốt nghiệp ĐH nhưng chất lượng đầu ra không thể như nhau.

Nếu đào tạo không đúng chuẩn thì không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cao.

Thái độ của người tuyển dụng đã đặt ra cho người học, người dạy, hệ thống đào tạo phải tự nâng cao mình lên. Xã hội cần gì, trường học phải nâng cao chất lượng để tạo ra sản phẩm tương ứng, chứ không thể tiếp tục  bắt xã hội phải tiếp nhận các sản phẩm giáo dục không đáp ứng được yêu cầu.


Tất nhiên, điều này không bao hàm ý nghĩa rằng hễ học tại chức, dân lập ra là kém vì có rất nhiều người giỏi. Nhưng họ đã giỏi thì họ cũng có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác và không phải lo họ thất nghiệp.

Theo tôi, quy định này không nên xem là cứng nhắc. Nó chỉ nói lên một yêu cầu tuyển dụng là vị trí công việc đó ứng với một số tiêu chí nhất định.

Ông đánh giá như thế nào về cách tuyển chọn công chức của các cơ quan nhà nước hiện nay? Phải chăng việc làm trên của các địa phương chỉ càng củng cố quan điểm coi trọng bằng cấp trong quá trình tuyển dụng?


- Trong lúc chúng ta chưa có một tiêu chí nào cụ thể để xếp hạng các trường đại học đánh giá chất lượng thực sự của các trường thì các nhà tuyển dụng trước hết đành phải dựa trên bằng cấp trước.

Đành rằng, việc SV đạt bằng khá, giỏi ở trường nọ trường kia cũng còn nhiều chuyện cần phải bàn. Nhưng hiện chưa có một tiêu chí đánh giá khả dĩ nào khác trong điều kiện thực tế hiện nay.


Phải thấy rằng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của chúng ta chưa có, nên không thể dựa vào một bộ tiêu chí chung nào chuẩn.

Nhà tuyển dụng cũng không biết căn cứ vào đâu để đánh giá một cách chính xác nhất. Vậy là tiêu chí đầu tiên dựa vào đó là tấm bằng, để chí ít có được một hy vọng là anh ta sẽ có thể làm được việc. Nhưng tất nhiên thực tế không phải mọi hy vọng đều trở thành hiện thực.


Yêu cầu về bằng cấp là một vấn đề đầu tiên. Nhưng sau đó, quy trình, chất lượng thi tuyển đầu vào công chức cũng như tiêu chí đánh giá công chức sau đó cũng cần phải thay đổi và hoàn thiện dần.

Theo hướng như thế nào thưa ông?


Tôi cho rằng,  nhà tuyển dụng phải cân nhắc quá trình tiếp theo sau khi ứng viên đó được tuyển thì họ sẽ làm việc thế nào, giải quyết các công việc ra sao, có chứng tỏ được bản thân không? Tất cả những điều đó mới quan trọng. Và đó là bộ tiêu chí đánh giá công chức sau này.

Còn đúng là hiện nay, ngay cả khâu thi tuyển công chức cũng chưa phải là cơ hội để các ứng viên thể hiện được năng lực của mình. Cho nên, phải thay đổi trong cách thức tuyển chọn công chức hiện nay.

Thay đổi theo hướng, mọi công tác thi tuyển đầu vào, phương pháp tuyển dụng... phải thực sự tạo ra cơ hội để ứng viên thể hiện được mình.

Một kỳ thi chất lượng, nghiêm ngặt sẽ có ý nghĩa lớn để quyết định việc có chọn được người đủ năng lực hay không. Còn bằng cấp chỉ là điều kiện.

Nếu thực sự chỉ coi trọng bằng cấp thì có lẽ người ta chỉ cần khâu xét tuyển bằng cấp là xong.


Về sau, khi đã tuyển dụng được công chức vào trong bộ máy thì phải tiến hành đánh giá đội ngũ công chức, từng năm từng tháng theo một quy trình khác để sàng lọc và giữ chân những người thực sự tài năng.

Xin cảm ơn ông.


  • Lê Nhung (Thực hiện)

    Nên trao toàn quyền tuyển dụng cho địa phương

Cần thấy một nguyên tắc rất quan trọng mà nhiều nước phát triển đã làm là tôn trọng quyền tuyển dụng của chủ sử dụng lao động...

Ở VN, Luật Giáo dục ghi nhận giá trị bằng cấp của các trường công lập và ngoài công lập là như nhau, nhưng cũng không có điều khoản nào cấm người sử dụng lao động từ chối tuyển người có bằng dân lập hay tại chức. Pháp luật về công chức và viên chức còn khuyến khích sử dụng nhân tài... Theo tôi, tiến tới phải trao toàn quyền tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực cho chính các địa phương.

Ủy viên thường trực UB Pháp luật QH, nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Sỹ Cương trả lời báo Tiền phong

Họ tên: Trịnh Minh
Tiêu đề: Lời cảnh báo với Bộ GD-ĐT


Mong báo đăng ý kiến ngắn này của tôi. Tôi là giảng viên đại học tại Hà Nội có nhận xét chung ngay là chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay kém xa ngày xưa, cả chính quy lẫn dân lập và tại chức.

Nam Định từ chối tuyển đối tượng này không có nghĩa là ứng cử viên đại học chính quy là đủ tiêu chuẩn tuyển chọn mà theo tôi hiểu là Nam Định muốn giảm bớt số ứng cử viên vì chắc chắn những người tốt nghiệp dân lập hay tại chức không thể qua bất cứ vòng tuyển chọn nào.

Trách nhiệm này thuộc về các trường đại học và trên hết là Bộ GD-ĐT.

Thực ra sinh viên các trường này cần kiện Bộ GD-ĐT mới phải vì cầm bằng tốt nghiệp mà chả biết cái gì, chả học được cái gì trong khi phải đóng đủ học phí.

Tôi cho rằng quyết định cứng rắn của Nam Định muốn cảnh báo cho Bộ GD-ĐT về vai trò và trách nhiệm của mình.

Tôi cũng mong bộ làm gì đó kẻo không lâu nữa nhiều đơn vị như Nam Định có thể sẽ không tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam.

Tuyển công chức mới chọn một loại trí thông minh
TS Hồ Thiệu Hùng băn khoăn, không biết ở ngoài Bắc thế nào, còn ở trong Nam, những sinh viên thực sự giỏi thì không mặn mà lắm với cái ghế công chức
 
Vì sao tại chức vẫn thăng tiến đều?
“Dốt thì phải tìm mưu”, “không có quan hệ thì chỉ “ngồi một chỗ”… là những cụm từ nóng mà bạn đọc dùng để vẽ chân dung tại chức trong các cơ quan hiện nay. </div>
 
Dân lập: Kiêu hãnh và định kiến
Trải qua 23 năm chinh chiến để xây dựng mô hình Thăng Long là ĐH dân lập cam kết phi lợi nhuận, những chia sẻ của GS Sính gợi lên một điều: Từ khi xuất hiện đến nay, “dân lập” trở thành nhạy cảm, bị đóng đinh vào định kiến.
 
Chuyện ghi ở Nam Định sau ngày 'nổ súng'
Trước giờ gặp với lãnh đạo tỉnh, một cán bộ làm ở UBND tỉnh tiếp chúng tôi ở phòng khách chia sẻ việc không liên quan đến mình nhưng bức xúc.
 
Tại sao Nam Định 'nổ súng' vào dân lập, tại chức?
Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định thẳng thắn, ngày trước mình cũng học tại chức và nguyên chủ tịch tỉnh cũng vậy nên ông biết chất lượng của hệ đào tạo này như thế nào.